Tư liệu

Trung Quốc đóng vai trung gian hoà giải ở các điểm nóng thế giới?

Thứ Năm, 16/03/2023 07:51:31 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc đang có những bước đi tích cực, gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy vai trò của nước này trên trường quốc tế.

Trung Quốc là cường quốc thế giới về kinh tế và quân sự, thành viên Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,... do đó, nước này có tiếng nói quan trọng, ảnh hưởng trong nhiều vấn đề quốc tế. Thế nhưng, những động thái tích cực của Bắc Kinh thời gian gần đây như đóng vai trò tích cực trong hoà giải các điểm quốc tế nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tích cực làm trung gian hoà giải

Việc Trung Quốc, trong vai trò nước lớn, đứng ra làm trung gian hoà giải trong các mối quan hệ quốc tế để thể hiện vị thế, nâng cao ảnh hưởng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những bất ổn, mức độ can dự trong các vấn đề toàn cầu của Washington giảm sút dưới thời Tổng thống Joe Biden thì những động thái của Bắc Kinh trở nên nổi bật, cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thay thế vai trò của Mỹ trong trật tự thế giới đa cực.

Trong những động thái gần đây của Trung Quốc trên trường quốc tế, đầu tiên phải kể đến vai trò của nước này trong việc làm trung gian hoà giải cho Iran và Ả Rập Xê-út, tiến tới hai quốc gia Trung Đông đồng ý bình thường hoá quan hệ.

Hôm 10/3, theo thoả thuận do Trung Quốc làm trung gian, Riyadh và Tehran có kế hoạch mở lại các đại sứ quán của họ trong vòng hai tháng tới.

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, các cuộc đàm phán diễn ra từ hôm 6/3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thành phần tham dự có người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani, cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Ả Rập Xê-út Mosaed Bin Mohammad Al-Aiban và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị.

Iran và Ả Rập Xê-út vốn bất hòa trong nhiều năm. Hai nước ủng hộ các bên đối lập trong xung đột tại Syria, Yemen và một số nơi khác. Iran là quốc gia có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, trong khi Ả Rập Xê-út là nơi nhánh Hồi giáo Sunni chiếm ưu thế.

Quan hệ Iran và Ả Rập Xê-út leo thang căng thẳng sau khi Ả Rập Xê-út xử tử giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr vào năm 2016. Các tín đồ Hồi giáo Shiite tại Iran sau đó biểu tình và tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Ả Rập Xê-út.

Sự kiện này khiến hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Iraq tổ chức một số cuộc đàm phán giữa Iran và Ả Rập Xê-út từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này ở cấp độ tương đối thấp, chủ yếu liên quan các quan chức an ninh và tình báo của hai nước.  

Theo đánh giá của truyền thông quốc tế, việc Trung Quốc đóng vai trò hàn gắn quan hệ Iran và Ả Rập Xê-út là động thái Mỹ không thể làm ngơ. Washington có thể phải suy nghĩ về vai trò của Trung Quốc ở Ả Rập Xê-út và Iran sau khi Bắc Kinh làm "môi giới hòa bình" giúp Riyadh và Tehran khôi phục quan hệ ngoại giao. 

Iran và Ả Rập Xê-út vốn nằm trong các khu vực mà Mỹ duy trì sự ảnh hưởng từ lâu. Vì vậy, Washington có lý do để lo ngại sau khi Bắc Kinh thực hiện bước đi này.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự (hôm 24/2). Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt. Kế hoạch cũng đề cập sự phản đối của Bắc Kinh đối với việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ thường dân.

Bắc Kinh công bố kế hoạch hòa bình sau cuộc gặp giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin tại Moskva.

Phía Nga hoan nghênh các đề xuất của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine và cho biết sẵn sàng đàm phán hoà bình. Trong khi đó, phương Tây không ủng hộ kế hoạch này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Bắc Kinh thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hoà bình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng lộ trình hoà bình mà Trung Quốc nêu nêu ra là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không phải là kế hoạch hành động cụ thể. 

Còn theo các nhà phân tích, kế hoạch của Trung Quốc dường như có rất ít cơ hội thành công do Kiev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga rời khỏi biên giới, trong khi Moskva không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới. 

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất hoà bình, song Trung Quốc đang có những bước đi để đóng vai trò lớn hơn trong xung đột Nga - Ukraine. Hôm 13/3, Reuters đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch tới Moskva để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần tới. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba Chủ tịch Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, chuyến đi của ông Tập tới Moskva dự kiến tập trung vào việc tăng cường quan hệ Nga - Trung, cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình đa phương về Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cũng trong 13/3, tờ Wall Street Journal đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra.

Các cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga, Ukraine được cho sẽ thúc đẩy hơn nữa nỗ lực của Bắc Kinh trong việc trở thành trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trung Quốc đóng vai trung gian hoà giải ở các điểm nóng thế giới? - 1

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và đại diện Iran, Saudi Arabia trong lễ công bố thỏa thuận tại Bắc Kinh hôm 10/3.

Thay thế ảnh hưởng Mỹ trên toàn cầu?

Từ lâu, Mỹ luôn được xem là quốc gia đóng vai trò dẫn dắt, làm trung gian hoà giải trong các vấn đề, điểm nóng ở quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden chủ trương giảm dần sự can dự của Washington vào các vấn đề ngoài nước Mỹ, điển hình là rút toàn bộ lực lượng Mỹ tại Afghanistan vào tháng 8/2021.

Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng thể hiện tham vọng trở thành cường quốc, thay thế ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Bắc Kinh đã thực hiện loạt bước đi trong thời gian qua để củng cố, tăng cường vị thế trên thế giới thông qua thúc đẩy sáng kiến "Vành đai, Con đường", đẩy mạnh hợp tác với những khu vực, không gian trước đây ảnh hưởng Trung Quốc đang còn hạn chế như Trung Đông, châu Phi. 

Động thái tích cực tham gia đóng vai trò trung gian hoà giải trong các điểm nóng quốc tế của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang đi nước cờ khôn ngoan, tận dụng quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út rạn nứt để thể hiện vai trò, trung gian hoà giải cho quan hệ của các cường quốc dầu mỏ Trung Đông. 

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Iran cũng không được cải thiện nhiều từ khi ông Biden nhậm chức. Mỹ vẫn chưa thể “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân với Tehran - vốn bị cựu Tổng thống Donald Trump bãi bỏ năm 2017.

Việc Ả Rập Xê-út và Iran - hai đối thủ tưởng như “không đội trời chung” tại Trung Đông - đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ được xem là điều bất ngờ hơn, trong đó làm nổi bật vai trò của Trung Quốc.

Trung Quốc đóng vai trung gian hoà giải ở các điểm nóng thế giới? - 2

Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường tầm ảnh hưởng trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Sau sự kiện, truyền thông Trung Quốc công bố bức ảnh Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Vương Nghị đứng ở giữa, trong lúc hai quan chức từ Iran và Ả Rập Xê-út bắt tay nhau. Trong hàng thập kỷ qua, vị trí trung tâm trong các bức ảnh như vậy phải thuộc về quan chức Mỹ, quốc gia thường đóng vai trò trung gian đàm phán giữa các lực lực lượng đối địch tại Trung Đông.

Tờ New York Times cho rằng, Washington giờ đây sẽ phải chú ý hơn tới đối thủ cạnh tranh mới. Từ một quốc gia thường chỉ đứng bên lề, Trung Quốc đang dần khẳng định vị thế của một người chơi có ảnh hưởng tại khu vực.

Còn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay, có thể thấy, nhiều đề xuất hoà bình đã được lãnh đạo các nươc trên thế giới nêu ra song vì nhiều lý do nên chưa thuyết phục được Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Việc Trung Quốc đề xuất kế hoạch hoà bình trong bối cảnh đó nếu thành công sẽ là điểm cộng rất lớn cho Bắc Kinh, nâng vai trò, vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Có thể nói, kế hoạch hoà bình của Trung Quốc đề xuất để hoá giải xung đột Nga - Ukraine cho thấy tham vọng của nước này, đồng thời diễn ra rất đúng thời điểm khi mà cả Nga và Ukraine cũng đều mệt mỏi sau một năm tham chiến. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu cũng rò rỉ những thông tin muốn Kiev đàm phán với Moskva.

Trung Quốc không chỉ đề xuất kế hoạch hoà bình trên giấy tờ mà nước này muốn cụ thể hoá trên thực tế. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Nga và cuộc điện đàm với lãnh đạo Ukraine tới đây rất được kỳ vọng, có thể tạo đột phá, mang tính bước ngoạt cho xung đột ở Đông Âu.

Điều này cũng có cơ sở, khi ông Zelensky bày tỏ mong muốn cho kế hoạch gặp ông Tập Cận Bình. Hồi tháng 2, Tổng thống Ukraine Zelensky nói ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về kế hoạch hòa bình do Bắc Kinh đề xuất.

"Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine và tôi nghĩ đây là điều tốt. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?", ông Zelensky nói, cho rằng điều này sẽ "rất quan trọng đối với an ninh thế giới".

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn