Trung Quốc âm thầm đưa khí tài ra các đảo Việt Nam: Không được để sự đã rồi

Thế giớiThứ Sáu, 19/02/2016 07:34:00 +07:00

Tiến sỹ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao cảnh báo nguy cơ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

(VTC News) – Tiến sỹ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao cảnh báo nguy cơ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong khi Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN vừa thành công tốt đẹp.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN vừa diễn ra ở Sunnylands, California được cho là đem lại nhiều tín hiệu khả quan cho quan hệ giữa các nước tham gia trên nhiều phương diện.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, một vấn đề cũng khiến dư luận quan tâm đó là việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Hình ảnh tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm  thu được từ vệ tinh ImageSat International
Hình ảnh tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thu được từ vệ tinh ImageSat International 
Liên quan đến những vấn đề này, VTC News phỏng vấn Tiến sỹ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện chiến lược ngoại giao.

Tiến sỹ Thái cho rằng: “Việc triển khai tên lửa cho thấy Trung Quốc thực sự muốn quân sự hóa Biển Đông, cho thấy giữa hành động và lời nói của Trung Quốc rất khác biệt và cho thấy tham vọng của Bắc Kinh không chỉ trên biển mà còn cả trên không”.

Nhận xét về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, ông Trần Việt Thái nói: "Hội nghị đã thành công rất tốt đẹp. Tuyên bố chung của hội nghị cũng như quá trình diễn ra được cho là vượt sự mong đợi của tất cả các bên. Hội nghị này đã tạo đà quan trọng cho việc thúc đẩy mối quan hệ chiến lược Mỹ - ASEAN, thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, hội nghị này cũng góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới trong thời gian tới".
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/2
Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 15/2 
- Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa vấn đề an ninh biển lên hàng đầu trong bài phát biểu của mình thể hiện điều gì, thưa ông?

Vấn đề an ninh biển là một phần trong bài phát biểu của Thủ tướng trong hội nghị vừa qua. Trong đó, đánh giá cao về quan hệ Việt Nam – ASEAN, triển vọng của ASEAN và vai trò của Việt Nam với ASEAN trong tương lai.

Về mối quan hệ Mỹ - ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh đến hợp tác an ninh biển bên cạnh các hợp tác kinh tế thương mại khác. An ninh biển là một vấn đề chiến lược và rộng lớn trong quan hệ Mỹ - ASEAN, bao gồm nhiều khía cạnh.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, có nhiều điểm nhắc đến an ninh biển. Mỹ - ASEAN đã xác định định hướng, nguyên tắc chính trong an ninh biển và đại dương, không chỉ Biển Đông mà còn nhiều vấn đề khác như giải quyết hòa bình các tranh chấp, an toàn hàng hải, hàng không hay các vấn đề phi truyền thống trên biển như bảo vệ môi trường, khai thác cá..
Tiến sỹ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện chiến lược ngoại giao - Ảnh: Tùng Đinh
Tiến sỹ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện chiến lược ngoại giao - Ảnh: Tùng Đinh 
Có thể nói, phát biểu của Thủ tướng đã đi rất đúng và trúng, các đề xuất của Việt Nam được hoan nghênh và chuyển hóa thành văn bản cụ thể vì các nội hàm đó được thể hiện trong tuyên bố chung của các bên sau hội nghị, đặc biệt là các điểm 7, 8 và 9.

Điểm 7 nói về giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế đặc biệt là các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Điểm 8 liên quan đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, không quân sự hóa và kiềm chế trong các hoạt động trên biển. Điểm 9 liên quan đến cách đối phó với những thách thức phi truyền thống.

- Trong lúc diễn ra hội nghị, Trung Quốc đã đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm của Việt Nam, nhưng các quan chức Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục tuần tra và muốn ‘nói chuyện nghiêm túc’ với Bắc Kinh. Ông có nhận định gì về động thái này của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ?

Đây là động thái cho thấy Trung Quốc thực sự muốn quân sự hóa Biển Đông, cho thấy giữa hành động và lời nói của Trung Quốc rất khác biệt và cho thấy tham vọng của Bắc Kinh không chỉ trên biển mà còn cả trên không.

Video tuyên bố chung sau hội nghị Sunnylands

Điều này cũng làm phức tạp hơn tình hình, trái với thỏa thuận DOC và các thỏa thuận khác mà Trung Quốc đạt được trong quan hệ song phương Việt – Trung cũng như Trung Quốc – ASEAN.

Tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc Bắc Kinh triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm của Việt Nam không có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Với một vài thiết bị như vậy, đây chỉ là những bước đi chiến thuật ban đầu nhưng có thể tác động lâu dài về mặt chiến lược. Dù chưa gây ra những thách thức ngay, nhưng Trung Quốc cứ âm thầm bồi đắp rồi đưa các phương tiện ra những hòn đảo này, đến một ngày khi ‘mở tấm chăn’ ra thì đã trở thành ‘ngáo ộp’ từ lâu.

Những hành động đó cần phải dừng lại, cần được trao đổi chính thức qua các kênh ngoại giao.

 

An ninh biển là một vấn đề chiến lược và rộng lớn trong quan hệ Mỹ - ASEAN, bao gồm nhiều khía cạnh.
Tiến sỹ Trần Việt Thái
 
Việc Ngoại trưởng Mỹ nói muốn ‘nói chuyện nghiêm túc’ với Trung Quốc là động thái tích cực, khi mà Washington đã từ lâu đề cập đến vấn đề này nhưng Bắc Kinh vẫn không thay đổi cho thấy chính quyền Obama có trách nhiệm với hòa bình và ổn định khu vực.

Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần công khai hơn các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đưa ra các kênh đa phương để bàn bạc. Chúng ta dùng truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh ngoại giao đa phương như ASEAN - Trung Quốc, ARF, ADMM+.

- Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của ASEAN đối với Mỹ hiện nay, khi mà chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương đang là ưu tiên hàng đầu của Washington?

ASEAN đang phát triển về mọi mặt sau khi hình thành cộng đồng từ năm 2015, có vị trí và tiếng nói ngày càng quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới. Dự báo, trong 20-30 năm tới, ASEAN sẽ là một trong số các công xưởng và thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 8-900 triệu dân.

Hiện nay, sức hút cả ASEAN ngày càng lớn, về kinh tế, với 600 triệu dân hiện nay, đây là một thị trường đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, khu vực đang có những liên kết ngày càng chặt chẽ, giảm thuế, mở cửa và minh bạch hóa khiến Mỹ và nhiều cường quốc khác đều không muốn bỏ qua cơ hội này khi đều nhìn thấy lợi ích ở đây.

Về chính trị, ASEAN có vai trò quan trọng ở khu vực khi hàng loạt diễn đàn đều do ASEAN nghĩ ra và làm chủ nhà điều phối. Những diễn đàn này đều có những chuẩn mực quốc tế rất phù hợp với thế giới hiện nay, có lợi cho các nước trong đó có Mỹ, và vì thế Mỹ cần ASEAN.

 

Đưa tên lửa ra đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam là động thái cho thấy Trung Quốc thực sự muốn quân sự hóa Biển Đông.
Tiến sỹ Trần Việt Thái
 
Về phía Mỹ, từ 2009 đến nay, Washington triển khai chính sách tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ muốn tìm kiếm đồng minh và đối tác, ngoài các đồng minh truyền thống như Nhật, Hàn, Australia, New Zealand, Philippines hay Thái Lan.

Washington đang tìm kiếm các đối tác mới như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và ASEAN. Ông Obama nhận ra rằng Mỹ đã bỏ qua nhiều cơ hội ở Đông Nam Á khiến Trung Quốc có thể lấn sân ở khu vực này.

Vì vậy, Washington muốn khôi phục mối quan hệ này và trùng hợp là ASEAN cũng muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ để phục vụ mục đích hòa bình, ổn định và phát triển.

Khi quan hệ Mỹ - ASEAN trở nên chặt chẽ, Mỹ sẽ thúc đẩy các đối tác khác của ASEAN thực hiện những điều tương tự. Nó đưa ASEAN vào vị thế thuận lợi trong quan hệ đối ngoại giữa các nước.

- Bên lề hội nghị, Tổng thống Obama cho biết sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 5 tới và tỏ ra rất hào hứng khám phá về đất nước con người Việt Nam. Theo ông sự kiện này sẽ thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ như thế nào trong tương lai?

Hiện nay, đó là ý kiến của phía Mỹ và 2 bên cần thu xếp để chuyến thăm có thể trở thành hiện thực. Việc Tổng thống Mỹ bày tỏ mối quan tâm đến Việt Nam dù trên phương diện cá nhân hay chính thức thì đó sẽ là cơ hội rất lớn thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ.

Điều này có thể giúp đưa quan hệ Việt – Mỹ đi vào phát triển thực chất, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà nhân dân, đất nước ta đang theo đuổi.

Đã đến lúc nhìn quan hệ Việt - Mỹ bằng con mắt mới, đưa quan hệ Việt - Mỹ sau 20 năm phát triển bền vững và toàn diện hơn nữa. Nếu chuyến thăm tháng 5 diễn ra thành công theo dự kiến của ông Obama sẽ duy trì được đà quan hệ, thậm chí thúc đẩy được một số mặt phát triển mạnh hơn.

Tùng Đinh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn