Trung – Nhật đã đánh mất cơ hội hòa đàm tại Hà Nội?

Thế giớiThứ Bảy, 30/10/2010 08:20:00 +07:00

(VTC News) - Khi mâu thuẫn giữa hai bên có thể được giải quyết tại Hà Nội, thì những mâu thuẫn mới lại nảy sinh.

(VTC News) - Những tranh cãi ngoại giao xung quanh hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku đã trở thành tâm điểm trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới suốt thời gian vừa qua, giờ đây tại Hà Nội, khi mọi việc dường như đang có dấu hiệu thay đổi thì lại có những bất đồng mới nảy sinh.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết, cuộc gặp giữa ông và người đồng nhiệm Trung Quốc diễn ra trong không khí thân mật.

Sáng hôm qua (thứ 6) Bộ trưởng ngoại giao hai nước đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Việt Nam. Theo các nhà phân tích, sự kiện thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ đã đưa mối quan hệ giữa hai cường quốc này trở nên tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bắc Kinh cáo buộc Tokyo đã bóp méo sự thật về vụ va chạm giữa tàu tuần tra của Nhật Bản và tàu cá của Trung Quốc hồi tháng 9 trên biển Hoa Đông.

Sau cuộc họp thân mật giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tại Hà Nội hôm thứ 6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara cho biết ông và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã đồng ý sẽ nỗ lực để cải thiện mối quan hệ song phương.

Khi được hỏi về khả năng hai nhà lãnh đạo Ôn Gia Bảo và Naoto Kan có gặp nhau không, Bộ trưởng Maehara cho biết, có thể cuộc gặp này sẽ được tiến hành ở Hà Nội.

Nhưng ngay sau đó, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết, phía Nhật Bản đã khiến vấn đề về hòn đảo tranh chấp trở thành một “chủ đề nóng”.

“Những hành động của họ đã phá hủy bầu không khí thân mật giữa hai nhà lãnh đạo trong suốt cuộc gặp thượng đỉnh này”, ông nói.

“Trong suốt Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Nhật Bản liên tục thông qua phương tiện truyền thông chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ”, ông nói thêm.

“Những gì mà Nhật Bản nói, mọi người đều nghe thấy, rõ ràng nó đã phá hỏng bầu không khí cần thiết cho một cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước. Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về hậu quả này”.

Trung Quốc cũng chỉ trích bài phát biều của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton – người cũng đang có mặt tại Hà Nội để hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á – khi bà cho rằng hòn đảo tranh chấp là thuộc phạm vi bảo vệ trong hiệp ước liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ.

Trở ngại Senkaku/Điếu Ngư liệu có được tháo gỡ khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Hà Nội lần này? 

Hòn đảo đang tranh chấp mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc kêu gọi chủ quyền. Hòn đảo này nằm trên khu vực có tuyến hàng hải quan trọng, mà khu vực xung quanh nó chứa một trữ lượng cá và dầu mỏ phong phú.

Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc đàm phán về hợp tác khai thác khí đốt trên biển Đông Trung Hoa giữa nước này và Nhật Bản hồi tháng trước, đồng thời ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, trong khi đây là một nguyên liệu vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử và ô tô.

Các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc và các quốc gia láng giềng khác dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, một hội nghị thượng đỉnh mở rộng có sự tham gia của các lãnh đạo châu Á, Mỹ và Nga.

Hữu Túc (Theo BBC)

 

Bình luận
vtcnews.vn