Trẻ con u đầu - chuyện nhỏ mà không nhỏ

Tổng hợpThứ Hai, 21/11/2011 02:30:00 +07:00

Trẻ con, mà đặc biệt là những bé hiếu động, có lẽ không thể tránh khỏi một đôi lần bị u đầu bầm trán.

Trẻ con, mà đặc biệt là những bé hiếu động, có lẽ không thể tránh khỏi một đôi lần bị u đầu bầm trán. Thường thì những tai nạn này không có gì phải quá lo lắng, nhưng chúng cũng có thể nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta hình dung. Vì vậy, hãy trang bị cho mình kiến thức về những điều cần làm khi con bạn chẳng may bị u đầu…
Như một người mẹ chia sẻ: Lúc Jillian 3 tuổi của tôi bị trượt ngã xuống cầu thang, tôi chỉ đứng cách bé có khoảng 2 bước chân mà thôi. Một cục u xấu xí hiện lên và máu chảy ra từ vết xước trên mắt bé, tất cả chỉ trong vòng vài giây; bé bị một đôi mắt bầm tím, một vết sẹo khó coi và một cục u nổi suốt vài tuần. Tuy vậy chẩn đoán của bác sĩ thì tốt: Jillian của tôi cũng giống như hầu hết các em bé khác gặp phải tai nạn tương tự, sẽ không sao.
Bé nhỏ tuổi dễ bị u đầu có thể do muốn khám phá những giới hạn của mình (Ảnh: Inmagine) 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích không dẫn đến tử vong của trẻ em mọi độ tuổi; đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra các chấn thương đầu ở trẻ em dưới 9 tuổi, đặc biệt là những bé hiếu động dưới 4 tuổi.
Chấn động vì những va chạm này nghiêm trọng đến mức nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Giáo sư Carol DeMatteo, khoa Phục hồi Chức năng, Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, cho biết: “Hầu hết mọi người đều nghĩ chấn động chỉ là một cú va đụng vào đầu và không có gì quá nghiêm trọng.” Thật ra, chấn động, nói một cách nghiêm túc, chính là một dạng của chấn thương sọ não tuy không nhất thiết dẫn đến tổn thương lâu dài. “Cho dù đó là chấn thương nhẹ thì bạn cũng cần quan tâm và theo dõi tình trạng của bé một cách chặt chẽ,” Giáo sư DeMatteo nói.
Vì sao u đầu?
Các bé nhỏ tuổi thường rất dễ bị u đầu – do bé giữ thăng bằng chưa được tốt, do đôi chân chưa thực sự cứng cáp, cũng có thể do bé đang muốn khám phá những giới hạn của mình. Các bé có thể bị ngã từ trên giường xuống, ngã cầu thang hay do va vào nhau khi đùa giỡn ngoài sân chơi… Hầu hết các chấn thương đầu ở trẻ nhỏ thường xảy ra trong tích tắc.
Các bác sĩ đang ngày càng lo ngại một tình trạng được gọi là hội chứng tác động thứ phát. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu bé lại va đụng đầu trước khi chấn thương đầu tiên trên đầu bé đã được chữa lành thì chấn thương sau này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài hơn. Tuy hiếm gặp nhưng hội chứng tác động thứ phát có thể dẫn đến tử vong.
Bạn cần làm gì?
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, và cho đến một vài tuần sau đó, bạn cần phải theo dõi xem con mình có dấu hiệu nói năng lẫn lộn, hôn mê, nhìn không rõ, đi đứng không thăng bằng, nôn mửa, nhức đầu và đồng tử lớn hơn hoặc khác với bình thường hay không. Hãy hỏi xem liệu bé có thấy buồn nôn, có vấn đề gì trong việc cảm nhận mùi vị, hoặc thấy ù tai hay không.
Đối với các bé chưa biết đi và chưa biết nói, những dấu hiệu nguy hiểm bao gồm phần thóp trên đầu bị lồi ra, nôn mửa, thờ ơ, khó ăn và khóc nhiều. Chấn thương đầu thậm chí có thể để lại một vết lõm ở hộp sọ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhi khoa, và đưa con đi cấp cứu nếu bé bị mất ý thức.
Một chấn động nhỏ nhất cũng có thể gây hậu quả lâu dài (Ảnh: Parents) 

Đó cũng chính là những gì mà bố mẹ của cậu bé Atticus đã làm – cậu bé 5 tuổi bị ngã lộn đầu khi đang bám trên hàng rào sân chơi và bị chảy nhiều máu. Khi đến bệnh viện địa phương gần nhất, họ cố gắng giữ cho Atticus tỉnh táo. Nếu để cậu bé ngủ thiếp đi, bác sĩ sẽ rất khó chẩn đoán xem liệu bé đang ngủ thực sự hay đang bị mất ý thức. Và cuối cùng, bác sĩ đã dùng một thử nghiệm nhỏ, rạch một vết trên da đầu của Atticus để xác định rằng bé không bị mất ý thức mà chỉ mệt mỏi mà thôi. Vết rạch này không hề gây ảnh hưởng nghiêm trọng gì đến bé. Theo các chuyên gia, con người thường có rất nhiều mạch máu ở mặt và da đầu, đó là nguyên nhân vì sao vết thương ở những vùng này lại chảy máu rất nhiều.
Dấu hiệu của chấn thương
Những dấu hiệu bị chấn động là điều đầu tiên các bác sĩ tìm kiếm khi một đứa trẻ bị u đầu.
U đầu là dạng chấn thương phổ biến nhất mà chúng ta thấy ở trẻ em. Nhưng ngay cả những chấn thương nhẹ nhất cũng có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau đầu lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều ngày; những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể khiến các bé gặp vấn đề về giấc ngủ, về hành vi và ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bé ở trường học. Vì vậy, sau khi xác định bé có bị choáng hay không, bác sĩ sẽ thực hiện những kiểm tra thần kinh cơ bản như kiểm tra thị giác, thính giác, độ phản xạ và sự thăng bằng của bé.
Nếu nghi ngờ chấn thương nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT để xác định và có cách can thiệp thích hợp. Mặc dù hiện tượng tụ máu trong não do té ngã có gây chết người, nhưng các bác sĩ có thể không mấy khó khăn khi thực hiện giải phẫu và điều trị tình trạng này – đây chính là lý do vì sao cần thực hiện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Những đứa trẻ vừa trải qua chấn thương ở đầu không chỉ cần tránh các trò chơi vận động mạnh mà còn nên tránh tất cả các hoạt động đòi hỏi sự hoạt động của bộ não – thậm chí cả máy vi tính và các trò chơi điện tử. Các bé cần được ở nhà để tiện theo dõi thay vì đến trường. Sau một vài ngày, bé cần đến bác sĩ để kiểm tra lại một lần nữa để xác định những ảnh hưởng còn tồn tại. (Trong một nghiên cứu gần đây do Giáo sư DeMatteo tiến hành, hơn 70% trẻ vẫn còn những triệu chứng sau 6 tháng trải qua chấn thương.)
“Chúng tôi rất muốn biết liệu rằng trẻ đã hồi phục được lại như thời gian trước khi xảy ra chấn thương hay chưa. Đó chính là lý do về sao cần phải xác định chắc chắn rằng trẻ đã hoàn toàn khỏe mạnh để tiếp tục các hoạt động một cách bình thường,” Giáo sư DeMatteo nói.
Trẻ vừa trải qua chấn thương nên được nghỉ ngơi (Ảnh: Inmagine) 

Phương pháp phòng tránh chấn chương hiệu quả
Chúng ta đều biết rằng dù nỗ lực đến thế nào đi chăng nữa thì cũng khó lòng kiểm soát được tất cả mọi hoạt động hằng ngày của bọn trẻ. Tuy vậy ta có thể áp dụng những chiến lược an toàn cơ bản cho con mình: yêu cầu con phải đội mũ bảo hiểm khi đạp xe đạp, trượt ván… Nếu con bạn đang ở tuổi mới biết bò hoặc mới biết đi, hãy luôn để mắt đến bé, lắp cổng chắn ngay tại lối lên xuống cầu thang, bố trí các tấm chống trượt trong buồng tắm…
Nếu con bạn bị ngã, hãy cố giữ bình tĩnh để theo dõi tình hình, chú ý đến các chi tiết nhỏ trong chấn thương của bé bởi bạn sẽ cần phải cung cấp thông tin thật đầy đủ cho bác sĩ. Và nếu bé cần được đưa đến bệnh viện, bạn nên cung cấp cho bác sĩ cấp cứu những thông tin quan trọng như bé đã bị té ngã ở độ cao nào, tai nạn đã xảy ra như thế nào… để giúp bác sĩ đưa ra những quyết định điều trị tốt nhất.

Theo Webtretho
Bình luận
vtcnews.vn