Triều Tiên sản xuất và xuất khẩu vũ khí thế nào?

Thế giớiThứ Sáu, 20/10/2017 08:05:00 +07:00

Bất chấp những lệnh trừng phạt nặng nề, Triều Tiên vẫn đủ khả năng sản xuất một lượng lớn vũ khí và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu và cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới.

Tên lửa đạn đạo, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng trường hay thậm chí là các hệ thống pháo, cùng các loại đạn là những mặt hàng làm nên tên tuổi của Triều Tiên trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vũ khí.

Do các lệnh cấm vận, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên lùi dần vào bóng tối, nhưng không hề biến mất, RIA khẳng định.

Thị trường vũ khí Triều Tiên

Xuất khẩu vũ khí là nguồn thu ngoại tệ truyền thống của Triều Tiên, bên cạnh mặt hàng than đá và hải sản. Theo RIA, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu vũ khí theo đường chính ngạch, do đó quốc gia này lựa chọn bán vũ khí một cách kín đáo. Khách mua vũ khí của Triều Tiên phần lớn đến từ các nước cũng chịu lệnh cấm vận về mua bán vũ khí và không thể mua vũ khí công khai.

nk03_1200 - 100th Kim Il-sung Mark Edward Harris

 Pháo tự hành M-1978 Koksan của Triều Tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Il-sung. (Ảnh: Mark Edward Harris)

Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ công bố danh sách các quốc gia bị cấm mua bán vũ khí giúp ích rất nhiều cho Triều Tiên trong việc lập danh sách các khách hàng tiềm năng.

Lệnh cấm vận mới nhất siết chặt hoạt động xuất khẩu các mặt hàng như than đá, quặng của Triều Tiên buộc Bình Nhưỡng phải tiếp tục khai thác mạnh các thị trường chợ đen, đặc biệt là về vũ khí.

“Sau khi những lệnh cấm vận này được áp đặt, sẽ rất khó để có thể truy ra nguồn cung cấp. Triều Tiên chắc chắn sẽ không ngừng buôn bán vũ khí, nhưng đồng thời họ cũng biết cách che giấu mọi thứ để không ai phát hiện được. Trên thực tế, bằng việc trừng phạt một số quốc gia, Mỹ vô tình xây dựng thị trường vũ khí cho Triều Tiên”, chuyên gia Triều Tiên và Iran, Yuri Lyamin nhận xét.

Dù cho các chuyên gia ước tính doanh thu hàng năm từ việc xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên đạt hơn 100 triệu USD, nhưng không ai có thể biết được con số chính xác bởi tất cả các thỏa thuận đều được ký ở cấp độ song phương giữa Triều Tiên và khách hàng và khách hàng này cũng có hệ thống an ninh nghiêm ngặt.

“Các lệnh cấm vận nặng nề được áp đặt lên Triều Tiên vào năm 2017, trong đó cấm cả việc xuất khẩu các loại nguyên liệu thô và cấm sử dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của họ và có thể dẫn đến việc Triều Tiên tăng cường buôn bán vũ khí bởi họ cần kiếm tiền bằng mọi giá”, chuyên gia Yuri Lyamin nói.

Video: Vũ khí Triều Tiên trong lễ duyệt binh mừng Ngày Mặt trời, tháng 4/2017

Triều Tiên sản xuất vũ khí thế nào?

Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Công nghệ Nga, Konstantin Makienko, nhận định: “Khách hàng của Triều Tiên bị hấp dẫn bởi giá thành rẻ, độ bền tương đối cao và số lượng gần như không hạn chế các loại vũ khí của Triều Tiên.

Quốc gia này bán gần như tất cả mọi thứ, từ súng tự động cho đến súng chống tăng. Nhiều loại súng trường của Triều Tiên là bản sao của súng AK do Liên Xô sản xuất, hoặc bản sao AK do Trung Quốc sản xuất”.

Triều Tiên sản xuất nhiều loại vũ khí bộ binh, bao gồm các hệ thống tên lửa, pháo, súng trường, lựu đạn và các loại đạn khác nhau. Syria đã mua một số lượng tương đối đạn pháo 130 mm do Triều Tiên sản xuất. Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến những thành tựu của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa giúp nước này đạt được vị trí đặc biệt trong thị trường vũ khí.

1505534107 - Ten lua trieu tien 3

 Tổ hợp tên lửa phòng không 9K35 Strela-10 trong lễ duyệt binh của Triều Tiên. (Ảnh: RIA Novosti)

Trong những năm 1980, các chuyên gia Triều Tiên hoàn toàn làm chủ và tự sản xuất bản sao của tổ hợp R-17 Elbrus với đạn tên lửa 8K14, vốn có tên định danh của NATO là Scud. Ai Cập đã mua những nguyên mẫu của loại tên lửa đạn đạo này, các bản sao của chúng nhanh chóng được đưa ra thị trường và tất cả mọi người đều biết ai là tác giả của chúng.

Các quốc gia như Iran, Syria và Yemen mua bản sao của tên lửa Scud do Triều Tiên sản xuất. Phiên bản đầu tiên có tầm bắn dưới 300 km, các phiên bản tiếp theo có tầm bắn lên đến 600 km. Các kỹ sư Triều Tiên còn phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1 có tầm bắn đến 1.300 km.

Tất cả các tên lửa này có thể mang theo nhiều loại đầu đạn, trong đó có đầu đạn hạt nhân và hóa học. Trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq, hơn 90% số tên lửa của Triều Tiên được Iran phóng đánh trúng mục tiêu, điều chứng tỏ chất lượng của tên lửa Triều Tiên.

NODONG-A_4 - FDD 4

Tên lửa Nodong-1, hay Rodong-1/Hwasong-7 do Triều Tiên tự phát triển và sản xuất trên nguyên mẫu tên lửa R-17 Elbrus (Scud) của Liên Xô. (Ảnh: FDD)

Do các thỏa thuận quốc tế nên những công ty sản xuất tên lửa lớn trên thế giới không được phép bán tên lửa có tầm bắn trên 300 km. Nhưng vì bị bao vây cấm vận và không đồng ý thỏa thuận này, Triều Tiên trở thành nhà cung cấp độc quyền ở lĩnh vực này.

Vũ khí của Triều Tiên có giá rẻ bởi lẽ chúng được sản xuất hàng loạt cho Quân đội Triều Tiên vốn luôn được đặt trong trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Xét về nguồn lực, Triều Tiên có nhiều mỏ quặng than đá, kim loại và đất hiếm cùng lực lượng hùng hậu chuyên gia công nghiệp quốc phòng. Với năng lực tự sản xuất vũ khí rất mạnh, vũ khí Triều Tiên có giá rẻ và chất lượng tương đối tốt là điều dễ hiểu.

Ai vũ khí Triều Tiên?

Khách mua vũ khí chủ yếu của Triều Tiên là các quốc gia đồng ý việc mua bán không qua trung gian và không yêu cầu công khai, cũng như các nhóm vũ trang và thậm chí cả các công ty quân sự tư nhân.

“Triều Tiên cần tiền và họ có thể cung cấp cho thế giới thứ gì ngoài than cho Trung Quốc và lao động giá rẻ? Chỉ còn vũ khí, khách hàng của họ là các nước ở thế giới thứ 3, vốn bị cấm vận và bao vây kinh tế hoặc các tổ chức phi chính phủ như các nhóm vũ trang đối lập, các công ty quân sự tự nhân…”, ông Makienko nói với RIA Novosti.

Vũ khí phần lớn được chuyển bằng đường biển bởi đường hàng không không an toàn cho hoạt động này. Khi máy bay chở vũ khí phải hạ cánh để tiếp nhiên liệu, chúng có thể bị kiểm tra và niêm phong, còn vận chuyển bằng tàu hàng thì an toàn hơn hẳn và đặc biệt an toàn nếu chúng treo cờ Triều Tiên.

F5516E5A-A67C- tau hang trieu tien VOA 5

Triều Tiên thường vận chuyển vũ khí bằng đường biển và việc chặn những con tàu này để kiểm tra khi chúng ở vùng biển quốc tế rất khó, đặc biệt là nếu treo cờ Triều Tiên. (Ảnh: VOA)

“Chặn tàu hàng treo cờ Triều Tiên ở vùng nước trung lập không phải là điều dễ dàng, hành động này có thể gây ra rắc rối lớn khi Triều Tiên cương quyết bảo vệ chủ quyền của họ.

Nếu những con tàu này đi thẳng từ Triều Tiên tới đích đến, việc chặn tàu để kiểm tra sẽ bị Bình Nhưỡng coi là hành động tấn công Triều Tiên và chắc chắn sẽ có hậu quả”, ông Lyamin giải thích.

Dù vậy, trong quá khứ tàu hàng chở vũ khí Triều Tiên đã từng bị chặn lại. Vào những năm 2000, xảy ra vụ chặn tàu chở tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đến Yemen tại Ấn Độ Dương, song khi đó lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí chưa được ban hành và con tàu được thả tự do. Vào đầu tháng 10/2017, Ai Cập cũng chặn 1 con tàu của Triều Tiên chở theo 30.000 súng chống tăng.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn