Trên con đường 'đồng hành' doanh nghiệp, không ít công chức bỏ quên chữ 'đồng'

Kinh tếThứ Sáu, 29/07/2016 13:52:00 +07:00

Chủ tịch VCCI chỉ ra thực tế, trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”.

Phát biểu trước Quốc hội sáng 29/7, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa ra khỏi được giai đoạn khó khăn, và sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế năm 2015 là không bền vững. Bởi lẽ, sự phục hồi này vẫn phải dựa trên việc tăng sản lượng của một số ngành khai thác tài nguyên...

Vu Tien Loc-1

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 

“Câu hỏi đặt ra, là tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, chúng ta đã chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm?”, ông Lộc đặt câu hỏi.

Ông Lộc đánh giá việc cắt giảm biên chế và chi tiêu chính phủ chưa có chuyển biến đáng kể. Tình trạng thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua. Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay.

“Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC chứ chưa được mua-bán, sang tên đổi chủ bằng tiền tươi thóc thật”, vị chủ tịch VCCI phân tích.

Con số tăng trưởng tín dụng có lẽ cũng không thực chất, khi chưa làm rõ được bao nhiêu phần trăm là do các ngân hàng thương mại đảo nợ, bao nhiêu phần trăm là do các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ.

Bởi vậy, mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn và vẫn phải trả mức lãi suất cao hơn nhiều so với lạm phát.

no xau-1

Nợ xấu vẫn đang trong tình trạng báo động (Ảnh minh họa)

Vị Chủ tịch VCCI cho rằng công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hoá diễn ra rất chậm. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá không những không đạt kế hoạch, mà quy mô thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp cũng chỉ ở mức tượng trưng, không đủ để tạo nên những thay đổi về quản trị cũng như hiệu quả…

"Nhiều giải pháp đúng, nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng", đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo.

 
Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

"Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”. Sức nóng và sự thôi thúc của cải cách chưa thấm được tới hành vi và thái độ của từng công chức ở cơ sở để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể cảm nhận được, có thể yên tâm được", vị đại biểu Thái Bình bày tỏ.

Các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Vẫn có tới 60% doanh nghiệp không có lãi hoặc kinh doanh thua lỗ, khoảng  120.000 doanh nghiệp phải rời thị trường trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi.

Video: Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ những việc mà Chính phủ đã làm và những tác động tích cực đến môi trường kinh doanh.

Dù vậy, thời gian còn quá ngắn để tư duy và hành động của Chính phủ minh chứng được kết quả trên thực tiễn. Nhưng quan trọng nhất là niềm tin đã trở lại.

Người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ và để không phụ niềm tin của người dân và doanh nghiệp phải chăng đang là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ.

“Phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia, tôi đề nghị, Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết của mình mục tiêu mà Chính phủ đề xuất: phấn đấu đến năm 2020, nước ta có một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả”, chủ tịch VCCI mong muốn.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn