Trộm chó lộng hành: Chính quyền địa phương ở đâu?

Thời sựThứ Năm, 25/10/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia luật cho rằng, chính quyền cũng có lỗi khi để nạn trộm chó hoành hành và những vụ đánh chết cẩu tặc diễn ra ngày càng nhiều.

(VTC News) - Chuyên gia luật cho rằng, chính quyền cũng có lỗi khi để nạn trộm chó hoành hành và những vụ đánh chết cẩu tặc diễn ra ngày càng nhiều.
Liên quan tới những vụ việc cẩu tặc bị người dân đánh hội đồng tới chết, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Quốc Tử Giám, Văn Chương, Đống Đa, TP.Hà Nội).
- Việt Nam đang áp dụng những khung hình phạt nào đối với những kẻ phạm tội trộm cắp tài sản, đặc biệt kẻ trộm chó?

Theo quy định tại điều 138 của Bộ luật hình sự, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.


Cũng theo quy định tại điều này, chúng ta có thể hiểu việc xác định tài sản bị trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên đã có thể xem xét khởi tố, là tiền đề có tính chất lượng hóa khi xem xét hành vi vi phạm của tội phạm.

Tuy nhiên, luật còn quy định rất chi tiết việc tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng cũng bị xem xét khởi tố nếu có đầy đủ các yếu tố theo quy định của điều 138.

Người dân đánh cẩu tặc tới chết ở Nghệ An 

Như đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vị chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích, có tổ chức, tái phạm… lúc này việc giá trị tài sản bị trộm cắp chiếm đoạt không còn là yếu tố để xem xét khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi vi phạm pháp luật.


Vì vậy, khung hình phạt đối với tội trộm cắpchó phải được xem xét một cách toàn diện chứ không chỉ phân biệt chó thường hay chó đắt tiền để xác định. Những trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể phải chịu mức án từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân như khoản 4 điều 138 Bộ luật Hình sự.

- Nếu nạn nhân trong các vụ trộm chó phát hiện, bắt giữ, nhưng lại đánh, thậm chí đánh tới chết cẩu tặc thì sẽ bị xử lý ra sao?

Ở đây, chúng ta thấy rằng, việc người dân có hành động phản ứng lại cái sai, cái xấu trong xã hội là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với việc đánh chết những người ăn trộm chó thì lại phải xem xét bằng một vấn đề pháp lý khác.

 

Ở đây cũng cần phải xét tới trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phổ biến tuyên truyền pháp luật đến tới từng người dân tại địa bàn để hạn chế việc vi phạm trộm cắp và có cách hành xử đúng đắn khi phát hiện bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền
 
Như chúng ta biết, pháp luật chỉ cho phép chúng ta được dùng những biện pháp "đáp trả tương ứng” với hành vi phạm pháp luật của người khác hay trong luật Hình sự gọi là “Phòng vệ chính đáng”.


Ngoài ra, dù là bất kỳ ai cũng không thể tự cho mình cái quyền được đánh chết người, dù là người đó phạm tội gì. Việc xử lý hành chính hay hình sự đối với các đối tượng ăn trộm chó là do các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải của người dân.

Chính vì vậy, hành vi đánh chết người ăn trộm chó của người dân là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu vào tội Cố ý gây thương tích (hậu quả dẫn đến chết người) hoặc Giết người theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Trên đây là trách nhiệm cá nhân được quy định chi tiết trong luật hình sự sửa đổi 2009. Còn trách nhiệm tập thể không có quy định chi tiết trong luật. Việc bảo nhau hay cùng giúp sức để thực hiện hành vi vi phạm sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc cá thể hóa tội phạm theo nguyên tắc của Bộ luật Hình sự Việt nam. Ai có hành vi sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.

- Nếu phát hiện, bắt giữ được kẻ trộm chó, người dân nên làm gì tiếp theo?

Không riêng gì trường hợp bắt được kẻ trộm chó, mà dù trong bất kỳ trường hợp bắt được đối tượng phạm pháp quả tang nào, người dân nên lập tức báo cho các cơ quan chức năng tại địa phương nơi gần nhất để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc và các rủi ro pháp lý không đáng có.

- Ông có đề xuất biện pháp gì để nghiêm trị nạn cẩu tặc lộng hành ở các địa phương trên cả nước?

Theo quan điểm cá nhân tôi, sở dĩ việc cẩu tặc có cơ hội lộng hành như vậy nguyên nhân chính là vấn đề xã hội. Bên cạnh đó là do ý thức của người dân đặt biệt những người nuôi nhốt chó.

Nếu những người nuôi chó có biện pháp nuôi nhốt thích hợp, đặc biệt là không thả rông chó ra đường thì chắc chắn sẽ hạn chế một cách tối đa nạn cẩu tặc xảy ra như hiện nay trên cả nước.

Đồng thời chính quyền địa phương nơi thường hay xảy ra nạn trộm chó nên kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cấp cơ sở để nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

Trong đó có cả giáo dục ý thức pháp luật cho những người nuôi chó và phổ biến cho người dân biết cách xử lý khi bắt được những đối tượng trộm chó theo đúng quy định của pháp luật, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

- Mới đây, người dân ở Nghi Lộc (Nghệ An) đã đánh chết kẻ trộm chó và bủa vây mọi lối ra, không cho xe cứu thương đưa cẩu tặc đi cấp cứu khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Vậy trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào?

Trong vụ việc này, ngày 15/10, cơ quan Công an huyện Nghi Lộc đã ký một quyết định khác để nghị khởi tố vụ án giết người, điều tra làm rõ các đối tượng gây ra cái chết cho Hoàng Công Hiệp.

Như vậy, sự việc trên đã được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và trách nhiệm của mọi người đến đâu sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ.

Việc gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đến tội danh nếu thấy chưa thỏa mãn với những quy định của pháp luật hoặc quyền yêu cầu về dân sự trong vụ án hình sự như trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Tôi cho rằng cần phải có cách nhìn vụ việc khách quan. Ở đây cũng cần phải xét tới trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phổ biến tuyên truyền pháp luật đến tới từng người dân tại địa bàn để hạn chế việc vi phạm trộm cắp và có cách hành xử đúng đắn khi phát hiện bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đã không triệt để, quyết liệt trong khi thi hành nhiệm vụ dẫn đến hậu quả đã có người chết do bị hành hung và không được kịp thời cứu giúp.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn