Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép: Những phát ngôn đanh thép về chủ quyền VN

Thời sựThứ Ba, 13/05/2014 06:50:00 +07:00

(VTC News) - Hàng loạt phát ngôn đanh thép, ấn tượng được đưa ra xung quanh hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền VN.

(VTC News) - Hàng loạt phát ngôn đanh thép và ấn tượng được đưa ra xung quanh hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền Việt Nam.

Từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Hành động này đã gây phẫn nộ trong mỗi người dân yêu chuộng lẽ phải, chính nghĩa, chân lý và hòa bình.

Thủ tư
ớng Chính phủ: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền"

Lần đầu tiên chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị cấp cao ASEAN: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.


"Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới.
Thủ tướng Chính phủ: 'Hành động của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm'. Ảnh: Chinhphu.vn
Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế", bài phát biểu của Thủ tướng nêu rõ.


Tuyên bố “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” của Thủ tướng Chính phủ đáp ứng mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân. Cả nước đang sát cánh cùng Chính phủ hướng về biển Đông, quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước: "Hành vi của Trung Quốc tại biển Đông là xâm lược"

Sáng 11/5, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN đã ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết, so với những lần TQ cắt cáp hay đâm tàu cá VN trước đây thì lần này họ đã ngang ngược vi phạm luật pháp và quan hệ quốc tế, không chỉ có những vụ va chạm mà còn xâm phạm chủ quyền của một đất nước, nói một cách khác đó là hành vi xâm lược. Đây là việc làm hết sức nghiêm trọng, đã được TQ tính toán lâu dài.
Nguyên Phó Chủ tịch nước phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam  
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Qũy Hòa bình và Phát triển Việt Nam


VN không thể không có phản ứng mạnh mẽ vì đây là chủ quyền đất nước mà chủ quyền đất nước là vấn đề sống còn của dân tộc, do đó VN kiên quyết phản đối và nhất định phản đối đến cùng, đòi cho được TQ rút bỏ giàn khoan đó đi ra khỏi vùng biển của VN.


LS Lê Thanh Sơn: "Không kiện Trung Quốc là bỏ qua cơ hội"


LS Lê Thanh Sơn chiều 11/5 đã tham gia phiên họp mở rộng bất thường ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ông ủng hộ đề xuất Chính phủ nên khởi kiện Trung Quốc.

Theo ông Sơn, trước hết phải khẳng định sự việc đang diễn ra không phải tranh chấp mà là xâm phạm chủ quyền. Hành vi của Trung Quốc những ngày qua là xâm chiếm vùng đặc quyền của Việt Nam. Tranh chấp thì phải nằm ở vị trí nào chứ đằng này Trung Quốc vào hẳn vùng đặc quyền kinh tế nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.

Chúng ta có 3 khả năng kiện, thứ nhất là Tập đoàn dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Thứ hai là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam kiện tổng công ty này. Thứ ba là Hội nghề cá Việt Nam kiện tổng công ty này.

Nếu chưa cần thiết phải kiện cấp chính phủ - chính phủ thì có thể tiến hành 1 trong 3 vụ kiện trên. Cả 3 vụ kiện đó đều có thể thực hiện theo pháp luật Việt Nam và chính tòa án Việt Nam sẽ xét xử.

Đây sẽ là cơ hội tốt để tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý về một mối, là bước chuẩn bị đầu tiên để kiện cấp chính phủ sau này nếu có.

Giáo sư danh dự về Luật Biển của Trường Đại học Quốc gia Ireland Clive Symmons: "Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế
"

Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của NTNN, Giáo sư danh dự về Luật Biển của Trường Đại học Quốc gia Ireland Clive Symmons khẳng định, hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và chủ động tấn công tàu Việt Nam là vi phạm luật quốc tế. Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế.

Đối với hoạt động khai thác như việc đưa một giàn khoan dầu vào thềm lục địa của một quốc gia có chủ quyền là đi ngược lại với Điều 77 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Điều 77 này nhấn mạnh, các quốc gia ven biển có chủ quyền có quyền được khai thác (đoạn 1) và (đoạn 2) và những quyền này là “độc quyền” dành cho các quốc gia ven biển đó. Do đó không ai có quyền thực hiện các hoạt động khai thác mà không được sự cho phép của các quốc gia ven biển có chủ quyền.

Đối với trường hợp còn tranh chấp, chiếu theo Điều 83 phần 3 của UNCLOS cụ thể là, trong khi chờ đợi một thỏa thuận thống nhất về ranh giới, các nước có liên quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ cố gắng hết sức để tham gia vào một dàn xếp tạm thời có tính chất thực tế và trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ không gây nguy hiểm hoặc cản trở việc đạt một thỏa thuận cuối cùng.

Do đó, rõ ràng nếu Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng thềm lục địa chưa được xác định mà nước khác cũng tuyên bố chủ quyền là vi phạm nghĩa vụ chuyển tiếp bắt buộc mà điều luật nói trên đặt ra.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: "Việt Nam luôn đủ sức để bảo vệ lãnh thổ"


Trong cuộc trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ xung quanh việc Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhắc lại: “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều đó”.

“Dù còn yếu về nhiều mặt nhưng khi cần thiết, Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tôi tin Việt Nam có đủ sức mạnh tổng hợp để làm được việc đó”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Quốc hội cần ra Nghị quyết"


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, những biện pháp Chính phủ Việt Nam thực hiện trong những ngày vừa qua là nhanh chóng, kịp thời và tích cực. Lần này Việt Nam cũng đã có những thái độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Vấn đề phản đối Trung Quốc cũng rộng hơn, nội hàm của vấn đề cũng sâu hơn.
Trung Quốc hung hăng, tướng Thước: Quốc hội cần ra Nghị quyết
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4  (Ảnh: TPO)
Tuy nhiên, cuối tháng 5 Quốc hội họp, theo ông Chính phủ phải có tờ trình để Quốc hội ra một nghị quyết về vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước đây, hai Đảng, hai Tổng Bí thư đã có thỏa thuận tất cả những tranh chấp phải được giải quyết bằng hòa bình, nhưng trước sự việc vừa qua thì người đứng đầu phải lên tiếng.

Ông cho rằng, đây không phải là việc riêng của Nhà nước mà là việc hệ trọng của 90 triệu dân. Vì vậy, 90 triệu dân cũng cần được tỏ thái độ thông qua các tổ chức chính trị, xã hội từ trung ương tới địa phương.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: "Không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm"

Là một quân nhân đã từng hoạt động trên biển, hành động đó của Trung Quốc là hành động xâm phạm đến lương tri của loài người, đồng thời là một hành động đe dọa và áp đặt.
 Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam.

Trung Quốc nhiều tàu, họ giàu, kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng không phải họ muốn làm gì thì làm. Chúng ta cũng đủ sức để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: "Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền"

Thiếu tướng Đạm cho biết, hiện tại, phía Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường lực lượng như đưa thêm tàu quân sự, tàu hải giám, máy bay tới khu vực này, khiến tình hình có chiều hướng căng thẳng, phức tạp hơn.

“Cùng với các lực lượng khác của ta, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, trước mắt là cương quyết cản phá không cho Trung Quốc có thể hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định.

GS Nguyễn Khắc Mai, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương: "Chúng ta đang đối phó với một siêu cường hãnh tiến vừa gian ác, vừa tàn bạo"

Hiện nay, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang rắp tâm cố định vị trí mà các lực lượng của Việt Nam đang tìm cách ngăn cản. Nếu Trung Quốc biết điều, họ nên rút ngay giàn khoan HD–981 ấy ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Kể cả trong trường hợp họ cho là vùng biển đang bị tranh chấp thì họ cũng phải tuân thủ luật pháp để không phải ngang ngược như vậy.

Trung Quốc từng bị Việt Nam không cho phép đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền và có quyền tài phán của Việt Nam và họ đã phải rút lui. Sự việc hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều. Thật ra, khi bắt được quả tang họ cắm mũi khoan để thăm dò và khai thác, về nguyên tắc, Việt Nam có quyền bắt giữ những phương tiện phi pháp, những phương tiện đang hoạt động trong vùng chủ quyền của Việt Nam.

Đây là vấn đề ta phải vừa cương quyết cũng phải thận trọng vì chúng ta đang đối phó với một siêu cường hãnh tiến vừa gian ác, vừa tàn bạo.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy: "Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo"


Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết, bình luận về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam- nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy khẳng định: Việt Nam luôn kiên trì giải pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tiếp tục có hành vi xâm phạm chủ quyền nước khác Việt Nam sẽ không nhân nhượng.

Hòa thượng Thích Đức Thiện: "Trung Quốc cần chấm dứt ngay hành động leo thang trên Biển Đông"

Không đứng ngoài nỗi lo của dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng trước hành động của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký GHPG Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2014 khẳng định: Việt Nam - Trung Quốc là những người đồng chí, những người anh em. Vì thế, Trung Quốc cần chấm dứt ngay hành động leo thang trên Biển Đông để giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên bàn ngoại giao.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng: "Đấu tranh với bá quyền Đại Hán dai dẳng lắm"


Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng khi trả lời phỏng vấn tờ Infonet về bài phát biểu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar ngày 11/5

"Chúng ta lại ở bên cạnh họ, có rất nhiều quan hệ ràng buộc với họ, thậm chí về kinh tế cũng có thể bị họ gây những sức ép rất đáng ngại. Nhưng tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ, và với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hơn 90 triệu dân Việt Nam thì chúng ta có thể có cách đối phó theo cách truyền thống của chúng ta là “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy chính nghĩa thắng hung tàn”. Nhất định chúng ta sẽ giữ vững được độc lập, chủ quyền của mình", ông An cho hay.

Phó chủ tịch trung ương Hội sinh viên Việt Nam: "Giới trẻ phải hiểu rõ Trung Quốc sai ở chỗ nào"


Sáng 12/5, trong buổi họp báo chương trình Sinh viên với biển đảo Tổ quốc năm 2014, ông Bùi Quang Huy Phó chủ tịch trung ương Hội sinh viên Việt Nam bày tỏ: “Với tư cách là một công dân, tôi cũng như các bạn đều kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc. Nếu ai nghiên cứu kiến thức pháp lý, liên quan đến luật biển, công ước quốc tế đều nhận ra rằng tất cả luận điệu của Trung Quốc đưa ra là trái pháp lý. Vì vậy, bản thân tôi rất bất bình về hành động này”.

Theo ông Huy, nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn chưa hiểu rõ hành động Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển nước ta sai ở chỗ nào, mức độ nghiêm trọng ra sao. Vì vậy, ông Huy cho rằng: “Hiện nay trung ương hội tại các tỉnh, thành, trường đại học, cao đẳng luôn làm tốt nhiệm vụ định hướng các bạn trẻ theo nguồn tin chính thống nhất.

Việc các sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân về tình yêu nước, chủ quyền biển đảo là điều hoàn toàn đúng đắn và cần được khuyến khích. Nhưng để có thể bảo vệ lý lẽ của mình, các bạn phải hiểu biết về pháp lý, lịch sử vấn đề biển đảo. Đây là nội dung hội sinh viên thường xuyên tuyên truyền”.

>>Xem thêm video toàn cảnh Trung Quốc dùng giàn khoan xâm chiếm Biển Đông:


VTV

» Hội người Việt tại Pháp cực lực phản đối Trung Quốc
» Tòa Việt Nam đủ thẩm quyền xử lý vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
» Tàu Kiểm ngư Việt Nam đấu vòi rồng dữ dội với tàu Trung Quốc

Diệp Vy(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn