Trị sổ mũi bằng lá trầu, bé gái bị bỏng nặng vùng ngực

Đời sốngThứ Sáu, 15/12/2017 08:00:00 +07:00

Mới đây, một bé gái đã bị bỏng nặng chỉ vì mẹ dùng lá trầu trị sổ mũi cho con.

Chia sẻ trên Pháp luật online, BS Nguyễn Thanh Sang, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, vào ngày 12/12 bệnh viện này đã tiếp nhận một bênh nhi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng vùng ngực bị bỏng nặng, lớp da đã bị lột, chảy nhiều dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng da. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng sâu độ 4, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sặc.

Đưa con vào bệnh viện điều trị, người mẹ liên tục khóc nấc lên vì thương con phải chịu đau đớn. Nhận thấy vết bỏng chỉ xảy ra ở vùng ngực, còn các bộ phận khác trên cơ thể trẻ hoàn toàn lành lặn nên bác sĩ đã gặng hỏi để tìm nguyên nhân khiến cháu bé bị bỏng một cách kỳ lạ như vậy.

Chỉ vì bà nội nghe theo lời đồn đắp lá trầu không nóng lên ngực cho cháu đã khiến bé gái bỏng nặng (Ảnh minh họa)

Sau nhiều lần hỏi han, người mẹ mới thú nhận rằng cháu bé thường hay sổ mũi, khò khè về đêm. Gia đình cũng nhiều lần đưa con đi chữa dưới Cần Thơ nhưng tình trạng bệnh không khỏi mà vẫn tái phát thường xuyên. Bà nội của bé nghe lời đồn rằng hơ nóng lá trầu không rồi đắp lên vùng ngực của trẻ sẽ hết sổ mũi và ho khò khè.

Thấy vậy nên bà ở nhà tự kiếm lá trầu không hơ nóng rồi đắp lên ngực. Có thể do bà hơ quá nóng nên làm cháu bị bỏng. Nhưng bà nội không đưa cháu tới viện ngay mà vẫn để ở nhà, đến chiều thấy cháu vẫn khóc quằn quại mãi, bà sót ruột mới gọi điện cho mẹ bé từ công ty về đưa con đi khám. Về đến nhà, thấy tình trạng của con, người mẹ sợ hãi đưa con bắt xe lên Tp.HCM khám ngay.

Phương pháp trị sổ mũi, khò khè bằng lá trầu không được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Theo BS Sang, bệnh viện cũng từng tiếp nhận khoảng 4 – 5 trường hợp trẻ bị bỏng vì đắp lá trầu không nhưng hầu hết chỉ ở mức nhẹ. Đây là trường hợp đầu tiên bị bỏng nặng đến như thế.

Cũng theo bác sĩ, với vết bỏng sâu như vậy không tránh khỏi việc sẽ để lại vết sẹo lớn. Khi bé gái lớn lên sẽ ảnh hưởng phần nào đến thẩm mỹ.

Video: Độc đáo cách chữa bỏng bằng da cá rô phi ở Brazil

Bác sĩ khuyên các mẹ bỉm sữa, hiện nay chưa có bằng chứng nào kể về Đông y cho thấy lá trầu không có thể chữa khỏi sổ mũi, ho khò khè cho trẻ sơ sinh. Vì thế các bậc phụ huynh nên hết sức thận trọng, không nên nghe theo lời đồn mà tự ý chữa bệnh cho con bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng bởi có thể để lại hậu quả khó lường, khi đó chính con em mới là người phải gánh chịu hậu quả đó. 

N.Q
Bình luận
vtcnews.vn