Thiếu giáo viên dạy môn học tích hợp chương trình giáo dục phổ thông mới

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 27/04/2021 19:00:00 +07:00
(VTC News) -

Báo điện tử VTC News tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nhu cầu nguồn nhân lực dạy môn học tích hợp chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ở bậc trung học cơ sở, các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học là riêng biệt. Nhưng từ năm học 2021- 2022, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo chuẩn khung chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc tích hợp 5 môn học đòi hỏi giáo viên cần tăng cường tham gia bồi dưỡng, tập huấn để đáp ứng được yêu cầu thực tế triển khai của chương trình. Tuy nhiên, đó chỉ được coi là giải pháp tình thế, vì hầu hết các giáo viên hiện vẫn quen với việc dạy học đơn môn. Về lâu dài, các trường cần một lượng lớn thế hệ các giáo viên được đào tạo bài bản về việc dạy các môn học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới.

Chuyển dạy tích hợp có khó khăn?

PGS Mai Văn Hưng – trưởng bộ môn Sư phạm Khoa học tự nhiên thuộc Khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục cho biết, khái niệm môn học tích hợp là tích hợp các môn như Vật lý, Hóa học và Sinh học, nội hàm của nó là kiến thức của các môn đó. 

Khi tích hợp, một giáo viên được đào tạo đơn phải dạy kiến thức của 3 lĩnh vực nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy phải có chuẩn bị lực lượng giáo viên với những giáo viên cũ đơn môn phải có sự bồi dưỡng liên tục.

Mặc dù chúng ta được đào tạo đơn môn, nhưng trong trường học các sinh viên đều học các kiến thức đại cương của các môn liên quan vì thế chuyển sang tích hợp không quá khó khăn. Khi chúng ta có chương trình bồi dưỡng tốt các giáo viên đơn môn chuyển sang đa môn rất thuận lợi. Chúng tôi đang thực hiện những chương trình bồi dưỡng cho giáo viên địa phương để thích ứng việc đa môn.

Thiếu giáo viên dạy môn học tích hợp chương trình giáo dục phổ thông mới - 1

Tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh – Phó chủ nhiệm bộ môn Sư phạm Ngữ văn và Khoa học xã hội cho rằng, việc dạy học tích hợp thiết lập được các mối quan hệ logic trong học tập. Cái hay trong dạy học tích hợp mà lược bỏ những lượng kiến thức không cần thiết, tăng kiến thức cần thiết trong cuộc sống.

Tuy nhiên, ban đầu giáo viên gặp nhiều khó khăn. Giáo viên cũng chưa được trang bị kiến thức liên môn bài bản. Như môn Lịch sử, Địa lý chẳng hạn, trước đây họ chỉ dạy đơn môn nhưng bây giờ phải tích hợp các môn. Cái khó nhất là nội dung dạy học và năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục, và giáo viên cần thời gian để tổ chức các hoạt động như vậy.

Bên cạnh đó còn khó khăn nữa là hiện nay một tiết học ở lớp chỉ khoảng 45 phút, nên giáo viên cũng băn khoăn thời gian dạy đa môn là tương đối ít.

Khẩn trương đào tạo nhân lực

Theo PGS.TS Phạm Văn Thuần, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục, quá trình triển khai việc tích hợp sẽ gặp khó khăn khi giáo viên đang được đào tạo đơn môn. Để triển khai lộ trình dạy học các môn tích hợp thì phải chuẩn bị đội ngũ.

Như vậy nhiệm vụ đầu tiên là phải khẩn trương đào tạo bồi dưỡng để đội ngũ dạy học đơn môn hiện nay nhanh chóng chuyển đổi để dạy học tích hợp. Hiện nay thời gian dành cho bồi dưỡng chưa được nhiều.

Vừa rồi Bộ GD&ĐT cũng triển khai nhiều lớp bồi dưỡng để liên thông các cấp học. Khi triển khai sẽ có một số nội dung chung của các môn học. Nhưng cũng có một số nội dung có thể trọn gói để thầy cô có thể giảng dạy trong một môn học. Tuy nhiên về lâu dài chúng ta phải tổ chức đào tạo đội ngũ mới bắt đầu từ trung học phổ thông. Tiếp theo cần phải chuyển đổi từ đội ngũ giáo viên đào tạo đơn môn.

Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo đầu ngành của Hà Nội, được đánh giá thứ hạng rất cao. Trường ra đời xuất phát từ khoa Sư phạm của Đại học Quốc gia Hà Nội trước đây. Trường Đại học Giáo dục với chuyên ngành đào tạo 2 mảng chính là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Với chuyên ngành như vậy, trường tuyển sinh theo 5 phương thức đó là: Tuyển thẳng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (10-15%), theo trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuẩn quốc tế, kết quả tuyển sinh năm 2021, sử dụng kết quả đánh giá năng lực. Môn học tích hợp tại trường hai ngành chính là cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên và cử nhân Sư phạm địa lý. Đến nay, việc tuyển sinh được nhiều thí sinh hưởng ứng. Trường luôn tiên phong trong những mã ngành đào tạo mới.

Từ thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng tập huấn chỉ diễn ra trong vài tuần và tháng là chưa đủ để các giáo viên chuyển từ dạy học đơn môn sang tích hợp, đặt biệt là với lớp 2 và lớp 6 tới đây.

Cũng theo PGS TS Phạm Văn Thuần, để triển khai đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp liên môn phải theo 3 con đường chính: Đào tạo từ đầu, Đào tạo liên thông và Bồi dưỡng chứng chỉ. Trong đó, đào tạo theo hình thức liên thông có 2 hình thức, liên thông cử nhân cao đẳng lên đại học.

Trước đây các địa phương sẽ cử giáo viên có trình độ cao đẳng về vật lý, sinh học… học liên thông để tiếp cận cử nhân khoa học tự nhiên. Hiện trường có kết cấu cho chương trình này. Về bồi dưỡng cấp chứng chỉ, hiện Đại học Giáo dục đã có bồi dưỡng cấp chứng chỉ đề bồi dưỡng các nội dung về các chương trình dạy học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tích hợp các môn.

Cơ hội việc làm

Tiến sĩ Trần Xuân Quang - Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giáo dục dẫn một thống kê của Bộ là cả nước đang thiếu đến 88.000 giáo viên, đặc biệt cấp THPT còn thiếu 10.000 giáo viên. Do vậy nguồn giáo viên dạy học các môn tích hợp đang thiếu. Vì thế sinh viên có nhiều cơ hội được làm việc ở các trường THPT, THCS trên cả nước. Ngoài ra xu hướng trọng tâm của Đại học Giáo dục là các em có cơ hội lớn làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, công tác trong lĩnh vực báo chí, văn hóa. Do vậy đây là cơ hội lớn cho sinh viên của Đại học giáo dục.

Nâng cao năng lực giáo viên dạy tích hợp

TS. Đoàn Nguyệt Linh thông tin, có rất nhiều phương pháp để nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên. Tiến sĩ Linh nhấn mạnh ba ý chính. Thứ nhất đó là chú trọng dạy cách học chứ không dạy kiến thức. Nghĩa là các hoạt động học tập rèn luyện trong trường đại học sẽ chú trọng rèn luyện cho sinh viên gắn kết chặt chẽ giữa kiến thức với thực tiễn cuộc sống. Một loạt các hoạt động chủ đề sẽ được xây dựng để giúp cho các em có thể hoà mình vào môi trường phổ thông.

Hiện Đại học Giáo dục có gửi sinh viên về các trường phổ thông vệ tinh từ những năm thứ 2 đến năm thứ 4 để các em có thể quan sát, rèn nghề trong môi trường thực tiễn đó. Tiếp theo, trường cũng sẽ có hệ thống nguồn học liệu. Từ đây, sinh viên sẽ có những tương tác trong môi trường học liệu đó cả về học liệu thực, học liệu số hay thậm chí là môi trường trí tuệ nhân tạo giúp các em học tập và tương tác tốt.

Thứ hai, cần phải chú trọng vào môi trường học tập đa phương tiện, trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng thực tiễn nghề nghiệp. Tức là hầu như nhóm sinh viên nào cũng sẽ có thêm các giáo viên trường THPT hướng dẫn.

Cuối cùng, tổ chức các hoạt động sư phạm theo kiểu làm mẫu. Đại học Giáo dục có những phòng thực hành dạy học hay những phòng video để các em có thể dạy hay quay video lại sau đó về xem lại, nhìn lại xem mình cần phải chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra các em có thể dự giờ của các giáo viên phổ thông để từ thực tiễn đó các em có thể bắt chước và phát triển sáng tạo theo cách dạy của mình. Thậm chí, các em có thể làm mẫu, nghĩa là các em sinh viên có thể tự đứng lên làm mẫu để dự giờ của nhau trong quá trình dạy học tích hợp.

Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng phát triển sinh viên được rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo rất sớm để các em sinh viên có thể hoà mình trong môi trường sư phạm và có thể theo được mạch để trở thành người giáo viên trong tương lai.

Khác biệt dạy đơn môn và đa môn

PGS. Mai Văn Hưng khẳng định dạy môn tích hợp thì phải khác dạy đơn môn. Khi chúng ta có môn học mới thì phải có giáo viên mới được đào tạo bài bản, chính quy.

Ở đơn môn, ĐH Giáo dục đang đào tạo chủ yếu là các kiến thức đại cương trên cơ sở kiến thức của một ngành đi sâu để các em sau khi tốt nghiệp có thể dạy được ở bậc Trung học Phổ thông cũng như trở thành các nhà nghiên cứu.

Về môn tích hợp, cụ thể là môn tự nhiên, ngoại trừ các môn chung mà tất cả các ngành học đào tạo trường có bậc 1 là đào tạo đại cương về các môn Khoa học tự nhiên  như Toán, Lý, Hoá, Sinh và một phần của Địa Lý. Đó là đại cương chung của các môn.

Tầng thứ 2 là đại cương của tất cả các môn về Khoa học tự nhiên như Vật Lý, Hoá Học, và Sinh học. Trên cơ sở các môn đại cương trên, nhà trường xây dựng học phần riêng cho từng môn. Ví dụ như học phần riêng cho môn Sinh học, Hoá Học hay Vật lý. Với cách tiếp cận hình chóp như trên các sinh viên sau khi ra trường sẽ đảm bảo dạy được các môn tích hợp.

Chúng tôi cho rằng với cách tiếp cận này, các giáo viên sẽ đảm bảo được chất lượng tốt về kiến thức. Bên cạnh đó, trường Đại học Giáo dục cũng có những môn học về phương pháp tích hợp, dạy về phương pháp dạy tích hợp, các chương trình tích hợp. Có thể thấy rằng, nhà trường đã xây dựng được chương trình tiếp cận về môn học tích hợp khá bài bản và cũng là 1 trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng chương trình này. Tiến tới, nhà trường cũng sẽ xây dựng một hệ thống giúp đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp hiệu quả nhất. Đó là sự độc đáo, đặc sắc trong chương trình đào tạo của trường Đại học Giáo dục.

Dạy tích hợp là một trong những yêu cầu, thành tố quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục và phương pháp giảng dạy. Từ đó, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực dạy tích hợp cho giáo viên trở thành đòi hỏi cấp thiết để thực hiện thành công đổi mới chương trình, sách giáo khoa, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Toạ đàm trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia đến từ trường Đại học Giáo dục, gồm: Phó giáo sư Phạm Văn Thuần, Phó hiệu trưởng nhà trường; tiến sĩ Trần Xuân Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo; phó giáo sư Mai Văn Hưng, Trưởng bộ môn Khoa học tự nhiên thuộc khoa Sư phạm và tiến sĩ Đoàn Nguyệt Linh, Phó chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp