Trực tuyến: Trả lời mọi thắc mắc nhà giá rẻ

Kinh tếThứ Ba, 20/08/2013 07:36:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu đang trả lời các câu hỏi liên quan đến nhà thu nhập thấp.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu đang trả lời các câu hỏi liên quan đến nhà thu nhập thấp.
Từ 9h thứ Ba (20/8), Báo Điện tử VTC News tổ chức Giao lưu trực tuyến: “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo” với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, GS Đặng Hùng Võ…
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam (trái) và GS Đặng Hùng Võ (phải) tham gia Giao lưu trực tuyến: “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo”. 

0908321979 email: [email protected]  (Phạm Thịnh):
Tôi là công chức, 40 tuổi, đã có vợ và 1 con. Hiện đang ở chung nhà với cha mẹ. Chưa có nhà đất riêng. Nay tôi xem và dự tính mua 1 căn hộ chung cư thương mại 62m2, giá 12,5 triệu đồng/m2. Tôi có liên hệ Chi nhánh Vietcombank Vũng Tàu để hỏi thủ tục vay 50% giá trị mua nhà trong thời hạn 10 năm theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Nhưng cán bộ nhân hàng từ chối với lý do là tôi không phải là chủ hộ trong hộ khẩu (bố tôi là chủ hộ).

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Tôi tự hỏi nếu tôi là chủ hộ trong hộ khẩu thì mặc nhiên đã có nhà thì tôi xin vay mua nhà để làm gì?

Bạn có thể giải quyết thủ tục này bằng cách tách hộ khẩu, đây là thủ tục không khó. Thứ hai, trên thực tế, một số cán bộ nhân viên của nhân hàng chưa nắm rõ cơ chế chính sách nên có cách giải quyết chưa đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi của người dân.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đi kiểm tra, đôn đốc giải đáp và tháo gỡ những vướng mắc về cho vay, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân và xã hội.

Độc giả hỏi: GS. Đặng Hùng Võ từng nói ở phần trước là nếu tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng/tháng thì sau... 40 năm sẽ mua được nhà giá rẻ. Tôi muốn hỏi là giá của những căn giá rẻ này sau 40 năm nữa liệu có giữ ở mức 500triệu đồng/căn như bây giờ hay không? Hay là ước mơ nhà giá rẻ sẽ mãi là một cuộc đuổi bắt không có hồi kết với những người thu nhập thấp như tôi?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nếu chúng ta chỉ trông vào tiết kiệm tiền lương thì khó mua được nhà, chính vì vậy mà nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp.

Bản thân gia đình bạn phải có nỗ lực trong việc nâng cao thu nhập cùng sự phát triển kinh tế của đất nước.

Chúng ta phải tin rằng, trong tương lai, không phải mỗi tháng bạn để dành 500.000 đồng. Thu nhập của gia đình phải tăng lên, năng lực tái chính cũng tăng lên để đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần sự giúp đỡ cả gia đình, họ hàng.

Trong trường hợp khó khăn quá thì bạn có thể giải quyết vấn đề bằng cách đi thuê nhà.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho thuê với giá thấp phù hợp với các hộ gia đình quá khó khăn về thu nhập.

[email protected]  (Đào Tiến Dũng):Vợ chồng tôi thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng vì là dân ngoại tỉnh nên rất khó trong việc hoàn thiện đủ hồ sơ để vay, mua nhà, hiện tại vẫn ở nhà thuê với mức giá 4 triệu đồng/tháng. Tôi muốn hỏi, làm thế nào để vẫn mua được nhà với mức giá hàng tháng như vậy, và số tiền đầu tiên bỏ ra để mua nhà trung bình là bao nhiêu? Mong Thứ trưởng Nam trả lời giúp.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thứ nhất, nếu bạn là dân ngoại tỉnh, bạn phải có hộ khẩu thường trú và đóng bảo hiểm xã hội ở nơi là việc từ 12 tháng trở lên.

Với mức thu nhập của bạn hoàn toàn có thể mua được nhà ở xã hội thấp.

Ví dụ với căn hộ 40 m2, giá 8 triệu đồng/m2. Thì tổng số tiền phải trả khoảng 320 triệu đồng, bạn phải trả trước 100 triệu đồng bằng tiền dành dụm hoặc hỗ trợ của gia đình, vay ngân hàng 220 triệu đồng trong vòng 10 năm.

Với thu nhập của bạn như trên, bạn hoàn toàn có thể trả được gốc và lãi với ngân hàng.

Đỗ Thường Quân(Vũng Tàu): Với mức giá 12 triệu đồng/m2 thì nhiều gia đình ở TP HCM có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ tháng cũng khó có đủ khả năng để mua nhà. Vậy, Bộ Xây dựng đã bao giờ tính đến phương án không chỉ đóng vai trò của Nhà nước là trung gian môi giới, mà nên quan tâm hơn tới người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch hơn, chẳng hạn nên có một chính sách giá nhà chung,  không để chỗ này 12 triệu, chỗ kia 15 triệu...?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Hiện nay, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chưa đủ sức để bỏ tiền ngân sách ra xây nhà ở xã hội cho người dân theo một mức giá đồng nhất mà chúng ta phải phát triển nhà ở xã hội theo hướng huy động nguồn lực tổng thể của toàn xã hội, trong đó tạo cơ chế ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng nhà ở xã hội.

Vì vậy, dù nhà nước không thu tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp phải tự lo phần quỹ đất của dự án bằng cách đi đền bù, giải phóng mặt bằng. Nói cách khác, doanh nghiệp phải mua lại quyền sử dụng đất của các hộ gia đình và cá nhân. Và tại các địa điểm vị trí khác nhau, với điều kiện hạ tầng khác nhau thì chi phí về tiền đất của các dự án cũng khác nhau. Cộng với việc các thiết kế và cái mức độ hoàn thiện căn hộ khác nhau, dẫn tới giá bán của các dự án là cũng khác nhau.

