Trò ú tim trên bán đảo Triều Tiên

Thế giớiChủ Nhật, 17/03/2013 08:53:00 +07:00

Giới quan sát châu Á dự báo CHDCND Triều Tiên sẽ lại phản ứng dữ dội với động thái của Mỹ, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.

Khi Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un thị sát đơn vị pháo binh tiền tiêu ngày 14/3 (theo hình ảnh do Hãng thông tấn quốc gia KCNA tung ra) thì Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong Won, trong cùng ngày, cũng đã đến thăm đảo biên giới Yeonpyeong ở phía tây.

Tên lửa đã bay

Trên đảo Yeonpyeong - nơi từng hứng đạn pháo của láng giềng phía Bắc vào tháng 11/2010 làm bốn người thiệt mạng, Thủ tướng Chung đã có lời tuyên bố không kém mạnh mẽ: “Để bảo vệ sinh mạng và tài sản người dân, tôi muốn mọi người phải luôn sẵn sàng để đáp trả thích đáng bất kỳ sự khiêu khích nào từ phía CHDCND Triều Tiên”.

CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa để thử khả năng chiến đấu (ảnh do Hãng thông tấn KCNA công bố ngày 14/3) - Ảnh: Reuters  

Như thể chứng minh không chỉ nói suông, ngay hôm sau (15/3) CHDCND Triều Tiên đã bắn thử hai quả tên lửa tầm ngắn vào biển Nhật Bản. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin quân sự cho biết đó là hai quả tên lửa KN-02 - phiên bản cải tiến của tên lửa tầm ngắn SS-21 và có tầm bắn khoảng 120km.

Theo giới quan sát, hành động này của CHDCND Triều Tiên được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận lớn Hàn - Mỹ đang diễn ra.

Hãng tin Yonhap cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa - phần lớn đều có khả năng tấn công Hàn Quốc - và một số có tầm bắn vươn tới các căn cứ quân sự của Nhật Bản và Mỹ trong khu vực.

Những diễn biến nóng hổi hằng ngày trong một tuần qua chắc chắn sẽ được mổ xẻ nghiêm túc hơn trong cuộc gặp quốc phòng Hàn - Mỹ bắt đầu từ hôm nay (17/3).

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc trong hai ngày để thảo luận về diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đưa ra các giải pháp để ứng phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Ông Carter sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các quan chức cấp cao Hàn Quốc.


Mỹ cũng phải dựng phòng tuyến


Ngay từ Mỹ, như một sự trùng hợp, chính quyền Washington cũng tuyên bố sẽ triển khai thêm hàng loạt tên lửa đánh chặn dọc đường bờ biển Thái Bình Dương để đối phó với nguy cơ bị CHDCND Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Theo báo Washington Post, ngày 15/3 Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết Lầu Năm Góc sẽ chi 1 tỉ USD để triển khai thêm 14 tên lửa đánh chặn ở Alaska từ nay đến năm 2017.

Như vậy, tổng số tên lửa đánh chặn Mỹ triển khai dọc đường bờ biển Alaska và California sẽ tăng lên 44. Hiện Mỹ có 26 tên lửa đánh chặn ở Fort Greely, Alaska và 4 ở căn cứ không quân Vandenberg tại California.


Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ sớm lắp đặt hệ thống rađa dò tên lửa TPY-2 thứ hai ở Nhật để tăng cường năng lực cảnh báo sớm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh: “Mỹ có hệ thống phòng thủ đủ sức ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo hạn chế. Nhưng CHDCND Triều Tiên đã đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ tên lửa”.


Báo New York Times cho biết trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska và California không thật sự hoàn hảo, chỉ đánh chặn được khoảng 50% tên lửa tấn công.

Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ đây là động thái của Washington nhằm cảnh cáo CHDCND Triều Tiên và trấn an hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật.

Nhà Trắng cũng muốn bắn tín hiệu đến Trung Quốc rằng Bắc Kinh cần kiềm chế Bình Nhưỡng, nếu không Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.


 

Báo New York Times cho biết trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska và California không thật sự hoàn hảo, chỉ đánh chặn được khoảng 50% tên lửa tấn công.


 
AFP dẫn lời chuyên gia quốc phòng Nhật Hideshi Takeshada thuộc Đại học Yonsei ở Hàn Quốc nhận định với động thái này, Mỹ thật sự lo ngại nguy cơ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

“Với hệ thống rađa TPY-2 thứ hai ở Nhật, hệ thống cảnh báo Mỹ sẽ bảo vệ toàn bộ bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh do khoảng cách giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên quá gần, hệ thống này sẽ không đánh chặn được tên lửa Bình Nhưỡng tấn công Seoul.


Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ phát triển năng lực tấn công phủ đầu các cơ sở phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hiện Mỹ đang triển khai các hạm đội tên lửa Patriot ở Hàn Quốc để bảo vệ quốc gia này. Quân đội Hàn Quốc cũng có hệ thống tên lửa Patriot nhưng cũ hơn. Còn Nhật phát triển lá chắn tên lửa riêng với hệ thống Patriot và tàu chiến Aegis.


Giới quan sát châu Á dự báo CHDCND Triều Tiên sẽ lại phản ứng dữ dội với động thái của Mỹ, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng. Và chắc chắn Bắc Kinh cũng sẽ tỏ thái độ đề phòng việc Washington tăng cường sức mạnh quân sự.

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn