Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ'

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 03/01/2020 16:46:04 +07:00
(VTC News) -

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định dự án trồng dưa công nghệ cao trong Nhà máy nước sạch Lộc An chưa đủ điều kiện triển khai, nếu không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ.

Mương nước cứ đêm là bốc mùi thum thủm

Suốt một thời gian dài, gia đình bà Đoàn Thị Màng (SN 1956, trú thôn Nam Phước, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải sống chung với mùi hôi bốc ra từ mương nước sát nhà mà chẳng biết kêu ai. 

Từ phản ánh của người dân, PV tìm đến con mương này và nhận thấy nó rộng khoảng 0,5m, dài chừng 500m nối từ một trại trồng dưa rộng hàng chục nghìn m2 rồi đổ thẳng ra sông Truồi. Phần lớn mương nước này chạy sát nhà bà Mảng, một số đoạn bị sạt lở lấn vào đất vườn nhà bà này.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 1

Nhiều tháng qua, gia đình bà Mảng phải hứng mùi thum thủm bốc ra từ mương nước cạnh nhà mà không biết kêu ai. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Bà Mảng buồn rầu bảo, nhiều tháng qua bà phải sống cạnh mương nước ô nhiễm mà chẳng biết kêu ai. Báo cho lãnh đạo thôn thì chỉ nhận được sự im lặng.

Vào ban ngày, con mương tưởng chừng không gây ô nhiễm nhưng cứ khoảng 22h hằng ngày thì nước từ trại dưa lại ồ ạt thải và bốc mùi thum thủm như động vật phân hủy. 

“Mới đây, nhà máy có làm thêm cái bể, mùi có đỡ nhưng vẫn hôi, người đến nhà chơi còn hôi chịu không nổi huống hồ mình ở đây…”, bà Màng nói.

Theo ghi nhận, trại trồng dưa nằm ngay phía sau nhà bà Mảng và chỉ cách một khoảng đất nhỏ trồng keo tràm và một hồ nước. Tiến sâu vào trại dưa, chúng tôi thấy nguồn nước chảy qua nhà bà Mảng thải ra từ hồ nước nhân tạo. Thời điểm lúc ấy dù nước không được xả nhưng khu vực này vẫn bốc lên mùi thum thủm.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 2

Mương nước bắt nguồn từ hồ nước mới được xây dựng cạnh trại trồng dưa quy mô lớn và đổ thẳng ra sông Truồi. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Ông Đường Minh Tám  - Trưởng thôn Nam Phước xác nhận, thôn có nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này và báo cáo với UBND xã đề nghị kiểm tra, xử lý, tránh việc xả thải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Công ty nước sạch trồng dưa trái phép

Theo điều tra của chúng tôi, phần đất đang được trồng dưa theo công nghệ cao nằm trong khuôn viên Nhà máy nước sạch Lộc An (thuộc Xí nghiệp cấp nước Phú Lộc - Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế.

Việc trồng dưa được thực hiện trong những căn nhà dựng lên bằng lưới trên diện tích hơn 20.000m2 và nằm trong khuôn viên Nhà mát nước sạch Lộc An. Đây là dự án trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế theo mô hình công nghệ cao với quy mô lớn ở miền Trung.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 3

Khu đất hơn 20.000m2 mà Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế đang thực hiện dự án trồng dưa lưới công nghệ cao được quy hoạch là "đất cấp nước" và chưa được chuyển đổi sang đất sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Người dân sống xung quanh cho biết, dự án này được triển khai từ cuối năm 2018, đến thời điểm hiện tại, vườn dưa cho thu hoạch 1 mùa và công nhân đang trồng mùa vụ thứ 2, mở rộng ươm, trồng thêm trong các nhà lưới.

Điều đáng nói, khu đất mà Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế đang thực hiện trồng dưa lưới công nghệ cao vốn thuộc phần đất được “quy hoạch cấp nước” theo phê duyệt Quy hoạch cấp nước trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong quá trình làm việc với báo chí, Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế không cung cấp được những giấy tờ pháp lý của dự án trồng dưa lưới công nghệ cao. Lý do mà lãnh đạo công ty này đưa ra là do dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế thừa nhận, dự án đang vướng đất quy hoạch, từ đất chuyển đổi quy hoạch cấp nước chưa sử dụng sang đất nông nghiệp.

Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản thống nhất chủ trương thực hiện dự án, công ty cũng đang làm việc với các cơ quan ban ngành để hoàn thiện các thủ liên quan nhưng chưa được vì quá phức tạp.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 4

Dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế ngang nhiên thực hiện dự án trồng dưa lưới công nghệ cao. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Được biết, tháng 9/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản "Thống nhất chủ trương thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp sạch” cho Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế.

Thế nhưng, thực tế dự án trông dươi lưới công nghệ cao được công ty này triển khai từ năm 2018 và rõ ràng công ty có biểu hiện "cầm đèn chạy trước ô tô" khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng đã thực hiện dự án để thu lợi.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế lý giải, nguyên nhân dẫn đến việc "cầm đèn chạy trước ô tô" này là do vướng mắc thủ tục quá lâu nhưng muốn triển khai dự án để đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch cho thị trường cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công nên công ty triển khai theo mô hình thí nghiệm, thí điểm.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế khẳng định, vườn dưa công nghệ cao được trồng trong nhà lưới cách ly hoàn toàn môi trường bên ngoài và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật khép kín, tự động, đồng bộ.

Mương nước chảy ngang nhà bà Mảng là đường dẫn nước thải sau khi xả nước lọc bể của Nhà máy nước sạch Lộc An. Việc mương nước bốc mùi hôi có thể là do quá trình lọc bể khiến bùn lắng bị khuấy lên hòa vào nước nên có mùi. 

Có một chi tiết đáng chú ý, theo phản ánh của người dân, vị trí Nhà máy nước sạch Lộc An bơm nước đầu vào để xử lý rồi bán cho dân chỉ cách mương nước bốc mùi thum thủm khoảng vài trăm mét.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế cho hay, sẽ chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở cử người về kiểm tra việc xả nước của Nhà máy nước sạch Lộc An.

Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ dự án

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, phần đất mà Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế đang thực hiện trồng dưa lưới công nghệ cao là đất quy hoạch cấp nước.

Trước đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế quy hoạch một số cụm nhà máy nước dự trữ để bố trí nước cho các vùng. Tuy nhiên, sau này, khi rà soát lại, nhận thấy mô hình công nghệ mạng lưới sử dụng nước phát triển cho phép đầu tư một nhà máy trung tâm có thể phân bố nước cho nhiều nơi thì sẽ hiệu quả hơn việc đầu tư một nhà máy mới.

Nguyên do này dẫn đến việc một số phần đất trước đây làm quy hoạch cấp nước sẽ dư ra. Thế nhưng, đất đó vẫn là quỹ đất dự phòng để xây dựng phát triển nhà máy sau này.

Để không để lãng phí quỹ đất dự trữ, Công ty nước Thừa Thiên Huế nghiên cứu mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp cùng sự phát triển nhà máy nước.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 5

Dù lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế khẳng đình dự án trông dưa lưới không gây ô nhiễm nhưng ghi nhận cho thấy những dòng nước đen hôi vẫn rò rỉ từ các nhà trồng dưa và chảy ra bên ngoài. (Ảnh: Nguyễn Vương)

"Trước thực tế đó, tỉnh mới thống nhất chủ trương cho phép chuyển đổi tạm thời. Nếu không có vấn đề gì xảy ra thì họ cũng có thêm nguồn thu, đặc biệt hơn họ sẽ cung cấp cho thị trường một sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh cũng đang kỳ vọng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, dù tỉnh đồng ý về mặt chủ trương nhưng không có nghĩa doanh nghiệp được thực hiện dự án.

Nếu các thủ tục pháp lý như chuyển đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gặp vấn đề, không hoàn thiện được thì dự án này phải bỏ và hoàn lại quỹ đất như ban đầu. "Hiện nay, mọị thứ chỉ mới là chủ trương", ông Định cho biết thêm.

Trồng dưa trái phép trong nhà máy nước sạch: 'Không hoàn thiện pháp lý thì phải bỏ' - 6

Một số vị trí nằm sát các nhà trồng dưa lưới công nghệ cao trái phép có dấu hiệu bị sạt lở. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Một lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế nhận định, dù UBND tỉnh thống nhất chủ trương nhưng đất tại khu vực xung quanh Nhà máy nước sạch Lộc An là đất do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên-Huế thuê để làm phần đất dự trữ cho mục đích mở rộng nhà máy tầm nhìn đến 2030.

Như vậy, rõ ràng là hơn 20.000m2 đất đang được Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án trồng dưa công nghệ cao chưa được cấp phép để phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp và thực hiện dự án là hoàn toàn sai về mục đích sử dụng đất.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn