Triều Tiên đang ngồi trên 'mỏ vàng' trị giá nghìn tỷ USD

Thế giớiChủ Nhật, 02/07/2017 13:48:00 +07:00

Dù bị cấm vận về kinh tế, Triều Tiên vẫn có thể kiếm được một nguồn thu ngoại tệ cực lớn từ nguồn khoáng sản ước tính có trị giá lên tới 6.000 tỷ USD có thể giúp nước này duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa trong một thời gian dài.

Khai thác mỏ hiện chỉ chiếm khoảng 14% nềnkinh tếTriều Tiên nhưng đất nước Đông Bắc Á trên thực tế lại đang nằm trên một mỏ khoáng sản khổng lồ với khoảng 200 loại khoáng sản khác nhau, trong đó nhiều nhất và có tiềm năng khai thác quy mô lớn như than, quặng sắt, ma-giê, vàng, thiếc, đồng ẩn dưới những dãy núi đá, chiếm 85% lãnh thổ.  

khoansan_oykm

 Khu mỏ ở huyện Musan, Bắc Hamgyong, Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên hiện là quốc có trữ lượng magiêzit lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc trong khi trữ lượng vonfram cũng vào hàng thứ 6 thế giới. Nhưng giá trị mà những khoáng sản này thu lại chưa "thấm vào đâu" nếu như Bình Nhưỡng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có là "đất hiểm", nguyên liệu cần thiết sản xuất màn hình LCD, các thấu kính quang học, cũng như các sản phẩm thông minh công nghệ cao hay xe tăng, máy bay, tên lửa.

Hiện Trung Quốc đang là nhà cung cấp tới 90% đất hiếm cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, vị thế này đã bắt đầu bị đe dọa sau khi Công ty Khoáng sản SRE của Anh công bố ước tính rằng trữ lượng đất hiếm của Triều Tiên có thể rơi vào khoảng 216 triệu tấn, tức là gấp đôi trữ lượng toàn cầu và trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Triều Tiên chưa bao giờ công bố con số cụ thể về giá trị trữ lượng khoáng sản mà nước này đang sở hữu, nhưng nhiều số liệu thống kê chỉ ra rằng các tài nguyên khoáng sản của Bình Nhưỡng có thể có trị giá đến 6.000 tỷ USD, và thậm chí là 10.000 theo The Economist.

Theo lý thuyết, các biện pháp trừng phạt mà quốc tế áp dụng lên Triều Tiên trong đó có lệnh cấm xuất khẩu vàng, vanadium, titan, than, niken, kẽm, đồng, bạc và đất hiếm sau hàng loạt các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ làm tê liệt ngành khai thác khoáng sản của quốc gia này. 

Tuy nhiên, theo một bác cáo được Liên Hợp Quốc công bố hồi đầu năm, Triều Tiên vẫn bí mật xuất khẩu các khoáng sản này và tìm cách để né các lệnh trừng phạt. 

Video: Đường hầm có thế di chuyển 30.000 lính Triều Tiên sang Hàn Quốc trong một giờ

Đơn cử như hồi tháng 8/2016, các nhà chức trách Ấn Độ đã phát hiện và thu giữ 30.000 đạn tên lửa PG-7 cùng nhiều bộ phận vũ khí có liên quan được đặt trong các thùng gỗ và giấu bên dưới 2.300 tấn quặng sắt trên một con tàu của Triều Tiên đang trên hành trình di chuyển từ Bình Nhưỡng hướng về phía kênh đào Suez. 

Vụ thu giữ này cho thấy cách quốc gia Đông Bắc Á sử dụng kỹ thuật để che đậy cũng như mối liên hệ đang ngày càng rõ ràng giữa việc buôn bán vũ khí và khoáng sản, theo Independent. 

Theo ông Lloyd Vasey, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mặc dù ngồi trên "đống vàng" là vậy, nhưng Triều Tiên vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tận dụng và khai thác triệt để nguồn cung ngoại tệ đầy hứa hẹn này. 

Theo ước tính, các ngành khai thác mỏ ở Bắc Triều hiện nay mới chỉ hoạt động ở mức dưới 30% công suất. Các trang thiết bị khai thác mỏ lạc hậu, cộng với việc không thể mua thêm thiết bị mới do nền kinh tế đang phải "thắt lưng buộc bụng" do các lệnh trừng phạt cũng sự thiếu thốn năng lượng và mạng lưới điện không đảm bảo được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. 

Vì vậy, giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn nguồn tài nguyên quý báu này trở thành một đòn bẩy để phát triển kinh tế cũng như nuôi chương trình hạt nhân của nước này trong tương lai.

Song Hy (Nguồn: Independent, QZ)
Bình luận
vtcnews.vn