Trúng bạc tỷ cổ vật quý hiếm từ con tàu đắm?

Thời sựThứ Ba, 11/09/2012 08:04:00 +07:00

Người dân bàn tán không ngớt chuyện một tàu cá trúng cả tỷ bạc cổ vật vì phát hiện tàu cổ đắm đầu tiên...

Người dân bàn tán không ngớt chuyện một tàu cá trúng cả tỷ bạc cổ vật vì phát hiện tàu cổ đắm đầu tiên, người ít nhất cũng “lận túi” được vài chục triệu...

Những ngày vừa qua, cả làng chài thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) - nơi phát hiện tàu cổ cùng cổ vật, như gặp cơn sóng dữ bổ vào làng.

Bỗng dưng “lộ thiên” một con tàu cổ chứa toàn cổ vật trị giá bạc tỷ, cuộc đổ xô lặn ngụp săn tìm đồ cổ của người dân nơi đây "nóng như lửa". Người ta đua nhau, tranh giành khai thác...

Tranh nhau chụp, giật


Cho đến chiều ngày 10/9, cuộc “oanh tạc” dưới nước biển tìm kiếm cổ vật trên chiếc tàu cổ bị đắm ở thôn Châu Thuận đã bớt nóng nhờ sự siết chặt của lực lượng chức năng, xong câu chuyện về việc khai thác đồ cổ mấy ngày qua vẫn còn bàn tán xôn xao khắp làng.

Anh T.T.P, thôn Châu Thuận vẫn còn nhớ cái cảnh tranh nhau chụp, giật cổ vật hôm 8/9. Anh P kể, ban đầu, một tàu cá của ngư tên T.D, thôn Châu Thuận trong lúc đi dọc bờ biển Châu Thuận tìm cổ vật phát hiện được chiếc tàu cổ đã ém nhẹm thông tin để tiến hành khai thác riêng.

Tuy nhiên, do tàu cổ phát hiện được gần nhà dân, lại cách bờ có vài chục mét, độ sâu cũng chỉ tầm 3m nên chỉ vài giờ đồng hồ sau thì chuyện có con tàu cổ chứa vô số cổ vật được tìm thấy đã lan truyền rộng rãi. Ít phút sau đó, hàng trăm người già trẻ, lớn bé đều đua nhau bổ nhào ra biển nơi con tàu đắm để tìm “của trời cho”.

Đua nhau tìm “của trời cho” 

Tích tắc, vùng biển ở làng chài Châu Thuận trở thành một công trường. Máy móc, ghe tàu, đồ nghề lặn và chi chít người bủa vây quanh xác tàu đắm để “luộc” cổ vật. Lần lượt rất nhiều cổ vật toàn bằng gốm sứ như chén, bát, đĩa,… được người dân “tậu” được dưới biển.

“Lúc đó ai cũng tranh nhau lấy. Máy sục cát làm nước đục ngầu nhưng hàng trăm con người bấu víu vào một góc nhỏ của biển nơi có xác tàu chìm để tranh nhau lặn lấy cổ vật gây nên cảnh hỗn loạn. Giành nhau tới nỗi chửi bới nhau. Lặn xuống nước thì xô đẩy nhau. Ai nhặt được đồ vật có giá trị thì bị chụp giật. Tranh giành không được thì có người tức quá còn đập bể cổ vật tìm được của người khác. Rất nhiều đồ vật có giá trị đã bị đập bể” – anh P nói.

Lặn tìm cổ vật trên xác tàu cổ. 

Chiều ngày 8/9, lực lượng công an, biên phòng xuất hiện ngăn không cho người dân tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, bất chấp sự can ngăn, dòng người vẫn lũ lượt tiến vào xác tàu đắm. Thậm chí, người dân còn chửi bới, cản trở lực lượng bảo vệ để tiếp tục lấy cổ vật vì suy nghĩ đơn giản rằng “đồ vật dưới biển chẳng là của ai, ai lấy được thì lấy”.

Đến ngày 9/9, khi lực lượng bảo vệ được tăng cường thì chuyện “hốt đồ cổ” mới tạm lắng. Người lấy được cổ vật thì đem đi cất giấu vì sợ bị thu lại. Người lấy được ít thì nuối tiếc. Người chưa lấy được đồ vật gì thì cũng chực chờ để đợi cơ hội là phóng ra… xác tàu cổ. Hàng trăm cổ vật đã bị bể (vỡ), bị tẩu tán, trong khi chưa một ai tự nguyện giao nộp lại cổ vật cho cơ quan chức trách.

Nhiều cổ vật bị vỡ do tranh giành, chụp giật. 


Hốt bạc tỷ?

Chiều ngày 10/9, chúng tôi quay lại làng chài Bình Châu, câu chuyện người này trúng bạc tỷ, người kia trúng trăm triệu được người dân nơi đây bàn tán không ngớt.

Anh N.T.D, thôn Châu Thuận cho biết, có thông tin một tàu cá ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận trúng cả tỷ bạc vì phát hiện tàu cổ đắm đầu tiên, người ít nhất cũng “lận túi” được vài chục triệu. Lân la hỏi chuyện, một người phụ nữ còn khá trẻ vô tư nói: “Chiều nay mới bán 2 cái đĩa và một cái bát được trên 120 triệu”.

Những người lặn tìm cổ vật bật mí rằng, còn rất nhiều cổ vật phía dưới tàu cổ, người dân chỉ mới lấy được một góc nhỏ. Trên con tàu toàn đồ cổ có giá trị lớn. Những món cổ vật có giá cao nhất lên tới gần 70 triệu đồng.

Cổ vật được tìm thấy giá lên tới gần cả trăm triệu đồng/món cổ vật 

Qua kiểm tra, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết, cổ vật tìm thấy trên chiếc tàu cổ này có niên đại từ thời Minh ở thế kỷ 15.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, hàng trăm năm trước đây tàu buôn bán gốm sứ thường qua lại giao thương. Giai đoạn này, các thuyền buồm từ Trung Quốc trên con đường tơ lụa đến vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương. Hưng thịnh nhất là vào thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Có thể do gặp thời tiết xấu, thuyền buồm đã chìm tại vùng biển này. Năm 1999, Bảo tàng Quảng Ngãi cũng đã phát hiện nhiều gốm, sứ của một tàu gỗ bị đắm tại khu vực biển xã Bình Châu.

Hai ngày nay, khá nhiều người thu mua đồ cổ từ nhiều địa phương đã về xã Bình Châu tìm mua cổ vật. Lực lượng chức năng đã phải chốt chặn để ngăn việc tẩu tán cổ vật ra khỏi địa bàn.

Mùa này là mùa đi biển, nhưng nhiều ngư dân Bình Châu đã huỷ phiên biển ra khơi xa, nằm túc trực quanh khu vực tàu cổ bị đắm để chờ cơ hội ra lặn lấy cổ vật. Người dân vẫn tiếp tục nuôi hy vọng tìm thêm được vài món đồ cổ từ con tàu đắm ở quê mình.

 Trục vớt khẩn cấp cổ vật

Liên quan đến việc phát hiện và trục vớt cổ vật tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chiều 10/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp bàn biện pháp triển khai công tác quản lý, bảo vệ và trục vớt cổ vật chìm đắm dưới biển.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích nhấn mạnh, việc bảo vệ cổ vật và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương là nhiệm vụ cấp thiết nên đã chỉ đạo các sở ngành triển khai các biện pháp bảo vệ khu vực cổ vật. Đồng thời có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đề nghị cho UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép trục vớt khẩn cấp cổ vật theo Điều 38 Luật Di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích cũng chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn, xã Bình Châu tuyên truyền người dân về luật di sản, vận động người dân giao lại cổ vật đã trục vớt. Sở Tài chính tổ chức đấu giá, trả kinh phí cho người dân tham gia trục vớt theo Luật Di sản văn hóa.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi khẳng định, tại Điều 6 Luật Di sản văn hoá qui định: Mọi di sản văn hoá ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước.

Còn theo Điều 41 của Luật Di sản Văn hoá: Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Theo Điều 70 Bộ luật Dân sự: Người nào phát hiện được di sản văn hoá mà không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt hoặc có hành vi gây hư hại, huỷ hoại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; di sản văn hoá đó bị nhà nước thu hồi.


Theo Kienthuc

Bình luận
vtcnews.vn