Trẻ tiểu học với khả năng quan sát

Tổng hợpThứ Bảy, 01/10/2011 09:31:00 +07:00

Quan sát là một trong những hoạt động tư duy cần thiết giúp trẻ nhận thức về thế giới xung quanh.

Quan sát là một trong những hoạt động tư duy cần thiết giúp trẻ nhận thức về thế giới xung quanh. Trẻ ở giai đoạn đầu tiểu học với khả năng quan sát chưa có hệ thống, chưa sâu sắc, chưa độc lập… vì thế cha mẹ kết hợp với thầy cô giáo hướng dẫn trẻ nhằm giúp trẻ phát triển khả năng quan sát của mình.

Đặc điểm quan sát của trẻ tiểu học

- Về tính mục đích: Tính mục đích khi quan sát của trẻ mới bắt đầu đi học còn thấp, thường trẻ không thể độc lập đưa ra nhiệm vụ quan sát cho mình, cũng không thể loại bỏ những phiền nhiễu, thường bị ảnh hưởng bởi những âm thanh, hình thể hay màu sắc của các đối tượng khi quan sát, và cũng bị chi phối bởi hứng thú sở thích cá nhân. Ở giai đoạn cuối tuổi tiểu học trẻ quan sát có mục đích rõ ràng hơn vì trẻ đã hiểu được nhiệm vụ học tập của mình.

- Về độ chính xác: Trẻ mới đi học quan sát còn chưa chính xác, chúng quan sát sự vật không tỉ mỉ, toàn diện, thường mơ hồ, chỉ có thể nói ra những thuộc tính cá biệt hoặc màu sắc của sự vật chứ chưa thể biểu đạt được chi tiết. Đến cuối tuổi tiểu học thì tính chính xác cao hơn.

- Về trình tự: Trẻ mới đi học quan sát sự vật còn chưa hệ thống, chưa đến đầu đến đuôi, nhưng đến cuối tuổi tiểu học thì tính trình tự đã phát triển khá hơn, có thể quan sát một cách hệ thống, vừa nhìn vừa nói từ đầu đến cuối, và thường suy nghĩ trước rồi mới nói sau.

- Về tính sâu sắc: Trẻ đầu tiểu học rất khó bao quát chỉnh thể sự vật quan sát được, mà thường chú ý tới những đặc trưng bề ngoài, rõ nét và không mấy ý nghĩa của sự vật, chưa thấy được mối liên hệ giữa các sự vật, càng không thể quan sát được đặc trưng bản chất có ý nghĩa của sự vật. Cuối tuổi này, tính sâu sắc trong quan sát đã nâng cao rõ rệt, thể hiện ở khả năng phân biệt, phán đoán và hệ thống hóa đối với sự vật quan sát.

ảnh minh họa 

Giúp trẻ phát triển khả năng quan sát

Làm rõ mục đích quan sát: Hiểu được nhiệm vụ quan sát trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quan sát, mục đích quan sát càng rõ ràng thì trẻ càng tập trung chú ý, quan sát cũng tỉ mỉ sâu sắc hơn, hiệu quả quan sát càng tốt hơn.

Thực hiện việc chuẩn bị quan sát: Đặc biệt là việc chuẩn bị những kiến thức liên quan, để giúp trẻ hiểu rõ, đồng thời phải kích thích trí tò mò ham hiểu biết của trẻ để khai thác hứng thú quan sát.

Kích thích hứng thú quan sát: Điều này là tiền đề để phát triển khả năng quan sát của trẻ, cũng là mấu chốt để giúp trẻ giữ được khả năng quan sát.

Không ngừng phát hiện và đưa ra vấn đề: Giúp trẻ quan sát một sự vật nào đó, để chúng đưa ra một vài tưởng tượng và vấn đề có gí trị đối với sự vật quan sát, rất có lợi cho việc kích thích hứng thú quan sát ở trẻ.

Nắm được nhiều phương pháp quan sát: Quan sát có trình tự nhất định, quan sát nắm được đặc điểm, vừa quan sát vừa suy nghĩ, vừa quan sát vừa so sánh, vừa quan sát vừa trao đổi.

Ngoài ra nên hướng dẫn trẻ ghi chép lại những điều mình đã quan sát được để việc quan sát có hệ thống, được ghi nhớ và dùng làm tài liệu học tập cho trẻ.

Nói chung, cha mẹ nên hướng dẫn, động viên trẻ hàng ngày thì trẻ mới có thể nâng cao được khả năng quan sát của mình.

Theo Tieuhoc
Bình luận
vtcnews.vn