Trừng phạt Nga, Tổng thống Biden mới chỉ 'nã phát súng cảnh báo đầu tiên'

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 16/04/2021 09:13:00 +07:00
(VTC News) -

Lệnh trừng phạt mới đây của Mỹ có thể báo hiệu một mục tiêu rõ ràng hơn trong nỗ lực làm tổn thương nền kinh tế Nga của Washington.

Hôm 15/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020. 

Theo lệnh trừng phạt này, các tổ chức tín dụng Mỹ bị cấm mua chứng khoán nợ của Nga. Các chuyên gia đánh giá động thái này báo hiệu một vũ khí quan trọng trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa Washington và Matxcơva - đe dọa khả năng tiếp cận tài chính quốc tế của Nga. 

Theo New York Times, lệnh trừng phạt mới nhằm mục đích khoét sâu vào nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây của Nga nhiều năm qua. Nó cũng có thể làm tăng chi phí vay nợ trong nền kinh tế Nga, hạn chế đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Trừng phạt Nga, Tổng thống Biden mới chỉ 'nã phát súng cảnh báo đầu tiên' - 1

Quan hệ Nga - Mỹ ngày càng căng thẳng.

Hiện tại, mối đe dọa đó vẫn còn rất nhỏ. 

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ lệ của các nhà đầu tư nước ngoài trong tổng khối lượng nợ chính phủ của nước này giảm đáng kể trong năm qua. 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nếu các hạn chế được áp dụng đối với khoản nợ của chính phủ Nga, cơ quan này sẽ dựa vào các nhà đầu tư trong nước để trang trải các nhu cầu tài trợ thâm hụt ngân sách.

Chính phủ Nga bán phần lớn nợ trong nước và tài trợ hầu hết hoạt động của mình thông qua việc bán năng lượng. Các nhà đầu tư Mỹ chỉ nắm giữ 7% nợ chính phủ Nga tính bằng đồng rúp. 

Các chuyên gia cho biết biện pháp trừng phạt mới là bước đi mang tính biểu tình nhưng gửi đi thông điệp cho thấy chính quyền Biden đã sẵn sàng cho các biện pháp khắc nghiệt hơn. 

"Bước đi này không phải và không được coi là bước đi cuối cùng trong quá trình này", Adnan Mazarei, cựu quan chức tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết. 

Chuyên gia kinh tế Anton Shabanov nhận định các biện pháp Mỹ áp đặt mới đây không phải là những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất mà Nga có thể phải đối mặt, nhưng chúng là những biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đầu tiên được áp dụng đối với nợ quốc gia của Matxcơva.

Khi đe dọa khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Nga, chính quyền Biden dường như đang thực hiện chiến lược tương tự mà Washington dùng để cô lập Iran. Các chính quyền Mỹ gần đây tìm cách buộc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân bằng cách hạn chế quan hệ của nước này với hệ thống tài chính toàn cầu.

Nhưng Nga là một cường quốc khó bị cô lập hơn nhiều.

Mỹ và các đồng minh châu Âu nhìn chung đều thống nhất mục tiêu về Iran, bất chấp tiềm năng tiếp cận thị trường của nước này. Nhưng Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn trên khắp Tây Âu. Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức. Do đó nhiều nước không muốn leo thang căng thẳng với Matxcơva. 

Các biện pháp trừng phạt trước đây tước quyền tiếp cận của Nga với một số loại thực phẩm và công nghệ. Gói trừng phạt mới nhất được đánh giá là nhắm vào "sức khỏe cơ bản" của nền kinh tế Nga. 

Theo James Nixey, giám đốc chương trình Nga-Âu-Á tại Chatham House, chính quyền Biden đang tìm cách làm tổn thương kinh tế Nga từng chút một. 

"Đây mới chỉ là phát súng đầu tiên", ông Nixey nhận định. 

Theo các chuyên gia, Mỹ đã phần nào thành công trong việc tách Iran khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Bất cứ ngân hàng nào trên thế giới xử lý hoạt động kinh doanh cho Iran đều có nguy cơ bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế và bị từ chối quyền truy cập vào đồng USD. 

Việc Mỹ cấm mua chứng khoán nợ của Nga trong lệnh trừng phạt hôm 15/4 chỉ áp dụng với các tổ chức tài chính Mỹ. Nhưng nó có thể thúc đẩy các công ty đa quốc gia bên ngoài Mỹ tính toán lại rủi ro khi giao dịch với chính phủ Nga.

Song Hy(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn