Trinh sát hình sự kể chuyện 4 ngày mất ngủ bắt tội phạm có tên đặc biệt

Pháp luậtThứ Tư, 10/02/2016 06:56:00 +07:00

Đại úy Nguyễn Quốc Huy tâm sự: “Các đối tượng hình sự vào thời điểm này đa số là những người có văn hóa thấp, rất manh động, liều lĩnh...

Đại úy Nguyễn Quốc Huy tâm sự: “Các đối tượng hình sự vào thời điểm này đa số là những người có văn hóa thấp, rất manh động, liều lĩnh... nên khi bắt chúng tôi gặp rất nhiều nguy hiểm".

"Máu nghề nghiệp đã ngấm vào trong người rồi!"

Đó là trả lời của đại úy Nguyễn Quốc Huy – Chiến sĩ Trinh sát Đội hình sự Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi chúng tôi hỏi anh về những hiểm nguy khi bắt cướp, bắt đối tượng phạm pháp có "hàng nóng".

"Trong khi bắt cướp và các đối tượng hình sự, chúng tôi không hề sợ bất cứ điều gì, vì máu nghề nghiệp đã ngấm vào trong người rồi. Nhưng khi bắt các đối tượng này thành công, về nhà nghĩ lại mới thấy sợ, chẳng hạn đối tượng bị nhiễm HIV, có vũ khí nóng, lạnh… điều này rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và các đồng chí của mình", đại úy Huy nói.

Không thể "đoán trước" các tình huống khi vây bắt tội phạm nhưng theo đại úy Nguyễn Quốc Huy: “Trước khi bắt một đối tượng nào đó, chúng tôi phải lên kế hoạch cụ thể và nắm bắt tình hình từ địa bàn đến đối tượng đó đang ở đâu, dùng loại vũ khí gì, có khống chế con tin hay không… Việc nắm bắt này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và chính bản thân chúng tôi. Ngoài ra, việc nắm bắt tình hình đó cũng nhằm đảm bảo tính mạng cho đối tượng chúng tôi thực hiện bắt".

Theo đại úy Nguyễn Quốc Huy, các đối tượng hình sự vào thời điểm này đa số là những người có văn hóa thấp, nên rất manh động, liều lĩnh nên khi vây bắt, cảnh sát gặp rất nhiều nguy hiểm. "Chẳng hạn, đối tượng ngáo đá đang có hành vi tấn công người khác, khi chúng tôi tiếp cận loại người này luôn gặp khó khăn. Loại đối tượng này, không chỉ tấn công lại các chiến sĩ trinh sát mà cả người dân, thậm chí cả bản thân họ trong tình trạng không phương hướng nên rất nguy hiểm. Thường những đối tượng ngáo đá, hành động hành vi của mình không có kiểm soát, nên rất khó lường. Trường hợp, đối tượng có hung khí nóng thì chúng tôi phải sử dụng nghiệp vụ của mình, để khống chế đối tượng bảo vệ sự an bình cho nhân dân cùng bản thân các chiến sĩ tham gia vây bắt và chính đối tượng”.

Ấn tượng với tên cướp nguy hiểm vì có cái tên rất dài

“Cho đến lúc này, tôi còn nhớ như in lần truy bắt đối tượng Hoàng Bảo Ngọc Thanh Quý ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa - tên này đang bị Công an tỉnh Khánh Hòa truy nã về tội cướp tài sản. Sau khi trốn ra Hà Nội, Quý xin vào thử việc tại cửa hàng may của chị Nguyễn Thị Thu Hà ở đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội rồi nảy ý định cướp tài sản của gia chủ" đại úy Huy nói.
Cơ quan công an bắt người đàn ông nghi “ngáo đá” trèo trên cây xanh đập phá.
Cơ quan công an bắt người đàn ông nghi “ngáo đá” trèo trên cây xanh đập phá. 

Để thực hiện hành vi của mình, Quý dùng dao khống chế, trói chân tay chị Hà rồi cướp 2 nhẫn, 2 ĐTDĐ và khoảng 300.000 đồng rồi nhanh chân tẩu thoát. Do Quý sử dụng CMND giả để xin việc nên công tác điều tra gặp khó khăn.

 Khám nghiệm hiện trường, chúng tôi hiện hung thủ có bỏ lại một cuốn sổ, trên đó ghi địa chỉ số 3 Lĩnh Nam. Ngay lập tức toàn bộ các địa chỉ số nhà ở khu vực phố Lĩnh Nam được chúng tôi tập trung rà soát.


Ban đầu, chúng tôi tưởng Quý lên xe khách trốn vào tỉnh Thanh Hóa, nên chúng tôi mang xe ô tô của cơ quan truy đuổi. Tuy nhiên, Quý lại không vào Thanh Hóa mà tiến thẳng vào Huế, nên chúng tôi nhịn ăn, thay nhau lái ô tô từ Hà Nội vào Huế để truy bắt đối tượng này.

Hai ngày, hai đêm thức trắng, đến khoảng 4h ngày 17/1/2013, bằng biện pháp nghiệp vụ chúng tôi bắt được Quý ở cổng bến xe Huế. Ngay sau đó, chúng tôi lập biên bản vụ việc với cơ quan chức năng sở tại, rồi tiếp tục di lý đối tượng Quý về Hà Nội để thụ án. Quãng thời gian đi đó chúng tôi mất 4 ngày, không ngủ nhiều lúc nhịn ăn”, đại úy Nguyễn Quốc Huy nhớ lại và kể.

Tuy nghề gặp muôn vàn khó khăn và đầy những mối nguy hiểm, nhưng đại úy Nguyễn Quốc Huy luôn tâm niệm: “Nếu cho lựa chọn thì tôi vẫn tiếp tục chọn công an trinh sát hình sự. Tôi luôn yêu nghề này, vì tính thích mạo hiểm”. Tuy nhiên, đại úy Quốc Huy cũng thẳng thắn chia sẻ: “Nếu chọn công an trinh sát hình sự chỉ có lòng yêu nghề thôi là chưa đủ mà chọn nghề này, cần dũng cảm, kiên trì, ý chí, nhanh nhẹn… mới có sự thành công và tránh nguy hiểm cho nhân dân và bản thân cùng đồng đội”.


Nguồn: Hải Ngọc/Infonet
Bình luận
vtcnews.vn