Cho nên, vấn đề của người dân là tự cân đối cái năng lực tài chính của mình, điều kiện ăn ở và làm việc của mình để lựa chọn dự án có quy mô và giá cả phù hợp.

0989965838  (Bình Nguyên):Vợ chồng tôi ở thành phố Vinh (Nghệ An), là cán bộ công chức lực lượng vũ trang và đang sống với bố mẹ chồng. Vậy tôi xin hỏi mình có được mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng không? Thủ tục như thế nào và gặp ai?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Nếu vợ chồng bạn là cán bộ công chức lực lượng vũ trang thì thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, tuy nhiên phải kèm theo điều kiện là có thu nhập thấp, nghĩa là không phải nộp thuế thu nhập, và mức ở bình quân là dưới 8m2/người.

Hiện nay ở Nghệ An có 2 dự án nhà thu nhập thấp nằm trong địa bàn TP Vinh, bạn có thể lấy xác nhận mức thu nhập tại cơ quan và điều kiện ở tại UBND phường theo mẫu đơn được đăng trên trên web của Bộ Xây dựng và nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư dự án.

[email protected]  (Đỗ Thanh Hải):Thưa Thứ trưởng, một trong các thủ tục cho các cá nhân khi vay vốn mua nhà thu nhập thấp là phải cung cấp được xác nhận của UBND phường/xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú không đồng thời là nơi cư trú của cá nhân đó, vì vậy, không thể lấy được xác nhận của UBND phường/xã. Vậy Bộ có giải pháp nào cho vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Nếu cái nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú và nơi cư trú của cá nhân là cùng trên 1 địa bàn của tỉnh, TP trực thuộc TW thì bạn lấy xác nhận tại nơi Hộ khẩu thường trú. Nếu khác địa bàn tỉnh, thành phố thì bạn phải lấy xác nhận tại nơi cư trú và kèm theo có đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên tại nơi làm việc tại nơi cư trú.

nhà giá rẻ
Đúng 9h, các khách mời đã có mặt để tham gia trả lời mọi thắc mắc về nhà giá rẻ 
[email protected]  (Vũ Văn Đức): Tôi là cán bộ công chức ở Quảng Ninh, vợ là giáo viên muốn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà có được không, điều kiện vay vốn như thế nào, việc vay để mua nhà giá dưới 300 triệu đồng trong dân cư không phải là nhà thu nhập thấp có thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi không?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Quy định không phải dưới 300 triệu đồng mà quy định mua nhà thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15tr/1m2 thì thuộc đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng, kèm theo điều kiện là bạn phải có khó khăn về nhà ở, tức là chưa có nhà ở, hoặc bình quân đầu người dưới 8m2.

Có thể nói, những ai mua nhà dưới 300 triệu đồng sẽ thuộc đối tượng được vay.

Đỗ Thường Quân(Vũng Tàu): Với mức giá 12 triệu đồng/m2 thì nhiều gia đình ở TP HCM có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/ tháng cũng khó có đủ khả năng để mua nhà. Vậy, Bộ Xây dựng đã bao giờ tính đến phương án không chỉ đóng vai trò của Nhà nước là trung gian môi giới, mà nên quan tâm hơn tới người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch hơn, chẳng hạn nên có một chính sách giá nhà chung,  không để chỗ này 12 triệu, chỗ kia 15 triệu...?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trong chiến lươc nhà ở, chúng ta nói việc giải quyết nhà ở cho người dân là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi như: không thu tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi, cho miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Các doanh nghiệp cũng cố gắng áp dụng các biện pháp công nghệ mới, thiết kế tiên tiến để giảm tối đa giá thành. Các hộ dân cũng cố gắng có công ăn việc làm, với sự hỗ trợ của người thân cũng cố gắng để có 1 chỗ ở. Nhưng người thu nhập quá thấp thì phải đi thuê. Ở nước ngoài, đây là xu hướng khá phổ biến.

Nguyễn Hải Nam (Nhà Bè, TP HCM): Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về đối tượng thu nhập thấp được vay tiền mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Có 2 đối tượng được vay tiền mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng. Thứ nhất là người thuộc diện thu nhập thấp, những người này là chỉ cần có hợp đồng đã ký với doanh nghiệp bán nhà thu nhập thấp là đủ điều kiện nộp hồ sơ ra ngân hàng vay tiền.

Khi ra ngân hàng, cần có thêm điều kiện là có khả năng trả nợ ngân hàng.

Để có được hợp đồng mua bán nhà thu nhập thấp phải có đủ yếu tố khó khăn về thu nhập, nhà ở. Đối với những người mua nhà thương mại dưới 70m2 và có giá trị dưới 15 tr đồng/m2 thì đối tượng này cũng được vay và phân làm 2 nhóm. Nếu là công chức, viên chức nhà nước, hưởng lương ngân sách nhà nước thì chỉ cần lấy xác nhận của cơ quan nơi đang công tác về điều kiện ở.

Đối với những người làm công ăn lương ở các doanh nghiệp, làm nghề tự do, người lao động ngoài không ăn lương nhà nước thì phải có giấy xác nhận của UBND phường, nơi mình cư trú về việc khó khăn về nơi cư trú.

Cái khó ở chỗ là chứng minh được năng lực trả nợ hoặc bằng nguồn thu nhập ổn định, hoặc bằng tài sản thế chấp.

091223848  (Nguyenvtan): Tôi xin chào Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Hiện nay, tôi đang ở nhờ nhà người thân tại ngõ Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gần nhà Thứ trưởng. Tôi thắc mắc, khi tôi đi xác nhận phường hiện nay tôi chưa có nhà Chủ tịch phường không xác định, vậy sao mà tôi mua được nhà thu nhập thấp?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Câu này tôi đã trả lời ở trên, và UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo cụ thể về việc này.

Việc xác nhận điều kiện ở của các hộ gia đình là của UBND phường. Cách đây ít ngày phó chủ tịch UBND Nguyễn Huy Tưởng đã có chỉ đạo cụ thể và rõ ràng về vấn đề này.

[email protected](0907177743) (Hứa Hoàng Vũ):Xin chào ngài Thứ trưởng. Hiện tại tôiđang sinh sống và làm việc ở Cần Thơ, đang rất cần mua nhà cho người có thu nhập thấp nhưng hiện tại ở Cần Thơ dự án này rất hiếm (nếu có giá quá cao, thủ tục vay ngân hàng củng khó). Không biết Bộ Xây dựng có chủ trương xây nhà từ 250 triệu đồng trở lại không?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Ở Cần Thơ có dự án nhà ở xã hội, thậm chí ngân hàng cũng đang xem xét cho dự án này vay tiền. Ngân hàng AGribank cũng đã ký cho 1 doanh nghiệp vay 50 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội với 227 căn.

Bộ Xây dựng có chủ trương là tạo được tỷ lệ lớn những căn hộ có giá 300 – 400 triệu đồng/căn. Một căn 30 m2, giá bán 8 triệu đồng/m2 thì giá bán chỉ 240 triệu đồng/m2. Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp và địa phương tăng lượng căn hộ như thế này lên để phù hợp với người dân.

[email protected]  (Lê Văn Vui
): Kính thưa Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, xin Thứ trưởng giải đáp trường hợp của tôi như sau: Hiện, tôi đang sống và làm việc tại TPHCM Tôi làm trong lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng, vợ tôi là giáo viên trực thuộc Bộ Giáo dục. Tôi có tìm hiểu thông tin về nhà ở xã hội tại sở Xây dựng TP HCM thì được giải đáp là trường hợp của vợ chồng tôi không thuộc thành phố quản lý nên không được tham gia các dự án nhà ở xã hội thuộc thành phố quản lý mà chỉ được tham gia các dự án nhà ở xã hội của Trung ương như vậy thì có đúng không? Chúng tôi muốn tham gia nhà ở xã hội thì đăng ký ở đâu? Các dự án nào thuộc trường hợp của chúng tôi? Kính mong Thứ trưởng giải đáp thắc mắc cho chúng tôi. Cảm ơn Thứ trưởng nhiều, chúc Thứ trưởng mạnh khỏe.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Ở đây khẳng định là cán bộ công chức ăn lương Nhà nước, kể cả sỹ quan, quân đội và công an, giáo viên thuộc ngành giáo dục đều thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội  thuộc địa bàn có hộ khẩu thường trú. Trả lời của cán bộ nào đó thuộc Sở Xây dựng TPHCM là ko đúng với chính sách của nhà nước.

Bạn có thể đăng ký bất cự dự án nào với điều kiện là đủ hồ sơ theo quy định, có xác nhận của cơ quan về mức thu nhập và có xác nhận của UBND phường về các điều kiện.

Bạn cũng có thể nộp trực tiếp hồ sơ cho chủ đầu tư các dự án để xét duyệt mà ko cần thông qua Sở Xây dựng. Sau đó CĐT phải báo cáo danh sách đã được xét duyệt cho Sở Xây dựng để có công bố trên website của Sở Xây dựng trong 45 ngày.

Trong thời gian này, nếu ko có khiếu kiện hoặc tố cáo nào thì doanh nghiệp có quyền ký hợp đồng bán nhà cho bạn.

Trần Minh Tuấn:Việc tập trung nhà thu nhập thấp quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa trong 2-3 năm tới. Khi đó sẽ có tình trạng chuyển nhượng nhà trái phép. Bộ Xây dựng có biện pháp gì để xử lý nếu vi phạm xảy ra?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thứ nhất, hiện nay theo điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh thành phố thì nhu cầu nhà thu nhập thấp là rất lớn.

Ví dụ, riêng tại các khu vực đô thị đã có khoảng 1.750.000 người có khó khăn về nhà ở, khoảng 1,7 triệu công nhân ở khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là ở TP HCM và Hà Nội.

Ở Hà Nội, theo tổng hợp nhu cầu có khoảng 110.000 căn, TP HCM có 134.000 căn, Bình Dương là 104.000 căn, Đồng Nai là 95.000 căn. Trong khi đó, ví dụ ở Hà Nội, tổng các dự án nhà ở xã hội cộng lại được khoảng 15.000 căn. Khó khăn cơ bản là thiếu nguồn cung, Bộ Xây dựng và chính quyền các cấp đang tập trung vào thúc đẩy giải quyết khó khăn về trình tự thủ tục để đẩy mạnh tăng trưởng nguồn cung về nhà ở xã hội nên không có chuyện dư thừa.

Trong quy định hiện hành, các nhà ở xã hội chỉ đc quyền giao dịch tự do sau 10 năm, sắp tới giảm xuống sau 5 năm. Những ai chuyển nhượng trái pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuấn Đăng:Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc giải ngân hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung nhà trên thị trường, tiền phía Ngân hàng đã luôn sẵn sàng rồi, chỉ là do thiếu hàng, tức là nguồn cung nhà giá rẻ, diện tích nhỏ, nhà xã hội hiện vẫn rất thấp. Như vậy, để người dân khó có cơ hội sở hữu nhà giá rẻ nhanh nhất là do lỗi từ phía Bộ Xây dựng? Bộ đã có giải pháp gì chưa cho việc thúc đẩy nguồn hàng?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Như tôi đã nói ở trên, vấn đề mấu chốt là phải tập trung tăng nguồn cung, hiện nay nguồn cung còn đang ít, và các trình tự thủ tục để khởi công dự án nhà ở xã hội còn đang có trở ngại. Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư hướng dẫn số 02 của Bộ Xây dựng về việc chuyển đổi nhà ở sang nhà ở xã hội mới 5 tháng mà Bộ Xây dựng giới thiệu được 59 dự án sang ngân hàng thì cũng không phải là ít. Mà mới có 1 dự án vay được tiền.

Nên vấn đề ở đây là Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đẩy mạnh hơn tiến độ giải ngân cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi công và hoàn thành xây dựng phần móng để có thể tiến hành làm hợp đồng.

Nhân đây tôi xin cung cấp thông tin, cho đến ngày 13/8, số liệu mới nhất Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân được cho 208 hộ gia đình cá nhân vay tiền theo gói 30.000 tỷ đồng, với tổng sổ tiền là 49 tỷ đồng.

So sánh con số này với thời hạn chốt ngày 30/6 mới có 19 khách hàng vay được 3,46 tỷ đồng, thì con số tăng lên hàng ngày.

Chúng tôi hy vọng, khi một số dự án đủ điều kiện bán hàng, số tiền được giải ngân sẽ tăng mạnh trong quý IV năm nay.

Đổng Bình (Khánh Hòa): Xin chào Thứ trưởng. Tại Khánh Hòa còn tồn tại phân khúc nhà ở được đầu tư xây dựng theo Nghị định 71/2001/NĐ-CP về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê (ở địa phương thường gọi là nhà ở chính sách). Mặc dù Nghị định 71/2011 đã hết hiệu lực, nhưng tỉnh đã xin Thủ tướng cho phép một số dự án được bảo lưu và tiếp tục thực hiện chính sách này. Hiện nay, chủ đầu tư đang tổ chức bán (giá bảo toàn vốn) cho các đối tượng chính sách do UBND tỉnh phê duyệt: chưa vượt quá 9 triệu/1m2 sàn.
Vậy, xin hỏi Thứ trưởng:
1/ Phân khúc nhà ở nêu trên có phải là nhà ở xã hội không?
2/ Khách hàng mua loại nhà ở trên có được thụ hưởng gói tín dụng 30 ngàn tỷ không?


 

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thứ nhất, nghị định 71/2001/NĐ – CP vẫn còn nguyên hiệu lực, và các thông tin bạn cung cấp chưa đủ để tôi có thể trả lời. nếu đây là các dự án mà được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì không được phép bán, mà chỉ được dùng để cho thuê hoặc cho thuê mua. Còn nếu được xây bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thì đây là loại dự án theo loại hình nhà ở thu nhập thấp, còn gọi là nhà ở xã hội. và các đối tượng mà được mua loại nhà này cũng thuộc đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng.

[email protected]  (Trần Đông): Thưa Thứ Trưởng, hiện tại tôi đang làm tại cơ quan nhà nước, tôi là biên chế tại cơ quan. Nhưng tôi chưa có Hộ Khẩu Hà Nội, vì vậy rất khó tiếp cận mua nhà xã hội, và không thuộc đối tượng vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ. Tại sao Bộ Xây Dựng, không chỉ đạo việc việc bán nhà đến các cơ quan, và cơ quan là nơi có thể bảo lãnh hoặc giúp đỡ cán bộ của mình trong việc mua nhà. Cám ơn Thứ Trưởng!

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Đối tượng mà được mua nhà ở xã hội, quy định thứ nhất là phải có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì bạn phải có hộ khẩu tạm trú, kèm theo điều kiện là đã đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên tại địa bàn.

Còn hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức khảo sát nhu cầu và đăng ký mua nhà ở xã hội tại các bộ, ban, ngành Trung ương đóng trên địa bàn HN và sắp tới sẽ tổ chức việc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện cơ quan bộ ban ngành với các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để có thể tổ chức đăng kí mua theo đơn vị và có sự hỗ trợ.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã có cái giới thiệu dự án nhà ở xã hội với Bộ Tư pháp trong tháng 8 vừa qua, và đã giải quyết được trên 20 cán bộ của Bộ Tư pháp.

Lưu Văn Đạt:  Hiện cả nước có 50 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển sang nhà ở xã hội. Xin Thứ trưởng công bố các dự án được duyệt chuyển sang nhà ở xã hội, vì rất nhiều dự án đã ký hợp đồng mua bán nhà ở thương mại với khác hàng trước khi chuyển đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam:
Hiện nay cả nước không phải chỉ có 50 dự án mà còn hơn thế.  Danh sách nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội đã được công bố trên web của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh thành. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đăng danh sách này trên Báo Xây dựng.

Các dự án nhà ở thương mại mà muốn chuyển sang theo cơ chế nhà ở xã hội, điều kiện là chưa có huy động vốn, chưa có bán hàng cho khách hàng, trong trường hợp bán nhà rồi thì phải có sự đồng ý của tất cả các khách hàng bằng văn bản.

Nên nếu các chủ đầu tư mà chưa có sự đồng thuận của khách hàng thì không đúng với pháp luật.

Bộ Xây dựng là cơ quan đưa ra cách chính sách chứ không phải trực tiếp thẩm tra, thẩm định cấp phép, cái này thuộc về các địa phương.

Hoàng Hải Yến:Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong đó có chúng tôi, không đủ sức tiếp cận tới gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Tôi e rằng, nếu tình trạng này không được giải quyết sớm thì chính sách sẽ rơi vào bế tắc vì không có người xây, lấy gì để dân mua. Vậy Bộ Xây dựng đã có phương án nào cho việc tiếp cận vốn này?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Hiện nay Bộ Xây dựng đã có 2 danh sách theo thông tư số 7 và số 11 của Ngân hàng nhà nước.

Bộ Xây dựng sẽ thẩm định chủ đầu tư giới thiệu sang Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại được ủy quyền. Cho đến ngày 9/8, Bộ Xây dựng đã có 2 danh sách giới thiệu 59 doanh nghiệp mà có dự án nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, với các loại hình cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần...

Tổng số vốn đề xuất cho vay là trên 5.000 tỷ đồng.

Cho đến nay, theo thông tin tôi mới nhận được ngân hàng nhà nước mới xác nhận vốn vay cho 2 doanh nghiệp ở TP HCM và Huế. Trong đó, mới có 1 doanh nghiệp được giải ngân.

Vậy nên việc của các ngân hàng là thẩm định tính hiệu quả cụ thể của dự án, cũng như là năng lực, phương án trả nợ của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tự cho vay.

Theo báo cáo của ngân hàng, trong tháng 8, các ngân hàng đang tích cực có thẩm định để trong cuối tháng 8 có doanh nghiệp được thẩm định và được giải ngân.

Về phía các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các thông tư, quy định để chuẩn bị thật tốt bộ hồ sơ thuyết phục ngân hàng trong vấn đề vay vốn. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập các tổ công tác đi đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn của ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình thẩm định và cho vay.

Trần Văn Hưu: Xin thứ trưởng cho biết, hiện đã có bao nhiêu doanh nghiệp được Bộ Xây dựng duyệt danh sách gửi sang ngân hàng vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng? Điều kiện xét duyệt các doanh nghiệp vào diện được vay vốn có gì “đặc biệt” không?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Điều kiện để xét duyêt hồ sơ như sau: Bộ Xây dựng sẽ thẩm định tính pháp lý của hồ sơ và uy tín. Dựa trên 3 tiêu chí: thứ nhất là có dự án về nhà ở thu nhập thấp đã được phê duyệt, thứ 2 là có đất sạch, đã được giải phóng mặt bằng, thứ 3 là có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận được gần 100 câu hỏi của độc giả liên quan đến nhà xã hội

Trần Hạnh:Hiện nay, vướng mắc về phía doanh nghiệp khi vay vốn là tài sản thế chấp, Bộ có giải pháp gì không trong vấn đề này vì việc thẩm định cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp địa ốc hiện nay quá cứng nhắc?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thứ nhất, hiện nay các cái quy định về điều kiện thế chấp khi vay tiền ngân hàng được quy định trong luật tín dụng, bắt buộc các doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng phải có thế chấp.

Để tháo gỡ, chúng tôi có giải pháp là các doanh nghiệp có thể dùng tài sản sau vốn vay để thế chấp, tuy nhiên vướng mắc hiện nay là quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước.

Nhà nước không thu tiền, do đó có vướng mắc trong vấn đề thế chấp.

Mặt khác, nếu như doanh nghiệp mà dùng tài sản hình thành trên đất thì đến lượt người đi vay để mua không dùng cái đó để thế chấp được nữa.

Để giải quyết vấn đề này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước họp bàn, có giải pháp hướng dẫn các ngân hàng và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện các dự án kinh doanh, kể cả kinh doanh nhà ở xã hội thì các doanh nghiệp cũng cần phải đáp ứng được những yêu nhất định về năng lực tài chính. Đặc biệt là nguồn vốn.

Hoài Phương (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội):Theo đánh giá của GS, lãi suất 6% với người dân mua nhà đã là hợp lý?

GS Đặng Hùng Võ: Với người có thu nhập thấp trong hoàn cảnh Việt Nam thì đó là lãi suất ưu đãi. Nhưng so với nhiều nước khác trên thế giới, họ cũng có những nguồn vốn cho vay đối với người có thu nhập thấp với lãi suất thấp hơn.

Trần Thị Vân (Tân Bình, TP HCM): GS có dự đoán gì về việc quá tải nguồn cung nhà thu nhập thấp trong 2-3 năm tới. Hậu quả sẽ thế nào?

GS Đặng Hùng Võ:
Hiện nay, chúng ta đã rơi vào tình trạng quá tải nguồn cung trong khu vực nhà ở giá cao, giá trung bình nên nhiều người có tâm lý lo ngại về việc nguồn cung quá mức đối với khu vực nhà ở xã hội. Tất nhiên khả năng nguồn cung tăng quá yêu cầu cần thiết đối với nhà ở xã hội rất có thể xảy ra nhưng không phải trong tương lai gần. Vì hiện nay, gần như chúng ta chưa đủ nguồn cung trong khu vực nhà ở xã hội.

Để khắc phục được tình trạng cung quá mức trong tương lai, chúng ta cần có một hệ thống thống kê, dự báo về quan hệ cung-cầu thật chặt chẽ.

Nguyễn Ngọc Tú (Sóc Sơn, Hà Nội):Thưa GS, thu nhập của 2 vợ chồng tôi hiện nay khoảng 9 triệu đồng/tháng, thuộc diện thu nhập thấp. Tháng nào vợ chồng tôi cũng chỉ bỏ ra được khoảng 500.000 là cùng. Vậy với giá nhà từ 500 – 700 triệu đồng/căn, thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới đủ khả năng để mua được 1 căn nhà. Theo GS, thu nhập của người thu nhập thấp hiện nay liệu có với được tới giá nhà không? Và làm thế nào để người nghèo có thể có 1 chỗ ở tại Hà Nội?

GS Đặng Hùng Võ: 9 triệu đồng/tháng, tức khoảng 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ giữa giá nhà trung bình/thu nhập bình quân năm ở Việt Nam trước đây là khoảng 25 lần, nếu 1 người tiết kiệm 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm mới mua được nhà. Đây là nghịch lý lớn nhất của giá cả bất động sản Việt Nam. Theo tính toán này thì chắc chắn mỗi người lao động dù rất tiết kiệm thì cũng phải khi chết mới mua được nhà.
GS Đặng Hùng Võ
GS Đặng Hùng Võ đang trả lời câu hỏi của độc giả 

Trong hoàn cảnh của bạn, nếu tính giá nhà là 500 triệu đồng/căn, thu nhập 100 triệu đồng/năm, thì tỷ lệ này là 5. Tỷ lệ này còn khá hơn con số 25 nói trên rất nhiều. Vậy chỉ còn vấn đề là tiết kiệm như thế nào để có thể mua được nhà.

Nếu tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng thì sau hơn 40 năm bạn cũng có thể mua được nhà. Tất nhiên là trong hoàn cảnh của người thu nhập thấp thì cần sự trợ giúp từ nhiều phía như người thân, bạn bè,…thì mới có thể mua được nhà sớm hơn.

Thùy Linh (Gia Lâm, Hà Nội):Hiện nhiều doanh nghiệp đang xin chuyển đổi dự án sang làm nhà ở xã hội, theo GS có phải vì họ muốn tận dụng nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng không?

GS Đặng Hùng Võ: Chắc chắn áp lực vốn hiện nay là rất lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản. Khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng rất khó khăn. Mặc dù ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất, nhưng với lãi suất như hiện nay cũng phải là lãi suất phù hợp cho xây dựng kinh doanh bất động sản.

Trong tình trạng thị trường còn đang trì trệ như hiện nay, việc các nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp là một lợi thế lớn. Vậy các nhà đầu tư chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng là một quy luật tất yếu.

Lợi nhuận có thể thấp hơn so với dự án nhà ở thương mại, nhưng có thuận lợi về vốn. Chính vì vậy, hầu hết các nhà đầu tư hiện nay đều mong muốn chuyển dự án của mình sang nhà ở xã hội.


Nhà ở luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là người dân lao động, cán bộ công chức. Vì vậy vấn đề phát triển nhà ở xã hội đã được các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm tạo ra chỗ ở cho các đối tượng chính sách, cán bộ công chức, người có thu nhập thấp, công nhân và sinh viên.

Đinh Tùng: Tôi làm nhân viên văn phòng, lương tháng 6 triệu, vậy có cơ hội mua nhà Hà Nội không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thứ nhất, để giải quyết vấn đề nhà ở chúng ta phải có nhiều giải pháp và nhiều gói sản phẩm khác nhau để phục vụ nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau trong xã hội.

Đối với nhà thu nhập thấp, chúng tôi có dải rất rộng từ 30 – 70m2 , giá cả tùy vị trí và địa phương có thể dao động từ 6 – 12 triệu đồng. Cụ thể, ở Hà Nội, chúng tôi có một số dự án giá từ 8 – 8,5 triệu đồng với diện tích căn hộ 30,2m2. Giá căn hộ khoảng 250 triệu đồng, bạn có vốn đối ứng 50 triệu đồng, có thể làm thủ tục vay ngân hàng 200 triệu đồng.

200 triệu đồng nếu được vay trong 10 năm thì mỗi năm trả 20 triệu đồng, mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi những tháng đầu tiên. Như vậy, tháng đầu tiên trả 2,6 triệu đồng/tháng.

Nếu bạn lương 6 triệu đồng và sống một mình thì bạn hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2.

Trong trường hợp, những tháng sau do gốc giảm dần, lãi hàng tháng cũng giảm dần đi. Chúc bạn cố gắng dành dụm sớm có nhà riêng cho bạn để sớm lập gia đình.

Chúc bạn cố gắng dành dụm sớm có nhà riêng cho bạn để sớm lập gia đình.

Ngoài ra, đối với những người lương thấp hơn, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho thuê, chúng ta có thể đi thuê nhà để ở.

Chủ trương là sau này sẽ phát triển mạnh nhà ở cho thuê. Việc giải quyết khó khăn về nhà ở như ở Việt Nam, phải giải quyết trong nhiều chục năm, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Phạm Hải Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội): Theo phản ánh của dư luận thì việc quy định “khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ” là một rào cản quá lớn với những người lao động, thu nhập không ổn định. Vậy theo GS, Ngân hàng Nhà nước nên  thay bằng một ràng buộc nào khác linh hoạt hơn?

GS Đặng Hùng Võ: Ý kiến này hoàn toàn đúng. Vì cho người nghèo vay tiền thì không thể áp dụng cơ chế bắt người nghèo chứng minh khả năng trả nợ. Ở các nước khác, người ta dùng một cơ chế hoàn toàn khác khi cho  người nghèo vay tiền. Hơn nữa, họ còn có các ngân hàng chuyên cho  người nghèo vay tiền mà người nghèo vẫn trả được nợ và ngân hàng vẫn có lãi.

Một ví dụ cụ thể là một chủ ngân hàng tại Bangladesh chuyên cho người nghèo vay tiền đã sử dụng cơ chế cộng động người nghèo, hỗ trợ, giám sát nhau trong việc sử dụng tiền vay cũng như việc trả nợ. Và ngân hàng chỉ cần có mối quan hệ tốt với cộng đồng. Ở Việt Nam cũng cần những cơ chế tương tự như thế này, không nên áp dụng cơ chế cho người giàu vay tiên đối với trường hợp người nghèo.
 
Ngọc Anh (Phú Thọ):Thưa GS, hiện nay giá nhà thu nhập thấp dao động từ 10 – 12 triệu đồng/m2, so với nhà thu nhập thấp thì mức giá này chỉ thấp hơn một chút. Trong khi thủ tục lại rất phức tạp. Vậy theo GS đâu là điểm hấp dẫn của nhà thu nhập thấp ạ?

GS Đặng Hùng Võ: Về nguyên tắc thì giá nhà ở xã hội luôn luôn phải thấp hơn giá nhà ở thương mại khi có cùng chất lượng, cùng điều kiện hạ tầng. Nhưng ở nhiều địa phương tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện tình trạng giá nhà ở xã hội cao hơn giá nhà ở thương mại khi cùng điều kiện. Tình trạng này xảy ra vì nguyên nhân cơ chế quản lý đối với nhà ở xã hội còn có nhiều yếu tố giống với thời kỳ bao cấp, chưa sát với những quy luật về giá trị và cạnh tranh của thị trường, trong khi giá nhà ở thương mại luôn luôn có xu hướng giảm vì quá trình cạnh tranh giữa các chủ đầu tư.

Tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi nhất định về cơ chế quản lý giá với nhà ở xã hội cho phù hợp với những biến động giá trên thị trường.

Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội): Hiện nay dù nói nhu cầu nhà ở xã hội lớn, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn không bán được nhà. Theo ông, vướng mắc ở đâu?

GS Đặng Hùng Võ:
Vướng mắc chủ yếu tại Hà Nội là câu chuyện giá nhà ở xã hội trong một số trường hợp cao hơn giá nhà ở thương mại giá thấp khi có cùng hoàn cảnh chất lượng, điều kiện sống. Chính vì lý do này mà nhiều người đủ tiêu chuẩn vào nhà ở xã hội nhưng không muốn vào vì cho rằng giá như thế là cao. Tất nhiên chúng ta sẽ chờ đợi những thay đổi trong quản lý giá nhà ở xã hội để người dân thực sự được hưởng những ưu đãi của nhà nước thông qua việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội):Nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công liên tiếp trong thời gian gần đây. Theo ông, có xảy ra tình trạng thừa cung không?
Tại sao các dự án chung cư xã hội hiện nay lại có các mức giá chênh lệch nhau rất nhiều như vậy. Xin GS cho biết đối tượng nào được mua nhà ở xã hội và thủ tục ra sao?

GS Đặng Hùng Võ:
Tất nhiên giá cả của nhà ở còn phụ thuộc vào chất lượng, kể cả về vị trí, đấy là quy luật tất yếu của nhà ở. Nói về sự chênh lệch cũng phải đưa ra những vị trí cụ thể, những bất hợp lý cụ thể thì sẽ có giải thích chi tiết hơn.

Diện được thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay bao gồm: các cán bộ công nhân viên Nhà nước, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tại đô thị. Đối với nhóm thu nhập thấp tại đô thị cần phải có xác nhận mức thu nhập và diện tích nhà ở hiện đang sử dụng chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc xác nhận chưa có nhà ở.

Các hồ sơ, trình tự thủ tục đã có hướng dẫn rất chi tiết của Bộ Xây dựng.

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group tham gia trả lời Trực tuyến
Đỗ Ý An (Thạch Thất, Hà Tây):Xin ông cho biết Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Sunny Garden City, Quốc Oai, Hà Nội bao giờ chính thức khởi công? Dự kiến thời gian hoàn thành?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group
: Trước hết, cảm ơn bạn đã quan tâm đến dự án của CEO Group. Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy các thủ tục pháp lý của Dự án. Dự kiến chính thức khởi công vào Quý 4/2013 và hoàn thành vào năm 2015.

Cao Vũ Nhật (Hải Dương):Mức giá bán của dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Sunny Garden City, Quốc Oai, Hà Nội là bao nhiêu? Hiện dự án này đã nhận hồ sơ đăng ký chưa?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Dự kiến chúng tôi bán giá dưới 10 triệu /m2 đã bao gồm VAT. Khoảng cuối quý IV/2013, vào đầu 2014 sau khi Dự án đủ điều kiện kinh doanh, chúng tôi sẽ nhận hồ sơ đăng ký của khách hàng.

Mai Lan (TP HCM): Tôi có một người bạn mua dự án nhà ở xã hội ở Quốc Oai, được biết vị trí của nó khá ổn, và trước kia toàn bộ dự án là nhà ở thương mại. Vậy tại sao chủ đầu tư lại chuyển thành nhà ở xã hội? Phải chăng vì công ty đang gặp khó khăn về nguồn vốn?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Chúng tôi quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất CC1 tại Dự án Sunny Garden City thành nhà ở xã hội với các mục tiêu sau:

- Góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở xã hội của cán bộ công chức, viên chức, người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện Dự án để thu hút người dân về sinh sống tại Khu đô thị.
- Hưởng ứng theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tận dụng được các ưu đãi của Nhà nước.
- Tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hiện Công ty chúng tôi không gặp khó khăn về nguồn vốn.

Bắc Hà (Thủy Nguyên, Hải Phòng):Ngoài dự án ở Quốc Oai, sắp tới CEO có chuyển đổi hay xây dựng dự án nhà ở xã hội nào mới không?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Trước mắt, CEO Group tập trung cho dự án nhà ở xã hội tại Quốc oai, trong tương lai có thể chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm các khu nhà ở xã hội tại các dự án khác của Công ty.

Hà Thủy (giáo viên mầm non tại quận Đống Đa, Hà Nội): Tôi được biết, đây là lần đầu tiên CEO triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Trước đây tôi đọc báo thấy nhiều người kêu ca là làm nhà ở xã hội khó có lãi. Vậy hướng đi này có phải là quá mạo hiểm? Hay vì CEO sẽ được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng nên mới làm?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Đối với Dự án nhà ở xã hội, như đã nói ở trên, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà hướng đến các mục tiêu: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần hoàn thiện Dự án để thu hút người dân về sinh sống tại Khu đô thị.

Linh Thu (TP HCM): Xin hỏi, dự án nhà ở xã hội ở Quốc Oai dự kiến khi hoàn thành sẽ có bao nhiêu căn hộ? Đối tượng được mua dự án này? Và những ưu đãi cho khách hàng từ gói 30.000 tỷ đồng?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Dự án Khu nhà ở xã hội có diện tích đất 10.528m2, nằm trong quần thể 24,4 ha của Khu đô thị mới Sunny Garden City, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp 400 - 500 căn hộ với diện tích từ 30m2 đến 70m2/căn hộ, đối tượng được mua nhà ở xã hội tại dự án được quy định rõ trong Nghị định 34/CP ban hành ngày 22/04/2013; những ưu đãi cho khách hàng từ gói 30.000 tỷ đồng được hướng dẫn cụ thể tại thông tư 07/BXD ngày 15/5/2013 của Bộ xây dựng và thông tư 11/NHNH ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước. Bạn có thể vào mạng xem chi tiết.

Bùi Ngọc Tùng (Mê Linh, Hà Nội):Hiện nhiều dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP HCM đang gặp khó khăn trong việc bán hàng. Là đại diện của doanh nghiệp, theo ông vấn đề gì là vướng mắc nhất khi triển khai việc bán hàng?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Theo chúng tôi, để thúc đẩy việc bán hàng, cần chứng minh cho khách hàng hai vấn đề: thứ nhất là chất lượng sản phẩm nhà ở xã hội không thua kém gì nhà ở thương mại; thứ hai là giá nhà ở xã hội rẻ không phải đồng nghĩa với chất lượng kém mà do được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định (thuế sử dụng đất, được vay vốn ưu đãi, thuế VAT, thuế TNDN…).

Hơn nữa, Chủ đầu tư phải nghiên cứu áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, lựa chọn vật liệu, trang thiết bị phù hợp để có giá thành hợp lý nhất mà vẫn đầy đủ tiện ích cho khách hàng.

Đối với Dự án của CEO, đây là dự án nằm trong cả Khu đô thị nên tính kết nối chung với hơn 300 biệt thự xung quanh sao cho hài hòa đã được Chủ đầu tư tính toán từ khâu thay đổi quy hoạch điều chỉnh cục bộ, thiết kế và công tác vận hành quản lý trong tương lai nhằm mang lại môi trường tốt nhất cho các cư dân.

Lê Minh Hiếu:Ông đánh giá thế nào về việc có rất nhiều dự án được chuyển đổi thành nhà ở xã hội như hiện nay? Liệu có xảy ra tình trạng thừa nguồn cung nhà ở xã hội trong mấy năm nữa không?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Theo tôi, việc xây dựng nhà ở xã hội trong thời điểm hiện nay và trong tương lai là hết sức cần thiết bởi nhu cầu thực về nhà ở của người dân còn quá lớn. Theo rà soát của Bộ Xây dựng, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và khoảng trên 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở ổn định.

Để đáp ứng được nhu cầu bức thiết về nhà ở này, chúng ta cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Theo dự báo của Bộ Xây dựng nhu cầu về nhà ở của công nhân KCN tăng thêm khoảng 200.000 căn hộ.

Do đó, trong những năm sắp tới, theo chúng tôi, sẽ chưa thể xẩy ra tình trạng thừa nguồn cung nhà ở xã hội được.

Đỗ Đức Bảo:Hiện giá nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đang ngày càng xích lại gần nhau. Vậy đâu là sự cạnh tranh của nhà ở xã hội?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Đúng như bạn nói, giá nhà ở thương mại trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh giảm mạnh ở tất cả các phân khúc trên thị trường, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, giá nhà khó có thể giảm sâu hơn. Hiện tại giá chênh lệch giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội giao động trong khoảng 3 - 5 triệu/m2, nên nhà ở xã hội vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn so với nhà ở thương mại.

Lan Anh (Gia Lâm, Hà Nội): Hiện chất lượng của nhiều khu nhà ở xã hội đang bị xuống cấp, vậy xin hỏi, có phải vì giá rẻ, nên chất lượng của những công trình này ít được đảm bảo?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Theo thông tin và thực tế của chúng tôi, các khu nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước tính đến thời điểm hiện nay cơ bản nhận được phản hồi hồi tốt của khách hàng rất về chất lượng (ví dụ: khu nhà ở vinaconex xuân mai, viglacera …).  Còn về mặt bằng giá nhà ở xã hội rẻ hơn nhà ở thương mại là vì các lý do Tôi đã nêu trong phần trả lời câu hỏi của bạn Bùi Ngọc Tùng.

Mai Huế (Quốc Oai, Hà Tây):Làm nhà ở xã hội ít tiền, lại khó bán, vì sao doanh nghiệp lại muốn đầu tư vào dự án này? Tới đây, CEO có định triển khai dự án nào mới không?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group: Như đã trả lời ở trên, mục tiêu triển khai Dự án nhà ở xã hội của chúng tôi là nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần hoàn thiện Dự án để thu hút người dân về sinh sống tại Khu đô thị.

Ngô Lâm (Bắc Ninh):
Xin hỏi, CEO có là doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng không? Nếu được hỗ trợ, CEO sẽ được hỗ trợ bao nhiêu?

Ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng Giám đốc CEO Group:
Là doanh nghiệp triển khai dự án xã hội, chúng tôi thuộc diện được nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý Dự án, nên chưa có con số cụ thể.



VTC News

Bình luận
vtcnews.vn