Trọng Tấn: Đừng gắn mác cuộc thi cho The Voice, Idol

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 17/05/2013 07:42:00 +07:00

(VTC News) - "Nếu giải thưởng mà do công chúng bình chọn như Idol hay The Voice thì chỉ là cuộc chơi thôi, đừng gắn mác cuộc thi hát" - Trọng Tấn chia sẻ.

(VTC News) - "Nếu giải thưởng mà do công chúng bình chọn như Idol hay The Voice thì chỉ là cuộc chơi thôi, đừng gắn mác cuộc thi hát" - Ca sĩ Trọng Tấn bày tỏ quan điểm.

Mong có được một gia đình âm nhạc

- Gần đây, bên cạnh thính phòng, anh thể hiện cả nhạc nhẹ. Album mới nhất là Ánh mắt quê hương thuộc
nhạc quê hương lại làm cùng hai em trai Trọng Bình và Trọng Phương, sự đa dạng này, nói lên điều gì?

Công chúng biết đến và yêu mến tôi ở thể loại thính phòng, nhạc đỏ. Tôi nghĩ, mình có chỗ đứng cũng từ thể loại này. Tuy nhiên, với một ca sĩ được đào tạo bài bản thì không phải chỉ để hát cổ điển.

Với tôi, những bản pop của Thanh Tùng trong album Ngõ vắng xôn xao đã yêu thích từ những năm 90, ôm guitar hát, trước khi đi học thanh nhạc, nhạc dân gian cũng vậy. Tất cả những thứ đó thấm vào mình, thỉnh thoảng hát chơi và không bao giờ quên được.

Tôi có phòng thu ở nhà, hai cậu em thì đã trưởng thành hơn trong việc thu âm, phối khí và có tầm sư học đạo nhiều người nên có những tiến bộ.

Tôi giao sản phẩm cho em thực hiện giống như một sự thử thách. Tôi nghĩ, cứ giao cho em làm, nếu không tốt còn có phương án 2, nhờ các nhạc sĩ khác. Nếu làm được thì tốt quá, anh em gần gũi dễ trao đổi.

Phương đã làm tốt công việc phối khí cùng với sự chắt lọc, chỉnh sửa. Tôi muốn Phương gắn với anh bằng một sản phẩm cụ thể. Rõ ràng, tôi phải ưu ái em mình. Tôi là anh, phải cho cậu ấy có cơ hội thử nghiệm. Sẽ tuyệt vời nếu có một gia đình âm nhạc.

Trọng Tấn
Ca sĩ Trọng Tấn 
- Giao cho em trai, có lúc nào anh nghĩ về sự rủi ro?

Có, thực tế là như vậy. Về cảm quan, tôi nghĩ, sản phẩm này không tệ. Sự một màu là do một người làm, không thể tránh khỏi.

- Hai em trai anh, từng theo học thanh nhạc, giờ không theo ca hát nữa, có lúc nào thấy tiếc nuối?

Lúc đầu thì cũng tràn đầy hy vọng, giống như sinh viên của mình. Nhưng nghệ thuật cần thẳng thắn và rạch ròi, kể cả khi tôi là anh trai. Tôi buộc phải cho hai em ngừng học hát, bảo lưu kết quả để tính toán bước đi phù hợp.

Trọng Phương hiện đang quay lại để hoàn thiện Đại học thanh nhạc, Trọng Bình thì gắn bó với công ty chuyên nghiệp nên cũng không có nhiều thời gian.

Ban đầu tôi không nghĩ, các em mình lại gắn bó với âm nhạc bằng những công việc kỹ thuật như thế. Nhưng giờ tôi vui vì các em có hướng đi khác mà vẫn song hành được với mình. Chính điều ấy khiến tôi đầu tư một phòng thu.

Tôi nghĩ, cần có sự chấp nhận trong cuộc đời, không thể cố được. Công chúng quyết định tài năng. Tôi chỉ hỗ trợ các cậu ấy, chuyện phát triển đến đâu không thể do mình muốn là được.

Tôi là nghệ sỹ cùng cần có những sản phẩm tầm vóc hơn nên chắc chắn sẽ có những sự cộng tác với những nhạc sỹ khác, chứ không phải duy nhất là em mình.

 

Tôi muốn làm những show diễn như Đức Tuấn, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, đầu tư thực sự để có một kết quả tốt, mang tính cống hiến. Thời điểm này bỏ vài tỷ ra làm show thực sự là khó khăn.


 
- Một số nhạc sỹ phối khí, sau này trở thành những nhạc sỹ sáng tác rất có tiếng. Anh có kỳ vọng, các em mình cũng sẽ có bước tiến như vậy?


Cũng khó, không dễ dàng. Thực ra, người ta sống bằng nghề phối chứ không phải bằng nghề viết. Cũng có người sống bằng viết bài nhưng không nhiều, đáp ứng vào một mảng nào đó, mà không nhiều.

Tôi muốn làm show như Mỹ Linh, Mr Đàm, Đức Tuấn

- Anh nhắc đến nhiều nhạc sỹ sáng tác nổi tiếng, vậy với anh những nhạc sỹ thị trường thì sao?


Tôi không biết hết tên các nhạc sỹ trẻ. Tôi có quan tâm đến Lưu Hà An, Đỗ Bảo, Lê Cát Trọng Lý và nhiều nữa. Có rất nhiều nhạc sỹ trẻ, tôi không cùng chí hướng với họ, tác phẩm họ viết tôi không sử dụng được trong trình diễn.

Mỗi người có đóng góp riêng, có tác phẩm tốt, có tác phẩm nhạt nhòa thường thôi, người sáng tác vất vả để tìm hướng đi. Có khi cuộc đời chỉ có một hai ca khúc nổi tiếng thôi.
TRọng tấn
- Anh nghĩ gì về xu hướng các nghệ sỹ trẻ, không giống anh, liên tục phát hành album mà lựa chọn cách tung sản phẩm lên mạng?

Tôi nghĩ, với xu hướng hiện tại, thì tung MV lên mạng cũng là tất yếu. Các bạn trẻ có lợi khi đến được công chúng, chuyện miễn phí đó là cách để nghệ sỹ gần gũi với khán giả của mình. Đến với các cuộc thi, cũng là cách quảng cáo nhưng chính quy hơn. Các bạn trẻ có giọng, có lựa chọn khác nhau để làm nghề.

Ở Việt Nam, không sống được bằng đĩa nhưng vẫn phải làm. Trong đời nghệ sỹ phải có show diễn và CD. Tôi chú trọng làm đĩa. Trong thời gian này làm show không khó, thuê rạp, âm thanh ánh sáng, mời một hai người hát cùng, ban nhạc và căng băng rôn để bán.

Tôi đã tham gia những chương trình ấy. Nhưng tôi muốn làm những show diễn như Đức Tuấn, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, đầu tư thực sự để có một kết quả tốt, mang tính cống hiến. Thời điểm này bỏ vài tỷ ra làm show thực sự là khó khăn.

- Anh hát nhiều nhưng hình ảnh của anh sẽ chỉ đẹp nhất khi đứng trong dàn nhạc cổ điển. Anh có thấy vậy không?

Tôi cũng mong như thế và mong có nhiều tác giả có những tác phẩm như thế, để tâm đến thể loại pop classic thì cũng có những album tốt hơn.

- Anh và nhạc sỹ Dương Thụ đã từng nói đến sản phẩm chung, khán giả thì vẫn kỳ vọng. Anh làm nhiều sản phẩm khác, liệu có gác hẳn dự án với Dương Thụ?

Dự án ấy đang bị chậm lại do mức độ gặp gỡ của hai chú cháu rất ít. Tôi cũng bận rộn trong việc giảng dậy và các dự án khác. Chúng tôi vẫn ngồi với nhau, thống nhất phương án rồi nhưng vẫn chưa làm được.

Cuối năm vừa rồi, Phú Quang cũng nói đến việc làm riêng với nhau. Mọi người tin khả năng hát trữ tình của tôi.

- Anh đã từng song ca thành công với những diva nhạc nhẹ như Mỹ Linh, Thanh Lam, anh có nghĩ mình sẽ có thêm những dự án như thế?

Đúng là sự kết hợp sẽ đem đến cho công chúng cảm giác mới mẻ. Với chị Lam, tôi hơi tiếc về định hướng cho đĩa làm chung với Lê Minh Sơn. Các tác phẩm trong đĩa tương đối tốt. Sau này diễn lại vẫn hay như Trăng lưỡi liềm, Bài hát cho con.

Hồi ấy, mình công lên theo kiểu opera. Sự cứng đó không cần thiết lắm đối với những tác phẩm giàu hình ảnh như thế. Chị Lam chất giọng mạnh thì cần sự dịu dàng hơn.
Trọng Tấn
Trao quyền cho khán giả là nghiệp dư

- Anh là người trưởng thành từ một cuộc thi. Giờ học trò của anh cũng đi thi. Anh có thấy, hiện tại các cuộc thi khác quá nhiều so với thời điểm của anh?


Nếu giải thưởng mà do công chúng bình chọn thì chỉ là cuộc chơi thôi. Phải cắt nghĩa rạch ròi và định hướng của ngành văn hóa.

Tôi nghĩ nó nằm trong sự định hướng âm nhạc ở mặt vĩ mô. Những cuộc thi được lập trình theo hướng khác nhau. Đầu tiên, xem The Voice tôi rất thích, đặc biệt là vòng giấu mặt. Có những giọng hát tốt, nó đem lại không khí âm nhạc một hướng mở mới.

Thế nhưng chúng ta không được ngộ nhận, phải cắt nghĩa về các cuộc chơi âm nhạc, đi đến đâu và sẽ như thế nào. Các cuộc thi cũng không thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền âm nhạc được. Nó giống như một sân chơi chuyên nghiệp, được đầu lớn cho cuộc chơi. Nhưng nếu như có sự dài hơi hơn cho các thí sinh, đầu tư sau cuộc thi thì sẽ tốt.

Âm nhạc Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, sẽ đi được đường dài nếu được đầu tư, học hành bài bản.

- Nếu chứng kiến học trò của mình gồng lên để theo scandal của các chương trình để nổi tiếng. Anh sẽ thế nào?…

Cuộc sống vốn thế và phải chấp nhận như thế. Tôi nghĩ, có người còn thích điều ấy. Các nhà tổ chức nên có những định hướng tốt hơn, có những thứ không cần đưa ra để bàn luận trước công chúng. Như thế rất tệ hại.

- Việc trao quyền quyết định cho khán giả với một cuộc thi hát, theo anh tốt hay xấu?


Điều này phản ánh sự nghiệp dư trong âm nhạc. Chúng ta chưa có quyết sách về hướng đi. Đã là một cuộc thi thì phải được giới hạn trong mức độ thế nào. Nếu giải thưởng mà do công chúng bình chọn thì chỉ là cuộc chơi thôi. Phải cắt nghĩa rạch ròi và định hướng của ngành văn hóa.

Rõ ràng, chúng ta đang thiếu cách quản lý. Một cuộc thi âm nhạc lại không có chế tài về giải thưởng. Công chúng nhắn tin thì biết ai nhắn? và họ có phải đang nghe hay chỉ xem hoặc thích điều gì đó. Nó là cuộc chơi, liên hoan thì đúng hơn.

- Anh là giảng viên, ca sĩ nổi tiếng nhưng chưa từng là giám khảo một cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Vì sao nhỉ?

Tôi nghĩ, các nhà tổ chức không thấy tôi phù hợp. Nếu có chấm thi thì tôi sẽ chấm một cuộc đánh giá chất lượng của người hát. Nếu chỉ là cuộc chơi thì mình cũng không nên tham gia, hoặc có tham gia cũng chỉ dừng lại ở việc tham gia cuộc chơi. Mà chắc tôi cũng không nhiều thời gian cho những việc như thế.

- Nếu BTC The Voice mời anh thì anh ứng xử với lời mời ấy như thế nào?


Tôi nghĩ The Voice tốt, chỉ có điều nếu tham gia thì mình cần có thời gian và chăm chút cho nó. Thêm nữa, mình phải có quyền quyết định và không có bất kỳ tác động nào, hay ảnh hưởng của nhà tổ chức. Có nghĩa là, tôi ngồi đó và cương vị của tôi phải được tôn trọng.

- The Voice mùa đầu tiên có những cá nhân hát semi classic hoặc opera như Kiên Giang chẳng hạn. Anh nói gì về họ?

Nếu có ngồi, tôi cũng sẽ bảo vệ họ. Cần phải tôn vinh những giọng hát tốt và được đào tạo. Trên thế giới cũng có những cá nhân phát triển như thế.

- Nhiều người pop hóa nhạc cổ điển như  Mỹ Linh, Phạm Thu Hà. Anh nghĩ đến chuyện ấy?


Đã từng có dự án với những bản tình ca nổi tiếng thế giới và các ca khúc vẫn để đấy. Tôi thích thú với sản phẩm đó. Tôi cũng thích Đỗ Bảo và một số tác giả khác. Tôi đang rời hình ảnh đã gắn rất lâu với mình để có những bước phát triển mới mẻ hơn. Tôi sẽ đặt hàng ca khúc viết cho mình.

- Xin cảm ơn anh!

CD “Ánh mắt quê hương” là sản phẩm đầu tay có sự góp sức của ba anh em ruột Trọng Tấn (ca sĩ) – Trọng Bình (Mix) – Trọng Phương (Phối khí) và được thực hiện trong 6 tháng.

Album gồm 9 tình khúc sâu lắng hướng về đề tài quê hương của nhiều tác giả như Thuận Yến, Nguyễn Đình San, Hoàng Phương, Trần Hữu Bích, Phan Huỳnh Điểu, Tuấn Phương, Lê Tự Minh


Gia Vũ (Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn