Trọng Tấn lý giải vì sao nhanh ổn định kinh tế

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 27/11/2010 07:13:00 +07:00

(VTC News) – “Về mặt kinh tế, tôi cũng không chỉ sống bằng nghề hát, không chỉ đi hát, đi dạy” – Trọng Tấn chia sẻ.

(VTC News) – “Kết quả của ngày hôm nay là do hơn 10 năm lao động với sự cố gắng hết sức, bận rộn, đi diễn chạy show khắp nơi. Về mặt kinh tế, tôi cũng không chỉ sống bằng nghề hát, không chỉ đi hát, đi dạy” – Trọng Tấn chia sẻ.

- Hai em trai anh, cũng theo nghề thanh nhạc, cũng đã đi hát song ca, top ca nhưng giờ không thấy xuất hiện nữa. Họ từ bỏ nghề hát sao?

- Hai cậu ấy cũng học thanh nhạc đến năm thứ hai đại học thanh nhạc (tức là đã học được 5 năm) thì bảo lưu kết quả. Thực ra, thanh nhạc hay nghệ thuật không phải cứ học là thành công. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Hiện tại, một cậu đi theo con đường phòng thu, thiên về kỹ thuật và cũng yêu thích công việc này. Như vậy cũng tốt, ở nhà cũng có phòng thu nên thỉnh thoảng có hỗ trợ công việc được cho tôi. Một cậu thì rất thích phối khí. Sang năm sẽ cho thi lại đại học vào khoa sáng tác. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.

Ca sĩ Trọng Tấn đổi mới với hình ảnh lãng tử hơn trong album Mong về Hà Nội mới ra mắt. 

- Anh đã có nghề trong lĩnh vực thanh nhạc, đã là thầy, anh có định hướng con đường nghệ thuật của các em mình không?

- Thực tế mà nói, sự phát triển về ca hát của các cậu ấy không nhiều. Yếu tố bản năng cũng ít. Ban đầu, quả là cũng định hướng sẽ theo đuổi nghề hát. Tuy nhiên, năm đầu tiên theo học đòi hỏi ít hơn nhưng những năm sau thì không như vậy nữa. Và các cậu ấy bộc lộ những hạn chế của mình. Nếu không có những chuyển biến thì nên dừng lại. Như vậy sẽ không mất thời gian và công sức.

- Thời gian đi hát, nghe nói, họ còn lấy cả họ khác anh?

- Chắc ở một cuộc nào đấy thôi. Bình thường thì không có như vậy đâu. Hồi trước các cậu ấy vẫn hay đi hát song ca và tốp ca thôi.

- Còn anh, một trong những thành công là sự kết hợp với Đăng Dương, Việt Hoàn. Nhưng gần đây, không thấy các anh diễn chung nữa. Người ta nói có sự soán ngôi của bộ ba mới là nhóm Lê Anh Dũng, Ngọc Ký, Xuân Hảo?

- Tôi thì vẫn diễn chung với mọi người và các em. Có lúc còn đảo nhau để diễn. Thực ra, chúng tôi là sự kết hợp trong những dịp nhất định chứ cũng chẳng phải nhóm nhạc. Chỉ trong những dịp đại lễ nào đó mới hát cùng nhau. Hát những bài hát quen thuộc đôi khi thấy nhàm chán.

- Nếu dấn thân cùng nhau thì cũng có những điều hay và dễ thành công mà?

- Ngày xưa khi mới bắt đầu kết hợp và có một vài thành công, chúng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện gắn kết nhiều hơn. Thế nhưng để đầu tư cho một tam ca classic như thế giới vẫn làm theo kiểu ILDIVO thì đứng đằng sau cần có một công ty và phải toàn tâm, toàn ý với nó, không còn chỗ đứng cho đơn ca nữa và phải có sự đầu tư tốt. Tam ca hát nhạc truyền thống và classic mà suốt ngày vác đĩa ra hát thì cũng kỳ. Nếu có một dàn nhạc Tây, vị thế của âm nhạc như thế nó lên rất nhiều.

- Là thầy, đối với anh điều gì là quan trọng?

- Trên lớp, tôi tận tình với học sinh và là một trong những thầy cô về muộn nhất trường. Những năm đầu tiên đi dạy thì hơi hoang mang, vừa mới là học sinh xong, ra làm thầy thì hơi khó khăn. Giờ thấy mọi thứ ổn hơn nhiều, bị dạy nhiều. Tôi tạo ra cho học sinh những sự thoải mái, nhưng nghiêm túc trong ý thức và không cà chớn. Tôi nghĩ, tạo được không khí thoải mái sẽ giúp sinh viên có hứng thú, say mê với những bài học.

- Người ta, đôi lúc sợ sinh viên vượt qua mặt mình, thành công hơn mình. Dù là suy nghĩ thoảng qua, có khi nào anh rơi vào cảm giác như vậy?

- Có thể ở ai đó thì không biết nhưng tôi luôn mong học sinh hơn mình. Dạy cả học kỳ, bao nhiêu công sức, học sinh lên hát 2 bài thi thôi cũng khiến mình thấy tức ngực, run hơn là khi mình đứng hát. Tôi luôn mong sinh viên của mình tiến bộ. Mỗi khi dạy xong thường thì, tôi ngồi lại dốc bầu tâm sự rất nhiều về nghề với học trò của mình. Như vậy, đủ thấy tôi không có cái gì phải giấu học sinh. Theo tôi, làm sao để mở rộng cảm nhận về ca khúc cho sinh viên cũng rất quan trọng chứ không chỉ luyện thanh để có giọng hát tốt. Có điều làm đến đâu mà thôi.

- Anh vẫn là ca sĩ nhạc đỏ chạy show mệt nghỉ. Giờ tốc độ chạy show của anh có giảm đi?

- Có ngày, tôi đã từng chạy 8, 9 show nhưng đó là ngày xưa rồi. Giờ thì không dám nhận nữa. Giờ mọi cái ổn hơn, không quá phải lao vào như thế. Giờ sức khỏe cũng không đáp ứng được điều ấy.

- Ổn hơn, ít show ơn nhưng "hét" cát-xê để bằng chính số tiền 8, 9 show ấy chứ?

- Nó phải còn phụ thuộc vào thị trường, thời điểm. Phải biết lựa theo nó, phải biết mình đang đứng ở đâu và làm thế nào để hợp lý. Dòng chính thống thì chỉ sống tốt ở miền Bắc, miền Nam thì khó khăn hơn.

- Sau sự kết hợp với Thanh Lam có vẻ không thực sự thành công, anh tính chuyện kết hợp với ai nữa không?

- Cái đó thì chưa biết được. Nếu cảm thấy hứng thú và có khả năng đem lại thành công thì sẽ làm thôi.

 
- Thế còn dự án làm chung với nhạc sĩ Dương Thụ thì sao?

- Chú Thụ là người làm âm nhạc không vội vã và chăm chút từng chút một. Lúc nào vui, thực sự hứng thú, chú ấy mới làm nhạc. Người như chú Thụ, không thể và không nên giục giã.

- Anh giờ đã có nhà to, đẹp, kinh tế dư dả. Nghề hát cho anh cũng nhiều đấy chứ?

- Kết quả của ngày hôm nay là do hơn 10 năm lao động với sự cố gắng hết sức, bận rộn, đi diễn chạy show khắp nơi. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình, được sống bằng nghề. Ai cũng mong cuộc sống tốt hơn nhưng giàu hay nghèo là do mình. Về mặt kinh tế, tôi cũng không chỉ sống bằng nghề hát, không chỉ đi hát, đi dạy. Tôi nghĩ năng động vẫn có đất sống, có nhiều cơ hội. Quan niệm về việc tôi hát dòng nhạc sang hay gì đó chỉ là một phần thôi.

- Có thông tin rằng bà xã nhà anh, hiện tại là quản lý cho anh luôn. Như thế tiện quá?

- Không, bà xã tôi chỉ giúp đỡ nhất định về công việc thôi chứ không phải là người quản lý. Tôi vẫn là người làm việc trực tiếp các công việc của mình. Mấy năm nay, bà xã nghỉ làm ở nhà. Nhưng giờ đi làm lại rồi. Trong giai đoạn các con còn nhỏ thì sự hy sinh của mẹ là cần thiết nếu bố vẫn gánh vác được. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần có một công việc, không thể sống nhàm chán mãi. Trước đây, vợ tôi dạy ở trường đào tạo nghề của Bộ Giao thông Vận tải. Giờ chuyển sang dạy tiếng Anh tại Nhạc viện Hà Nội.

- Bận rộn, anh có dành nhiều thời gian để bên cạnh con, chăm con học không?

- Có chứ, mỗi ngày vẫn phải dành thời gian để bên cạnh con mình, dạy con học. Việc đồng hành cùng con cái khiến cho tất cả các ông bố, bà mẹ hạnh phúc. Tôi nghĩ, với ai, dù bận rộn, vất vả, đều có thể tìm thấy niềm vui, hạnh phúc bên con cái mình.

- Xin cảm ơn anh!

Gia Vũ (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn