Trọng tài nhận sai, xin lỗi SLNA: Thức tỉnh văn hóa xin lỗi trong giới trọng tài Việt

Thể thaoThứ Ba, 14/02/2017 07:12:00 +07:00

Phản ứng của trọng tài Trung Kiên B đã xoa dịu phần nào "cơn giận" của SLNA và người hâm mộ, đồng thời thức tỉnh "văn hóa xin lỗi" đã bị bỏ quên trong giới trọng tài.

Sự thức tỉnh của "văn hóa xin lỗi"

Ngày 12/2, QNK Quảng Nam tới làm khách trên sân Vinh của SLNA. Thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc có chiến thắng ấn tượng 4-2 để vượt qua CLB Hà Nội, leo lên vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng.

Không thể phủ nhận, QNK Quảng Nam đã có trận đấu xuất sắc. Tuy nhiên, chiến thắng của đội khách một phần đến từ quyết định gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trung Kiên B. Ở bàn nâng tỉ số lên 3-2, trung vệ Thiago đã phạm lỗi với thủ thành Nguyên Mạnh, song trọng tài không cắt còi, để Claudecir thoải mái đi bóng và sút tung lưới SLNA.

Video: Tình huống sai lầm của trọng tài Trung Kiên B

Không lâu sau tình huống gây tranh cãi nói trên, trọng tài Trung Kiên B đã gửi lời xin lỗi tới chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Đức Thắng bên phía SLNA. Theo cựu "còi vàng" Dương Mạnh Hùng, lời xin lỗi của trọng tài Trung Kiên B là điều "xưa nay hiếm" với bóng đá Việt Nam.

"Trọng tài Việt Nam đã mắc rất nhiều sai lầm trong bao năm qua. Bản thân Trung Kiên B từng có một tình huống nhận định không chính xác ở mùa giải trước. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, một trọng tài ở Việt Nam lên tiếng xin lỗi đội bóng về sai lầm trong nhận định của mình".

top

Trọng tài Trung Kiên B (giữa) đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm

Làm sai, thừa nhận, xin lỗi và rút kinh nghiệm, đó là điều hết sức bình thường. Bóng đá là sân chơi của con người, mà con người từ xưa đến nay không tránh khỏi sai lầm, kể cả đó là những người "cầm cân nảy mực" như các trọng tài.

Mới đây nhất, trọng tài kỳ cựu Mark Clattenburg còn phải xin lỗi CLB Hull City vì công nhận bàn thắng bằng tay của Alexis Sanchez. Sai thì nhận, đó là điều nên làm.

Dẫu vậy, bước "thừa nhận" và "xin lỗi" thường bị các trọng tài bỏ quên khi theo cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: "Các trọng tài ỷ lại vào ban tổ chức và giám sát trận đấu quá". Thế nên, các trọng tài quyết "im lặng", không thẳng thắn đề cập đến sai lầm và coi như đó là điều không có gì lạ.

Sai lầm và xin lỗi là điều hết sức bình thường, nhưng sai lầm để rồi ém nhẹm, làm ngơ, đó lại là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà. Không trực tiếp nói ra, song mỗi lần trọng tài im lặng và bỏ qua văn hóa xin lỗi, niềm tin của các đội bóng, cầu thủ và người hâm mộ lại nén lại như chiếc lò xo

Khi lò xo bị nén cực đại, mọi sự sẽ trở nên căng thẳng bởi những người đại diện cho sự công bằng cũng không còn được tin tưởng là công bằng nữa. Do đó, lời xin lỗi của trọng tài Trung Kiên B đến rất cần thiết, rất đúng thời điểm và cần được nhìn nhận đúng mực.

trogtaikiendungnhuphong_r

Lời xin lỗi đã đến ở thời điểm ngay sau sự cố

Đã có sự chuyển biến trong cách nhìn nhận của các trọng tài về lỗi lầm của mình, cơ sở để chuyển biến niềm tin của người xem đối với trọng tài Việt Nam từ xưa đến nay.

Cái tâm, cái tầm và sự chuyên nghiệp

Lời xin lỗi của trọng tài Trung Kiên B đã xoa dịu phần nào "cơn giận" của SLNA và truyền thông sau một sai lầm mười mươi, bên cạnh sự thức tỉnh về "văn hóa xin lỗi" đã bị bỏ quên trong giới trọng tài. Dù vậy, lời xin lỗi chỉ đẹp khi nó xuất phát từ cái tâm của người xin lỗi.

 
Lời xin lỗi chỉ đẹp khi nó xuất phát từ cái tâm của người xin lỗi.

"Trọng tài không được đưa ra nhận định, phản ứng nào trước khi giám sát trọng tài hay VFF đưa ra kết luận cụ thể. Lời xin lỗi của Trung Kiên B có thể đến từ thực tâm, song cũng có thể chịu tác động nào đó. Thời gian sẽ trả lời vấn đề này. Chỉ cần biết, mọi lời xin lỗi bằng cái tâm đều đáng được hoan nghênh" - cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng nhận định.

Tuy nhiên, không phải cứ xin lỗi, cứ thừa nhận là mọi chuyện đã ổn thỏa, bởi sai lầm của trọng tài Trung Kiên B chỉ là một phần tử rất nhỏ trong tổng thể sai lầm của trọng tài Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Chính những sai lầm nối tiếp sai lầm đã làm lung lay niềm tin của người hâm mộ vào sự chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà.

Sai lầm của trọng tài, có phải do mình trọng tài chịu? Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng: "Công tác tuyển chọn và đào tạo trọng tài của VFF nên được xem lại. Các trọng tài phải am hiểu luật, thuộc luật, biết cách áp dụng luật. Nếu không, sự nhiệt tình, say mê "hiếu học" của trọng tài cũng chỉ như trẻ con tiểu học phải học bảng cửu chương".

phung-dinh-dung

 Trọng tài V-League đối diện với rất nhiều thách thức

Những sai sót của trọng tài phản ánh phần nào phản ánh công tác tuyển chọn và phân công trọng tài của VFF trong nhiều năm. Lời xin lỗi hôm nay chỉ có giá trị nếu nó đến từ cả ban trọng tài, ban chuyên môn, những người điều hành, thay vì một mình trọng tài Trung Kiên B là người đứng ra gánh chịu cho những lỗi mang tính "domino" như vậy.

Bởi xin lỗi từ cái tâm và sự thừa nhận mới dẫn đến nỗ lực rút kinh nghiệm. "Văn hóa xin lỗi" là biểu hiện cho sự chuyên nghiệp, miễn rằng người ta không làm dụng nó. 

Một câu hỏi đầy khắc khoải mà cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng đặt ra: "Nếu lần sau làm sai, trọng tài Trung Kiên B có xin lỗi nữa không?". Quả thật, nếu trọng tài nào làm sai cũng xin lỗi, thì người hâm mộ không biết phải nghe bao nhiêu lời xin lỗi cho đủ.

Thừa nhận sai lầm, suy cho cùng, là để sai lầm không tái diễn trong tương lai. Phản ứng của trọng tài Trung Kiên B hôm nay, đã đặt một chặng quan trọng lên lộ trình chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà. Rất đáng hoan nghênh, nhưng để giữ vững niềm tin, người hâm mộ cần nhiều hơn thế!

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn