Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn

Chính trịThứ Sáu, 06/11/2020 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Hôm nay (6/11), các thành viên Chính phủ sẽ bắt đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội kéo dài 2,5 ngày.

17h: Quốc hội kết thúc ngày đầu tiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn tiếp theo sẽ diễn ra vào sáng thứ 2 (9/11).

16h45: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn trong thời gian tới trong việc phòng, chống thiên tai.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai. Rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Thứ hai, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư trong giai đoạn đảm bảo mục tiêu đa mục tiêu, gắn phòng, chống thiên tai.

Thứ ba, xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp. Vấn đề này đã được chỉ đạo, được triển khai, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai như các công trình giao thông miền núi, các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là công trình thủy điện nhỏ. Yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế.

Thứ năm, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát, sửa chữa, cải tạo công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, đầu tư nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền đảm bảo tránh lũ an toàn.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong thời gian tới, Quốc hội cần bố trí cụ thể nguồn lực trong trung hạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện.

Thứ bảy, nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp Trung ương đến cơ sở. Kinh nghiệm tại Trà Leng là lựu lượng tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng.

Đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”.

Thứ tám, cần lồng ghép đầu tư công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương.

Thứ chín, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai. Yêu cầu kinh phí là rất lớn.

16h30: Tổng cộng, từ cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm. Đây là cách tính theo bảng hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

16h15: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) về hỗ trợ các hãng hàng không của Việt Nam bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19: Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp hàng không, xem xét hỗ trợ gồm 2 nhóm.

Bộ GTVT đã tăng cường chuyến bay giữa các sân bay trong nước, giảm giá một số giá dịch vụ tại sân bay, tạo điều kiện có phương án kinh doanh mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hàng không nội địa. Đến nay, hàng không nội địa đã phục hồi như thời điểm cuối năm 2019. Bộ GTVT và các bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp hàng không.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 2

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. 

Về thành lập các hãng hàng không tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết gần đây một số hãng đăng ký thành lập mới nhưng do dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và khi thị trường hàng không khôi phục hoàn toàn thì sẽ xem xét cho phép thành lập một số hãng mới.

16h: Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội về các công trình du lịch tâm linh: Theo quy định hiện hành thì không có khái niệm khu du lịch tâm linh, tuy nhiên, có thể hiểu là khu du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Thời gian qua, các địa phương đã thu hút các doanh nghiệp có các sản phẩm như vậy. Hiện nay, mới có 6 khu du lịch quốc gia.

Sáng nay, tôi đã báo cáo là các mô hình quản lý. Việc này hơi chậm, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ sớm ban hành mô hình quản lý.

Về công khai minh bạch, thì phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Theo trách nhiệm quản lý, chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện việc công khai minh bạch này.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 3

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

15h15: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ đã đạt tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube lên đến 90%, mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc. Bộ trưởng đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện các video xấu, độc thì báo đến đường dây nóng của bộ vá các sở TT&TT để phối hợp xử lý.

Thời gian tới, Bộ TT&TT đặt mục tiêu gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, phối hợp với Bộ VHTTDL ra hướng dẫn tiêu chí đánh giá video vi phạm thuần phong mỹ tục…

15h: Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về quan điểm có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ và giải pháp hạn chế hậu quả thiên tai.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết thủy điện không phải là nguyên nhân gây mất rừng, lũ lụt mà đây là cách con người ứng xử với rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, thói quen tiêu thụ đồ gỗ tự nhiên, động vật hoang dã…

Thời gian tới, Bộ T&MT sẽ cùng Bộ NN&PTNT rà soát từng mét đất rừng thiên thiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 4

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai)

14h55: Trả lời câu hỏi của đại biểu về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 5 năm cơ quan thi hành án đã thi hành 3,5 triệu vụ án, thu lại 200.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 54.000 tỷ đồng.

Những khó khăn khách quan hiện nay là nhiều vụ án được tuyên số tiền phải thi hành rất lớn nhưng nhưng thực tế lại không có hoặc tiền, tài sản nằm ở nhiều nơi, có nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hay Phan Sào Nam.

Về chủ quan, hệ thống thi hành án chưa có sự tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thành lập tổ công tác đi làm việc từng nơi, từng địa phương, chọn một số vụ án trọng tâm, trọng điểm để xử lý. Việc thu hồi tài sản là nhiệm vụ cả hệ thống chứ không riêng cơ quan thi hành án.

Đối với công tác theo dõi thi hành bản án hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay tỷ lệ còn thấp, không được như ý muốn do những vướng mắc trong Luật Tố tụng hành chính, cơ chế thi hành và trách nhiệm cơ quan theo dõi.

14h45: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Luật Đất đai 2013 với các quy trình thủ tục hết sức bài bản, nên dù còn tồn tại nhưng hiện các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai đã giảm 30-40% so với trước đây. Các vụ khiếu kiện đông người chủ yếu là liên quan tới Luật Đất đai giai đoạn trước.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 5

Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Còn vấn đề tranh chấp đất đai nông lâm trường, có nhiều nguyên nhân do cơ sở dữ liệu, tình trạng quản lý lỏng lẻo, lợi ích của nông trường viên…, chúng tôi đã xác định và từng bước xử lý thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu và sắp xếp lại các nông, lâm trường. Một vấn đề quan trọng khác là định giá đất đai bảo đảm khách quan, công bằng, thỏa đáng. Do đó, đề nghị đưa vào Luật Đất đai mới các vấn đề mới như cơ sở dữ liệu đất đai.

14h30:  Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm giết người có chiều hướng diễn biến phức tạp, đáng lưu ý, trong là các vụ án người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau cho thấy sự lo ngại về một số mặt xuống cấp đạo đức xã hội.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 6

Bộ trưởng Tô Lâm.

Để khắc phục tình trạng này chúng ta phải tiến hành nhiều giải pháp kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống, ý thức chấp hành luật pháp… để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến không chỉ kinh tế mà cả văn hóa xã hội trong quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần cùng với lực lượng công an tăng cường nắm tình hình, hòa giải ngay từ đầu mâu thuẫn trong nhân dân, ngăn ngừa các nguy cơ nảy sinh tội phạm.

14h20: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Minh Hiền về tôn chỉ, mục đích của báo chí: Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức, phải bám theo tôn chỉ, mục đích, phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Điều này cũng giúp báo chí viết chuyên sâu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, được luật định. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng, Bộ trưởng khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí.

Về việc “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, tình trạng này đã xảy ra, đỉnh cao là năm 2017 mỗi tuần có hàng chục vụ được phát hiện, đây là việc sai trái. Năm 2018, Bộ đã có công cụ nhận diện các bài viết sáng đăng, chiều gỡ, hiện nay việc này đã giảm hẳn.

Về tin sai, tin giả, Bộ trưởng cho biết đây là vấn nạn toàn cầu. Bộ xác định làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý (trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tin giả). Bộ đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ. Từ đầu năm tới nay, Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả.

Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và định danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không nghĩ rằng vô danh nên vô trách nhiệm; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế. Bộ cũng đề nghị Quốc hội sửa hình thức xử phạt vi phạm từ mức tuyệt đối thành mức xử phạt theo doanh thu...

14h: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11.

Ngay sau Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã tích cực triển khai thực hiện. Còn về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hiện đã dự thảo xong, nhưng còn một dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật An ninh mạng chưa ban hành được do một số vấn đề đối ngoại, cân đối với một số quy định của luật pháp quốc tế.

Về thông tin công an cơ sở nhận tiền của người dân kinh doanh, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định nếu có thì hết sức hãn hữu. Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che trường hợp nào, như quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh với lực lượng Công an, “danh dự là điều quan trọng nhất”.

Cùng với đó, cán bộ vi phạm thì cũng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ trưởng cũng đề nghị cử tri, nhân dân nếu phát hiện vị phạm thì thông báo để lực lượng Công an kịp thời xử lý.

11h30: Quốc hội kết thúc phiên làm việc sáng 6/11. Đại biểu tiếp tục chất vấn từ 14h chiều nay. 

11h10: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, để nghiên cứu vaccine bình thường mất 5 đến 10 năm. Với COVID-19, hiện có trên 150 ứng viên vaccine, trong đó chia ra tiền lâm sàng và lâm sàng. 

Ở trong nước, nhanh nhất cuối năm 2021, đầu 2022 mới sản xuất được vaccine. Còn mua vaccine trên thế giới thì tương đối khó khăn. Việt Nam vẫn đang làm việc với các đối tác Trung Quốc, Nga để mua vaccine COVID-19.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các đại biểu Quốc hội không thể chủ quan khi 24 giờ qua thế giới ghi nhận nửa triệu ca nhiễm. Việt Nam vẫn yên bình như hôm nay thì phải chúng sống an toàn với dịch bệnh, đầu tiên là bệnh viện, trường học rồi đến tất cả các cơ sở lưu trú, phương tiên giao thông, siêu thị, chợ, nhà máy, công sở… Tới đây, tất cả chúng ta đều phải tự chống dịch, đến tận từng người dân.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

11h: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về quy định mô hình khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh và di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, hiện vẫn chưa thống nhất. Đại biểu cũng đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển các mạng xã hội nội địa của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 nghị định, Bộ ban hành 2 thông tư hướng dẫn Luật Du lịch. Về mô hình quản lý khu du lịch, nội dung này chưa hoàn thành. Mô hình gắn với công tác quản lý và tổ chức bộ máy, tổ chức bộ máy không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Đây là chỗ rất khó mà trong quá trình Bộ nghiên cứu, tham mưu, vừa rồi chúng tôi đã tổ chức các hội nghị hội thảo về các mô hình này, nơi thì là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thuộc huyện, thuộc Sở VHTTDL… Theo tôi, Bộ trưởng Nội vụ rõ hơn về vấn đề này; nhưng thực tế tùy thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu và sớm nhất đầu năm sau sẽ có hướng dẫn và đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp giải quyết.

10h50: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Luật quy định rõ hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường. Các chức danh lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng phải do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền - ở trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận hoặc phê chuẩn.

"Như vậy, nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật.

Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc thù vì Hội đồng trường của đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ. Việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chậm trễ do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cho nên đến thời điểm Ban Giám hiệu của trường Tôn Đức Thắng gồm cả hiệu trưởng, nhận kỷ luật Đảng thì Trường Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Do những lý do trên, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc, trực tiếp lập đoàn công tác do một Thứ trưởng vào làm việc trực tiếp, làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. Trước hết, cơ quan chức năng cần thành lập lại Hội đồng trường theo đúng luật. 

Hiện đoàn công tác cũng đang làm báo cáo, chuyển cấp trên trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tái khẳng định, Trường đại học Tôn Đức Thắng là mô hình tốt.

"Có được trường như hôm nay là điểm sáng của giáo dục đại học, tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, của chính quyền TP.HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ giáo viên, ban lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng gồm hiệu trưởng. Đó là việc rất đáng trân trọng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Đồng thời, việc xử lý cán bộ phải theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức và theo thông lệ. Ở đây là xử lý cán bộ thì kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật Đảng.

10h45: Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Tháng 4/2019 Thủ tướng ký Quy hoạch báo chí. Tháng 6/2019 Bộ TT&TT có kế hoạch triển khai. Tháng 8/2019, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với từng cơ quan báo chí.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 8

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Đến thời điểm này, có 33/33 tổ chức hội ở Trung ương phải quy hoạch thì đã làm xong; có 13 bộ ngành triển khai quy hoạch đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án; có 31 địa phương thực hiện quy hoạch thì còn 1 địa phương đang hoàn thiện.

Đến hết năm nay Quy hoạch báo chí sẽ thực hiện xong, sau đó chúng ta sẽ thực hiện tiếp công tác phát triển báo chí, xây dựng các đơn vị báo chí chủ lực, hỗ trợ đặt hàng báo chí…

10h35: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí: Không phải hành vi nào vi phạm về môi trường cũng truy cứu trách nhệm hình sự. Có những hành vi chúng ta quy định xử lý hành chính mà vẫn vi phạm tiếp thì mới xử lý hình sự, hoặc đã xử lý hình sự cá nhân thì có xử lý tiếp pháp nhân hay không.

Đây là vấn đề mới nên chúng ta cần xem xét tính khả thi của các điều luật. Thực tế hiện nay cán bộ xử lý vấn đề này đang gặp lúng túng cần có hướng dẫn của các cấp quy định rõ tình tiết, chi tiết cụ thể để không có oan sai hay để lọt.

10h20: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Về nguyên nhân, những tồn tại hạn chế trong quản lý, phát triển rừng có nguyên nhân lịch sử, nhưng cũng có trách nhiệm quản lý. Việc theo dõi trên Google Map của đại biểu là hoàn toàn chính xác, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam thấp hơn Lào và Campuchia.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 9

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Về giải pháp, với rừng tự nhiên, bất kỳ diện tích nào cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Làm thế nào người tham gia quản lý rừng tự nhiên được tăng cường để rừng phục hồi nhanh hơn. Trên các khu vực trọng yếu, có các chương trình riêng để phục hồi nhanh rừng cho các khu vực này, Chính phủ đã có các chương trình cho Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng ven biển. Giải quyết vấn đề di dân tự do, Chính phủ, Thủ tướng đã có giải pháp với 5 tỉnh Tây Nguyên.

Về rừng trồng, hiện chủ yếu là keo, sinh khối tăng nhanh nhưng độ che phủ và độ chống chịu thiên tai còn kém, nên phải thay bằng cây gỗ lớn, cây bản địa. Tăng nhanh rừng quản trị FSC, cố gắng trong 4,3 triệu rừng trồng nâng lên 1 triệu ha FSC. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, kiên quyết, chế tài mạnh, kể cả xử lý hình sự với các vi phạm về rừng, làm tích cực hơn nữa. Con số xâm hại rừng tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều.

10h10: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chi phí xây dựng chương trình, SGK đến nay Bộ GD&ĐT không sử dụng khoản ODA của Ngân hàng Thế giới (hơn 16 triệu USD) dùng để biên soạn SGK theo Nghị quyết 122 của Quốc hội như kế hoạch ban đầu.

Thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, trừ trường hợp không có bộ sách nào thì Bộ sẽ tổ chức biên soạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Đối với xây dựng chương trình giáo dục mới thì đã chi tiêu khoảng 12 triệu USD.

Sau khi rà soát loại trừ những hoạt đọng, chi phí không thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 10

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

10h: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tạo:

Yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, Chính phủ, Thủ tướng có chương trình riêng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội.

Với địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội. Với sự cố gắng rất cao của các địa phương, đã xây dựng 5, 2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp và 2,3 triệu m2 cho công nhân. Kết quả đạt được rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu, mới giải quyết 41,5% yêu cầu.

Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật, theo quy định cần dành 9 nghìn tỷ nhưng nay mới được 4 nghìn tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo và nhiều giải pháp đang thực hiện. Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…

Chúng tôi thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ: Rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm.

9h30: Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam có bị chậm so với các nước không và hiệu quả đầu tư?

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết kinh phí sử dụng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiền (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại sao chất lượng rừng của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác, nguyên nhân là gì?

Câu hỏi dành cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về lý do tại sao chưa có pháp nhân nào bị truy cứu trách nhiệm trong các vụ việc vi phạm về môi trường?

8h45: Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trong thời gian qua, nhiều vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Công tác phòng, chống oan sai trong hoạt động điều tra hình sự được quan tâm.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự; số vụ phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng; tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm chống người thi hành công vụ tăng; công tác quản lý người nghiện ma túy còn bất cập.

8h30: Lãnh đạo Chính phủ cho biết việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên GĐ 2 và Dự án Thép Việt Trung. 

Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng; Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng và an toàn.

8h: Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 11

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Trước khi chất vấn, các đại biểu sẽ nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trực tiếp: Phó Thủ tướng trả lời chất vấn  - 12

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan. 

Quốc hội không chọn nhóm vấn đề và tập trung chất vấn 4 thành viên Chính phủ như thường lệ, thay vào đó là chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn