Trung Quốc cắt giảm lục quân lớn chưa từng có, vì sao hàng loạt quốc gia lại lo lắng?

Thế giớiThứ Tư, 23/01/2019 16:48:00 +07:00

Cuộc đại tu quân đội mới đây của Trung Quốc sẽ làm gia tăng mối quan ngại của các quốc gia láng giềng, theo các nhà phân tích.

Hôm 20/1, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn của Trung Quốc cho biết việc giải thể các đơn vị không còn tác chiến và cắt giảm 30% quân nhân của lục quân khiến binh chủng này hiện nay chiếm chưa đến 50% tổng số quân nhân của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Động thái chưa từng có tiền lệ này được xem là một phần trong nỗ lực tái cấu trúc, nâng cấp PLA thành lực lượng hiện đại, toàn diện. 

Các nhà phân tích an ninh cho rằng việc chấm dứt sự thống trị truyền thống của lục quân cho thấy Trung Quốc đang cố chuyển mình từ một lực lượng phòng vệ trong nước thành lực lượng có thể bảo vệ lợi ích quốc gia ở cách xa biên giới đất nước.  

Ông Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tới từ Thượng Hải nhận định động thái mới này cũng phần nào cho thấy các quân chủng còn lại như hải quân, không quân và các đơn vị tên lửa có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong trường hợp xảy ra xung đột bên ngoài biên giới Trung Quốc.

RTS19PAX_0

Việc PLA cắt giảm lục quân giúp cho 4 binh chủng còn lại gồm hải quân, không quân, tên lửa chiến lược và lực lượng chi viện chiến lược hiện chiếm hơn 50% lực lượng quân đội Trung Quốc. (Ảnh: National Interest)

Trong khi đó, ông Bra Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi cho rằng sự thay đổi này có thể sẽ tạo ra những mối quan ngại quốc tế vì nó báo trước một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Trung Quốc như những gì họ đã làm ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cố tìm cách thay đổi hiện trạng theo mong muốn của mình. 

Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở các vùng biển tranh chấp, thực hiện nhiều cuộc tập trận và xây dựng các cơ sở hạ tầng trên những hòn đảo mà nước này xây dựng phi pháp ở Biển Đông. 

Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng Ấn Độ, Nhật Bản hay Đài Loan rõ ràng cũng nhìn nhận được việc Trung Quốc đang ở một vị thế lớn mạnh hơn trước đây khi phô diễn quyền lực của Bắc Kinh ở nước ngoài. Điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên những lo ngại về việc Trung Quốc có thể dồn ép họ trong tương lai, nhưng họ chắc chắn cũng sẽ không chịu đứng nhìn Trung Quốc tự tung tự tác. 

“Các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho các tình huống tiềm tàng liên quan tới Trung Quốc”, Ni nói.

Ông cho rằng điều này có thể liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông hay Đài Loan, hòn đảo mà gần đây Trung Quốc tuyên bố sẽ thu hồi bất chấp việc phải sử dụng tới vũ lực.

Ông Ni cũng lưu ý rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực thành lập lực lượng chuyên trách về không gian và chiến tranh mạng với sự ra đời của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược vào năm 2015.

“Tuy nhiên, những quốc gia như Việt Nam hay Nhật Bản giờ cũng đang đẩy mạnh phát triển ở các lĩnh vực này bởi họ biết đây sẽ là một phần quan trọng trong cách Trung Quốc triển khai các chiến dịch của mình”, chuyên gia này nói thêm. 

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, chuyên gia tới từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết Ấn Độ giờ đây cũng đang hết sức cảnh giác với sự thay đổi của Trung Quốc.

New Delhi đã tái cấu trúc lực lượng quân đội của mình, đầu tư nhiều hơn các nghiên cứu chiến lược và hợp tác với các đồng minh. Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong năm 2017 đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc để đảm bảo có những cái nhìn chiến lược tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Trung Quốc về mặt lâu dài.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn