Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách năm 2019

Thời sựThứ Tư, 30/10/2019 13:30:00 +07:00

Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu.

17h

Quốc hội kết thúc thảo luận. Trong ngày hôm nay, 49 đại biểu tham gia thảo luận, 3 người nêu ý kiến tranh luận, hai Bộ trưởng giải trình là Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Tư pháp.

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách năm 2019. 4 Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư sẽ tham gia giải trình những vấn đề liên quan.

16h40

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên): Băn khoăn tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, mới đạt 45,1% kế hoạch Quốc hội giao. Khả năng giải ngân hết nguồn vốn là rất khó khăn nếu không muốn nói là khó khả thi.

Có lẽ cần chỉ rõ Bộ, ngành, địa phương nào chậm và không đề xuất phân bổ hết kế hoạch vốn được phân bổ. Đã đến lúc cần rà soát để huỷ kế hoạch giao vốn, tiến hành điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn, từ địa phương giải ngân chậm sang địa phương giải ngân đúng thời hạn. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu, công khai tình hình giải ngân của địa phương, chủ đầu tư.

Năm 2019, xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, thể hiện tính nghiêm minh của việc chấp hành kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

16h20

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội): Thực tế, ngành y tế không giảm 25.000 biên chế mà nhân viên y tế đang tăng lên để phục vụ nhân dân tốt hơn. Thực tế, 25.000 cán bộ này nằm trong bệnh viện tự chủ theo chủ trương của Chính phủ, và Nhà nước không trả lương từ ngân sách. Đây là ưu điểm của cơ chế tự chủ các bệnh viện vừa được ban hành.

Hiện nay, gần 100% bệnh viện đã tự chủ, ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn ở vấn đề biên chế, bổ nhiệm, nhân sự vì các bệnh viện chưa tự chủ thực sự.

Nhân viên ở các bệnh viện tự chủ vẫn phải tham gia các kỳ thi công chức, viên chức thì mới được bổ nhiệm chức vụ tại bệnh viện.

Việc giao chỉ tiêu chi bảo hiểm y tế cho bệnh viện đã làm hạn chế, ngăn cản sự phát triển của các bệnh viện, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân tham gia bảo hiểm và chính sách bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, chỉ có 2 trên 4 cấu thành giá. Do đó, làm ảnh hưởng đến quá trình cân đối thu chi của bệnh viện tự chủ. Tiền lương, tiền công của nhân viên y tế tính trong giá dịch vụ y tế hiện thấp hơn giá lương cơ bản hiện hành. 

15h20

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Xu hướng ngoại hoá doanh nghiệp Việt Nam đang diễn ra âm thầm diễn biến mạnh mẽ và phức tạp.

Hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà. 

Từ logistics đến dịch vụ tài chính, năng lượng, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A (mua bán và sáp nhập) trong thời gian tới ngày càng manh nha các yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên xương sống nền kinh tế. 

 

15h10

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, cả nước có 24.500 km quốc lộ, gần 2.000 km đường cao tốc, đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường bộ. Việt Nam cũng có 22 sân bay, 3.200 km đường biển đang được đầu tư phát triển mạnh vận tải ven bờ, 3.200 km đường sắt đi qua nhiều tỉnh.

Đây là thành quả mà trong thời gian vừa qua chúng ta đã cố gắng phát triển, tuy nhiên so với yêu cầu, giao thông liên vùng còn hạn chế. 

Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một số trục dọc như cao tốc Hòa Bình - Sơn La, Chi Lăng - Hữu Nghị - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái. Các trục liên kết ngang, chúng tôi tập trung các dự án quốc lộ: 4C, 4D, 209, 37. Với định hướng trên, các trục ngang sẽ kết nối trục dọc tạo ra hệ thống giao thông hoàn thiện.

Tại đồng bằng sông Hồng, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các đường vành đai của Hà Nội và trục kết nối với Hải Phòng để phát huy lợi thế của cảng biển Lạch Huyện, đưa hàng hóa ra Hải Phòng và hoàn thành trong 5-10 năm tới.

14h30

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng): Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm chống gian lận thương mại, chống hiện tượng hàng hoá, doanh nghiệp nước ngoài đội lốt doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo uy tín thương mại, quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam và an ninh kinh tế, chính trị.

Trong nhiều trường hợp, khi xảy ra sự cố, chính quyền nhiều nơi hết sức lúng túng, chưa thực thi hết trách nhiệm với dân. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, hội thảo, mít tinh, hoạt động bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành nhiệm vụ thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đề nghị Chính phủ ngay trong thời gian tới cần có hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm để thay đổi căn bản tình trạng đáng buồn này.

14h20

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp): Hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng hoá giang hồ mạng của một bộ phận giới trẻ, nguyên nhân từ đâu? Có phải do lệch chuẩn về giá trị? Có lẽ cơ quan chức năng cần quan tâm, nghiên cứu từ góc nhìn để có giải pháp khắc phục kịp thời. 

Chúng tôi cảm nhận các hoạt động văn hóa chủ yếu là các sự kiện, lễ kỷ niệm. Cử tri băn khoăn vấn đề lãng phí của những cuộc kỷ niệm lớn, những màn nghệ thuật hoành tráng mà ngân sách đầu tư không nhỏ. Một số công trình, lễ hội nhân danh văn hóa tâm linh bị lạm dụng và biến tướng.

Dường như, chúng ta chưa có nền văn hoá phát triển bền vững.

Cử tri cũng từng đặt câu hỏi, trong một số sự việc, mạng xã hội hay kênh thông tin chính thức của Chính phủ đang dẫn dắt dư luận, và có hay không hiện tượng bão mạng đang tạo áp lực trong tâm lý xã hội, buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải chạy theo xử lý.

Đề nghị Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế nạn tin xấu, tin độc và nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận.

11h30

Quốc hội kết thúc phiên thảo luận buổi sáng. Chiều nay, Bộ trưởng GTVT và Bộ trưởng Tư pháp tham gia thảo luận. 

11h20

Đại biểu Trần Việt Khoa (đoàn Hà Nội): Tình hình biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng an ninh, an toàn khu vực biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới. Điều này đe dọa an ninh khu vực, an ninh các nước có chung khu vực biển Đông.

tran viet khoa 3

 Đại biểu Trần Việt Khoa.

Từ tháng 5, khi Việt Nam có hoạt động dầu khí trên biển, đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10, nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối một cách hết sức phi lý. Đây là những cái không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có thời điểm đến 35-40 chiếc tàu để bảo vệ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý, khẳng định chủ quyền. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta là không thể chối cãi theo công ước và luật pháp quốc tế.

Có thể nói, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay thể hiện rất rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, có nhiều yếu tố tác động, đòi hỏi chúng ta cần có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện giữ vững hòa bình, độc lập để phát triển đất nước.

Năm 2018, sau khi Bộ chính trị thông qua, kết luận các chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ biên giới quốc gia, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng quán triệt sâu sắc các chiến lược này. Đây là cơ sở để Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, tổ chức biên chế quân đội, mua sắm vũ khí, trang bị, đảm bảo theo tinh thần "tinh, gọn, mạnh", đáp ứng các kiểu chiến tranh hiện đại trong thời kỳ mới.

Đất nước ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thấy được sự tàn khốc, sự mất mát của các gia đình, dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. 

Chúng ta luôn sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta sẵn sàng đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình ổn định phát triển đất nước.

11h10

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Hiện tại còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn quất trong các cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng, gây mất lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước. Đây chính là căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách mà chúng ta dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Chúng ta cần thái độ quyết liệt và thực tế hơn, cắt bỏ mọi hạch căn đó ra khỏi cơ thể Đảng, Nhà nước. Cử tri rất bức xúc vì có tình trạng khoan hồng, giơ cao đánh khẽ với cán bộ sai phạm nghiêm trọng đường lối chính sách, pháp luật thời gian qua.

Cách xử lý như kiểu tặng quà cho cán bộ sai phạm tạo ra sự bất công, không buộc người xấu phải sám hối, tu thân sửa mình, ngược lại, họ sẵn sàng hi sinh đời bố, củng cố đời con. 

10h40

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ): Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018, Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 2018 khoảng 8.400).

Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

Số liệu cho thấy chúng ta đang có nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

10h20

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên): Theo thống kê ở Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y, bác sĩ. Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng có lẽ đây chỉ là con số bề nổi. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%). 

VuThiNguyet

 Đại biểu Vũ Thị Nguyệt.

Thật không quá khi nhiều đồng nghiệp của tôi nhận định rằng đây thực sự là một nghề nguy hiểm. Hậu quả của các vụ hành hung từ gây hư hại tài sản của cơ sở y tế đến gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý nhân viên y tế. Thậm chí có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Đây là vấn đề hết sức đau buồn.

Sau mỗi vụ hành hung, bạo hành, cán bộ y tế mang nỗi đau thể xác và tinh thần. Tỷ lệ trầm cảm khá phổ biến. Có cán bộ y tế đã phải bỏ nghề hoặc chuyển sang lĩnh vực ít liên quan đến người bệnh. Nỗi lo sợ dần xuất hiện, tình yêu nghề phai nhạt dần.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cán bộ y tế trong giai đoạn hiện nay, đề nghị nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ y tế; Thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng tư vấn, xử lý nguy cơ cho cán bộ y tế; Tuyên truyền phòng chống bạo lực; Tăng cường biện pháp an ninh trong các cơ sở y tế; Cải cách thủ tục hành chính, tăng thời gian thầy thuốc tư vấn và khám cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi.

9h35

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum): Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng được xử lý nghiêm minh đã chứng minh sinh động cho thái độ kiên quyết, không khoan nhượng của Đảng, Nhà nước và khẳng định "không có vùng cấm trong chống tham nhũng" của Tổng bí thư, Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn, chống tham nhũng làm mạnh, đạt nhiều kết quả song chống lãng phí vẫn còn nhiều điều bức xúc. Nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không đem lại hiểu quả như mong đợi hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đội vốn vẫn diễn ra. Một số liệu cho thấy, cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công song 245 dự án không hiệu quả, như thế, quả là sự lãng phí đáng kể.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Trong đó vấn đề quy trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa quan trọng.

9h30

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội): Xét về tổng thể, lĩnh vực văn hoá chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Báo cáo của Chính phủ còn nêu rất chung chung, nguồn lực đầu tư cho văn hoá còn thấp.

Việc quản lý cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo, làm kẽ hở cho các thế lực thù địch tuyên truyền sai lệch về vấn đề Biển Đông. 

Đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý chặt chẽ, cẩn trọng hơn trong việc cấp phép các tác phẩm điện ảnh, phát hành ấn phẩm.

9h

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nhưng chỉ đến khi vụ việc được phản ánh hoặc xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản mới được để ý, quan tâm tuyên truyền. Nhất là vấn đề: quản lý xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, đào tạo, tai nạn giao thông, cổ phần hoá đất vàng....

Chúng ta chậm phát hiện, chậm có giải pháp kịp thời. Điển hình như vụ vi phạm của công ty Alibaba kéo dài trong 3 năm, diễn ra trên 3 tỉnh thành, với 6000 người liên quan, mới được xử lý.

Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông chính là báo động về việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, được ví như những quả bom nổ chậm, ra khỏi khu vực dân cư, chưa được triển khai nghiêm túc.

Nguồn nước sinh hoạt ở nhiều nơi bị ô nhiễm.

Những vụ việc đó bộc lộ công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, lỗ hổng, thậm chí là thiếu trách nhiệm, buông lỏng.

Nhưng việc làm rõ để quy trách nhiệm, xử lý, siết kỷ cương, kỷ luật chưa được quan tâm đúng mức. 

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đừng để người dân phải chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

8h40

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang): Tình trạng đầu cơ, thổi giá bất động sản diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Đề nghị Chính phủ cần kiểm soát để tránh nền kinh tế sụp đổ theo kiểu domino vì đa phần vốn đều là đi vay.

8h30

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình):

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

vu tien loc

 Đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung, nhiều chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ hưởng lợi, trở thành công xưởng thế giới. Nhưng thực tế không phải như vậy. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng bất lợi, chỉ có duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến song tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam là 1 trong 6 nước xuất siêu vào Mỹ. Ai có thể bảo đảm chúng ta là ngoại lệ, không bị Mỹ trừng phạt. 

Bức tranh đầu tư nước ngoài cũng không tốt lên. Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang các nguồn Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, hụt đi ở đầu Nhật Bản và EU. 

Việt Nam đang nỗ lực hết mình nhưng các nước cạnh tranh còn cải thiện thị trường tốt hơn.

8h26

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định): Nhiều ngư dân đang nợ nần do tiên phong đóng tàu theo Nghị định 67. Ngư dân không được cảnh báo khi công suất đánh bắt đã cao hơn sản lượng có thể đánh bắt. 

Tại Bình Định, ngư dân đang nợ hơn 200 tỷ đồng, khả năng trả nợ thấp. Qua đó chúng ta đã quá vội vàng triển khai Nghị định 67. Chính phủ cần đánh giá lại và hỗ trợ các ngư dân tiên phong theo Nghị định 67.

8h5

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi): Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã được thông xe, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh. Đề nghị Bộ GTVT tiếp tục làm việc với chủ đầu tư để hoàn trả các đường gom dân sinh, đường địa phương.

8h

Quốc hội bắt đầu thảo luận. 

Hôm nay, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của Việt Nam không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.

quoc-hoi 3

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14. (Ảnh: Duy Thành)

Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.

Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp. 

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn