Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH

Chính trịThứ Tư, 04/11/2020 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Hôm nay (4/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020-2021.

17h: Quốc hội kết thúc ngày thảo luận thứ 2 tại Hội trường về các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020-2021. Sáng mai, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng khác.

16h20: Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh đến việc cân nhắc lợi-hại trong xây dựng thuỷ điện nhỏ.

"Khi bàn đến cái lợi, cái hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn đến câu chuyện hôm nay thôi. Nhưng giả dụ 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao, hết giá trị kinh tế, tất cả những công trình xây ở rừng sâu, núi thẳm này sẽ trở thành những quả bom nổ chậm. Bây giờ chúng ta xây, phải nghĩ đến cho sau này. Kể cả pin điện mặt trời, khi không sử dụng nữa cũng trở thành rác", đại biểu Quốc nói. 

Từ đó, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị các Bộ, ngành phải xem xét kỹ vấn đề này.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 1

Đại biểu Dương Trung Quốc.

15h30: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, dù Bộ trưởng Công Thương có nói tới mặt tiêu cực của thuỷ điện nhưng thước đo nào để xác định mặt xấu đó thì chưa chỉ rõ. 

Đại biểu đoàn Bến Tre đề cập tới kế hoạch đóng cửa rừng từng được nêu ra trước đây và mong muốn các ngành chức năng thực hiện để giữ đúng quyết tâm của Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

"Làm thuỷ điện thế nào để đất nước không thấy đau đớn, xót xa, thiệt thòi", Phó trưởng ban Dân nguyện chốt lại.

15h: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ qua, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tài sản, tính mạng và cơ sở hạ tầng. Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng, toàn xã hội rất quan tâm.

Ban Bí thư có chỉ đạo, Thủ tướng vào tận nơi, vào tận bệnh viện thăm bà con dân tộc thiểu số bị thương vong và chỉ đạo cấp nào cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để bị bệnh mà không được cứu chữa.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

"Đây không phải chỉ là mệnh lệnh của Thủ tướng mà đây thực sự còn là một mệnh lệnh từ trái tim, một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đảng, Nhà nước Chính phủ đã dành sự quan tâm rất đặc biệt như vậy; quân đội, công an, anh em ngày đêm thực hiện chỉ đạo của cấp trên để cứu giúp bà con, đưa cả trực thăng để đưa đồ cứu trợ mà phải vượt cả biên giới của mình để mà đi vào cái vùng mà chúng ta vẫn bị biệt lập. Trong hoạn nạn thấy được tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quý", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói.

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này và sẽ ưu tiên tăng thêm cho các tỉnh vùng bị lũ miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở và phục hồi sinh kế cho đồng bào, sớm ổn định cuộc sống.

14h30: Đại biểu Tô Văn Tám nêu hiện trạng thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai, về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm khắc phục thiên tai, bão lũ; về thành quả phát triển đất nước, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế chính quyền.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 3

Đại biểu Tô Văn Tám.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đó. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được loại trừ, vẫn như đang thách thức những nỗ lực cơ quan chức năng. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để xử lý khúc này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng loại trừ các hành vi trên.

14h10: Đăng đàn chiều nay, Bộ trưởng Công ThươngTrần Tuấn Anh khẳng định thuỷ điện có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.

Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra, báo cáo cách quản lý, vận hành thuỷ điện trên cả nước. Bộ trưởng cho biết, từ năm 2016, Bộ Công Thương tuyệt đối không bổ sung dự án thuỷ điện nào nếu sử dụng đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất của các dự án bổ sung chỉ còn 1,9ha/MW điện.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 4

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ Công Thương đã cho ra khỏi quy hoạch 472 dự án thuỷ điện và 213 điểm dự án tiềm năng phát triển. Việc vận hành thuỷ điện và đảm bảo an toàn hồ, đập đều được thực hiện đúng theo pháp luật. 

Vì thế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định những câu chuyện sạt lở đất gây ra thiệt hại lớn về người và của đều có nguyên nhân chính từ thời tiết dị thường, bên cạnh nguyên nhân mất đất rừng tự nhiên do tác động của con người.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, tham mưu cho Chính phủ để vận hành thuỷ điện đạt hiệu quả cao.

14h: Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận buổi chiều.

11h30: Quốc hội tạm nghỉ, tiếp tục phiên thảo luận từ 14h chiều nay. Chiều nay, Bộ trưởng Công Thương sẽ giải trình các vấn đề liên quan đến thuỷ điện mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra.

11h10: Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhận định kinh tế Việt Nam đã thoát được khỏi đáy suy giảm do COVID-19. Ông kiến nghị cần lấy mục tiêu phát triển nông nghiệp là kim chỉ nam, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại lẫn thị trường 100 triệu dân trong nước.

10h30: Đại biểu Hồ Thị Vân đánh giá cao việc sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã thời gian qua, giúp giảm chi lương, phụ cấp khoảng 1.431 tỷ đồng. 

10h: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đamcho biết SGK sai đến đâu, sai đến mức nào thì phải để cơ quan chuyên môn đánh giá. SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều có sạn. Và lỗi này cần phải được tiếp thu, sửa chữa một cách cầu thị, khoa học. Những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học người bình thường không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 5

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT theo đúng tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

9h05: Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) nhận định việc đổi mới SGK cần thời gian để hoàn thiện, chưa kể giai đoạn COVID-19 cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc học tập, giảng dạy của cả thầy và trò. Vì thế, cũng nên thông cảm cho ngành giáo dục.

8h55:Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng… và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng/GDP do chỉ tiêu này phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển những ngành tiêu hao ít năng lượng.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 6

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phát biểu tại hội trường.

8h35: Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho rằng từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả.

Chất lượng giáo dục phổ thống được nâng lên. Lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được hoàn thành. Tự chủ đại học đã được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song ngành giáo dục đã thực hiện tốt việc dạy và học, trong đó đẩy mạnh học trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Các địa phương tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì Bộ GD&ĐT phải tổ chức toàn bộ như những năm trước.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mưới giáo dục còn khó khăn. Nhiều địa phương vẫn thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu, xuống cấp, đặc biệt tại miền núi. Công tác quản lý sách giáo khoa, sách tham khảo còn bất cập, một số nội dung chưa phù hợp. việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh chưa có chuyển biến căn bản.

Đại biểu đề nghị thời gian tới ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đến chất lượng thẩm định, phê duyệt các bộ SGK, có giải pháp khắc phục những nội dung chưa phù hợp trong các cuốn SGK đã được phát hành, sửa đổi, bổ sung các khâu giám sát, thẩm định, phê duyệt đối với các cuốn SGK tiếp theo.

Việc quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, tinh giản 10% biên chế giáo viên cần xem xét, tính đến đặc thù của ngành giáo dục, điều kiện thực tế của địa phương.

8h25: Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) mong Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong sự cố về sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng khâu, từng cấp, từng bộ phận, xem xét, bổ sung, thay đổi, điều chỉnh Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và càng không thể trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm. 

"Đọc báo cáo và lắng nghe giải trình của Bộ Giáo dục về bộ sách giáo khoa, tôi chỉ có thể nói rằng người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với một sự tiếp thu của đứa trẻ.

Chẳng có Hội đồng thẩm định sách giáo khoa các quốc gia nào mà thẩm quyền còn thua giáo viên. Chẳng có nơi đâu là cho phép giáo viên thay hoặc điều chỉnh ngữ liệu khác nhau khá phù hợp so với sách giáo khoa. Một đội ngũ có trình độ, có bề dạy và nghiên cứu khoa học, học hàm, được nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn sách còn gặp nhiều thiếu sót và hội đồng thẩm định yêu cầu thay vẫn bảo vệ đến cùng, thì với trình độ bằng cấp của giáo viên còn thấp hơn thì giáo viên nào tự tin nói rằng tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn so với các giáo sư, tiến sĩ", đại biểu Hiền tâm tư.

8h: Phiên thảo luận bắt đầu

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Công Thương trả lời ĐBQH - 7

Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

Các ý kiến thảo luận sẽ tập trung vào Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng sẽ được các đại biểu cho ý kiến.

Trong phiên thảo luận hôm qua, ba Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn