Trực tiếp: Quốc hội thảo luận kinh tế, xã hội, ngân sách 2019

Thời sựThứ Năm, 31/10/2019 13:47:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch sẽ giải trình trong phiên thảo luận ở Quốc hội.

17h

Quốc hội kết thúc phiên thảo luận kinh tế, xã hội, ngân sách 2019 chiều 31/10.

16h40

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): Tình hình biển Đông diễn biến rất phức tạp. Được biết những nỗ lực chính trị, ngoại giao, lực lượng trên biển của chúng ta đã giành được kết quả quan trọng và cơ bản. Đó là kiên trì đấu tranh và vận động để Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, giữ được môi trường ổn định, bảo vệ được chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích chính của Việt Nam ở Biển Đông, thực hiện được kế hoạch hoạt động dầu khí của chúng ta. Các hoạt động của chúng ta được quốc tế ủng hộ, đồng tình và thừa nhận.

Cử tri rất phấn khởi và tin tưởng vào đường lối giải quyết vấn đề biển Đông của Đảng. 

Mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin dưới những hình thức khác nhau để nhân dân được biết rõ hơn, yên tâm và tham gia hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách và hiệu quả.

16h30

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thu nhập tăng nên tổng cầu và sức mua của nền kinh tế được củng cố, duy trì đà tăng trưởng. Xuất khẩu đạt khá, xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Năng suất lao động giai đoạn 2016-2019 vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm. 

16h

Đại biểu Dương Quang Thành (Hà Nội): Chính phủ chỉ đạo không để thiếu điện trong mọi tình huống.

Các giải pháp đưa ra là vận hành an toàn, hiệu quả các nguồn điện hiện có, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện, tăng năng lực phát điện lên 3.500 MW, trong đó phát triển các nguồn năng lượng điện sạch như điện mặt trời, điện gió. 

15h10

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát cả số tuyệt đối và tương đối. Năm 2020, bội chi ngân sách dự toán đạt 3,44% GDP, như vậy bình quân cả giai đoạn 2016-2020 đạt 3,6-3,7% GDP, vượt mục tiêu 3,9%, và năm 2020 là dưới 3,5%.

Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng của GDP danh nghĩa. Nếu giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ công là 18,1% trong khi tăng GDP danh nghĩa là 14% thì giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng nợ công là 8,2%, tốc độ tăng GDP danh nghĩa là 9,7%. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến 2020 ước tính đạt 54,3% GDP trong khi năm 2016 là 63,7%.

14h55

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa): Các nhà đầu tư lớn, mà chủ yếu là các nhà đầu tư có nhiều mối quan hệ thường trúng những lô đất vàng của địa phương thì cử tri có quyền đặt câu hỏi đã đủ thủ tục, đúng quy trình nhưng có đúng pháp luật hiện hành hay không, có thất thoát nguồn thu hay không? 

Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn những vi phạm trong đấu giá đất.

14h40

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên): Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao? Kiến nghị Thủ tướng khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này.

14h30

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng): “Ngưỡng tăng giường bệnh là bao nhiêu để đạt yêu cầu? Việc tăng giường bệnh có phải là giải pháp lâu dài để chống quá tải bệnh viện? Mục tiêu lâu dài của ngành y tế là cải thiện sức khỏe cộng đồng, dự phòng bệnh”.

14h10

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định): Trên thế giới cũng như châu Á đều bắt đầu làm việc từ 8h30, 9h, nghỉ trưa 1 tiếng. Ở nước ta, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc từ 8h30-9h.

Tại sao phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho bản thân, gia đình đúng khoa học? Xu hướng thức khuya ở đô thị cũng phù hợp việc đi làm muộn, phát triển nền kinh tế ban đêm.

Đổi giờ học, giờ làm không chỉ giải quyết vấn đề giao thông ở đô thị lớn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế.

nguyen van canh 4

 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu.

11h30

Kết thúc phiên thảo luận sáng 31/10, 24 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 bộ trưởng tham gia giải trình là Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh.

39 đại biểu đăng ký phát biểu vào phiên chiều.

10h45

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Xây dựng văn hoá chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy nhiên, so với các thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hoá còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh.

Để văn hoá thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau đây.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Thứ tư, quan tâm đời sống văn hoá cơ sở, đầu tư cho văn hoá tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.

Thứ năm, phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hoá tương xứng với vai trò, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Thứ bảy, tăng cường hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời giới thiệu văn hoá Việt Nam ra bạn bè thế giới.

10h40

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13%, so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu. Du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện, hiện đứng thứ 63/140 nước.

Tuy vậy, chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn nhiều hạn chế.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi đề xuất giải pháp: Đổi mới nhận thức phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ; tăng nguồn kinh phí cho hai chương trình du lịch; đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; đa dạng hóa thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch; đẩy mạnh xã hội hoá du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng… 

nguyen ngoc thien 3

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

10h25

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa): Giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu và chúng ta không thể phủ nhận thành tựu của giáo dục trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn về chất lượng và quản lý giáo dục hiện nay ở tất cả các cấp học. 

Ở bậc mầm non, trẻ bị bạo hành bởi cô giáo nuôi dạy; học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến chết người; cô giáo chấm bài ném vở xuống đất; đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ phải lén đặt camera... cho thấy sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên.

Vấn nạn dạy thêm, học thêm, mua điểm, gian lận thi cử hết sức nhức nhối, nhất là ở kỳ thi đại học vừa qua ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là hậu quả của một nền giáo dục quản lý lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế quản chế giáo dục.

Tuy cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục tăng song học sinh không tiếp thu được kiến thức. Học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí còn được cấp bằng xuất sắc, vẫn tìm được chỗ làm tốt nhờ cơ chế mua bán xin cho. Điều đó tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình, làm mất động lực phấn đấu của học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, những người học thật thi thật. Cơ hội tìm kiếm bồi dưỡng nhân tài của quốc gia cũng mất dần. Chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm xuống dù Chính phủ có nhiều cơ chế thu hút nhân tài.

10h20

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Cử tri đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, hoặc có sự tiếp tay của cán bộ công quyền cho các dự án ma, dự án xây dựng đồ sộ, trái pháp luật ngang nhiên tồn tại trong thời gian quá?

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trách hiệm người đứng đầu nơi để xảy ra sai phạm ở địa phương.

9h55

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh): Nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam hưởng mức thuế suất 10%, bằng một nửa so với thuế suất phổ thông 20%. Việc trốn thuế của tập đoàn đa quốc gia cũng diễn ra khá phổ biến.

Các khoản thu ngoài ngân sách Nhà nước như quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ bảo trì đường bộ hay quỹ bảo vệ môi trường không được công khai. 

9h10

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Việc tưởng như rất tầm thường về công nghệ là thu phí BOT tự động vẫn trầy trật không thực hiện được, với những lý do mà người dân đều hiểu là câu giờ để kiếm lời.

Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng. 

Phải đến vụ cháy Rạng Đông chúng ta mới giật mình nhận ra chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư, được triển khai từ lâu, dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

duong-trung-quoc

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai).

9h

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM): GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ví dụ như vùng cần bảo vệ môi trường, vùng phên dậu đất nước thì đánh giá người lãnh đạo đó khác, không thể chạy theo GDP.

Nó sẽ dẫn đến chuyện chạy theo những con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra rồi làm những công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.

8h40

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM): Kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn. Trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khi cấp phép thu hút đầu tư nước ngoài cần ưu tiên yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ làm tiêu chí hàng đầu.

8h15

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (đoàn Tiền Giang): Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm, đối sách của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì, bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời giữ được môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an ninh xã hội để phát triển kinh tế, xã hội.

nguen trong nghia

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (đoàn Tiền Giang).

Vừa qua, trong dư luận, người dân có hiến kế cách này, cách khác. Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng, tâm huyết của nhân dân, đồng thời kiên trì, hết sức kế thừa truyền thống, văn hoá giữ nước của cha ông. Chúng ta kiên quyết, kiên trì theo tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Như Thủ tướng đã nói, những vấn đề độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Chúng ta phải có đối sách phù hợp. Đường lối quan điểm đó là đúng đắn.

Khi đất nước chưa có độc lập, khát vọng lớn nhất của chúng ta là đấu tranh, giành độc lập cho đất nước. Ngày nay, khát vọng lớn nhất của chúng ta là phải giữ vững được độc lập, chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Khát vọng đó là niềm tương đồng để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khát vọng đó đang đứng trước thời cơ lớn song đó cũng là quá trình liên tục, lâu dài, vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, gian khổ. Một trong những thách thức đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng ta phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phải kế thừa truyền thống, văn hoá giữ nước của cha ông, của Bác hồ và nâng cao lên tầm cao mới.

Chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Trong từng tình huống cụ thể, chúng ta phải có sách lược phù hợp. Phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế. Chúng ta phải sử dụng tổng hợp và gắn kết thế trận chặt chẽ giữa các lĩnh vực, kể cả chính trị, ngoại giao, lịch sử pháp lý.

8h

Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận. 

Hôm nay (31/10), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2, thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

66 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch sẽ giải trình trong phiên thảo luận này.

quochoi01 copy

 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV.

Hôm qua, 49 đại biểu tham gia thảo luận, 3 người nêu ý kiến tranh luận, hai Bộ trưởng giải trình là Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Tư pháp.

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn