Trông xe "chém", cờ bạc "núp" lễ hội Gò Đống Đa

Tổng hợpThứ Năm, 18/02/2010 08:08:00 +07:00

(VTC News) - Phí trông xe cao ngất ngưởng, cờ bạc núp bóng những thú chơi lành mạnh là vấn đề còn tồn tại ở các lễ hội đầu xuân...

(VTC News) - Phí trông xe cao ngất ngưởng, cờ bạc núp bóng những thú chơi lành mạnh là vấn đề còn tồn tại bên cạnh những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc trong các lễ hội đầu xuân. Điển hình trong hôm nay (mùng 5) là Lễ hội Gò Đống Đa, Hà Nội.

Gửi xe: 10.000 đồng/chiếc!

Mùng 5 Tết, các điểm trông xe tự phát quanh khu vực lễ hội gò Đống Đa đều phát giá chung là 10.000 đồng/xe và vẫn không thấy vai trò của lực lượng chức năng trong công tác xử lý việc thu phí trái quy định này.

Một bãi gửi xe cho du khách vào lễ hội gò Đống Đa. 

Theo quan sát của phóng viên, có ít nhất 3 bãi trông xe tự phát với quy mô khá lớn (mỗi bài hàng trăm xe) vây quanh hai cổng vào khu vực lễ hội là đường Đặng Tiến Đông và đường Tây Sơn. Bên khu đối diện tại cổng trường đại học Thủy Lợi cũng có khoảng 2 bãi xe do người dân tự lập ra với phí thu tương đương. Tính trung bình, cứ nhận trông 1.000 chiếc xe máy, tổng số tiền mà họ thu được sẽ là 10 triệu đồng (chênh lệch 8 triệu đồng so với quy định của TP Hà Nội).

Cờ bạc ăn tiền núp bóng môn "cờ thế". 

Xen lẫn những nét văn hóa truyền thống như tái hiện lại đội quân thần tốc của vua Quang Trung khi đại phá quân Thanh, dâng lễ thành kính đối với bậc tiền nhân, múa võ và đánh cờ người... còn có cả trò cờ bạc núp bóng trò chơi “cờ thế”. Không khó để nhận ra những người đàn ông "kì chủ" (người chủ bàn cờ) là ai, họ ngồi ở một góc nào đó trong khu vực sân, bày ra khoảng 5 bàn cờ với các thế đã được xếp sẵn. 

Người chơi sẽ nhìn vào dòng chữ “quân đỏ đi trước, không hoãn, không cù nhầy” trước khi quyết định vào cuộc. Một lần thua trong ván cờ thế sẽ mất 50.000 đồng, tuy nhiên người chơi có thể thỏa thuận với người chủ của thế cờ tiền cược thấp hơn, nhưng thấp dưới 20.000 đồng chủ cờ sẽ không nhận. Vì là "cờ thế" nên phần thua gần như 100% sẽ thuộc về người chơi.

Quà quê vẫn hút người mua

Những món quà quê đã trở nên hiếm ở nơi thị thành cũng đã xuất hiện và thu hút khá nhiều khách mua hàng.

Anh Đặng Văn Hưởng (Phú xuyên – Hà Nội) làm nghề nặn tò he chia sẻ: “Vào ngày lễ như thế này một ngày cũng bán được trên 1 triệu tiền tò he”. Những con tò he mà anh nặn chủ yếu là 12 con giáp, bông hoa, siêu nhân với giá từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/con tùy kích cỡ.

Năm nay là năm Canh Dần nên con vật mà nhiều người yêu cầu anh nặn nhất là con hổ. Anh Hưởng cho biết, sau khi lễ hội gò Đống Đa kết thúc, ngày mùng 6 anh sẽ bán hàng tại lễ hội Cổ Loa. "Mình đi bán tò he từ nhỏ, ngày lễ là ngày bán được nhiều nhất rồi nên ngày bao nhiêu có hội là mình đều nhớ hết".

Anh Đặng Văn Hưởng (28 tuổi) đang nặn tò he bán cho các em nhỏ. 

Không chỉ có tò he, những người bán sáo và bán tiêu cũng tranh thủ mang hàng ra bán, một cây tiêu (giống như sáo, một đầu được vát chéo và chặn lỗ để tạo âm thanh) có giá 5.000 đồng, nếu mua cả 3 cây tiêu thì có thể mặc cả 10.000 đồng/3 cây.

Kí họa chân dung không phải là một món “quà quê” nhưng cũng là một dịch vụ mộc mạc trong các chợ đêm sinh viên, chợ đêm phố cổ với giá chỉ 15.000 đồng – 20.000 đồng/bức chân dung. Tuy nhiên, muốn kí họa chân dung tại lễ hội bạn sẽ phải trả 50.000 đồng/bức.

Bài, ảnh: Cường Cao

Bình luận
vtcnews.vn