Trung Quốc có thể xây nhà máy điện hạt nhân phục vụ mưu đồ Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 22/04/2016 03:30:00 +07:00

Bắc Kinh đang tiến gần hơn tới việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển nhằm hỗ trợ các dự án của Trung Quốc trong tham vọng bá quyền Biển Đông.

Bắc Kinh đang tiến gần hơn tới việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển nhằm hỗ trợ các dự án của Trung Quốc trong tham vọng bá quyền Biển Đông.

Reuters dẫn thông tin trên tờ Thời báo Hoàn cầu, hôm 22/4 cho biết, Trung Quốc đang tiến gần hơn tới việc hoàn thiện nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên.

Tờ báo có tiếng nói của đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời Li Zhengguo, chánh văn phòng Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) -  đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi, cho biết, công việc đang tiến triển thuận lợi.
Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc. Ảnh: China Daily 
“Sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân nổi đang là xu thế. Số lượng chính xác các nhà máy mà CSIC chế tạo phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường”, Zhengguo nhấn mạnh.

Theo Thời báo Hoàn cầu, nhà máy điện hạt nhân trên biển có thể di chuyển tới những khu vực xa xôi để cung cấp nguồn điện, hỗ trợ cho quá trình phát triển. Công trình đầu tiên của Trung Quốc dự kiến được hoàn thành vào năm 2018 và được đưa vào sử dụng một năm sau đó.

Giống như mọi công trình phi pháp khác trên Biển Đông như đảo nhân tạo, hải đăng, sân bay hay bến cảng, Trung Quốc khẳng định nhà máy điện hạt nhân nổi nhằm phục vụ mục đích dân sự.

Li Jie, một chuyên gia Hải quân Trung Quốc, cho rằng những công trình tương tự có thể cung cấp điện cho hải đăng, các thiết bị tìm kiếm cứu hộ, cơ sở quốc phòng hay sân bay, bến cảng trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Jie cho hay, khoảng cách lớn giữa đất liền với các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp khiến nhà máy điện hạt nhân nổi trở nên giá trị.

Video: Tên lửa Trung Quốc ở Phú Lâm, Hoàng Sa đã sẵn sàng nhắm bắn  

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt.

Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng thực tế, Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.

Trước yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Philiipines đã đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài. Theo dự kiến, tòa sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 6. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây có thể là kết quả bất lợi cho phía Trung Quốc.

Nguồn: Zing News
Bình luận
vtcnews.vn