Hiệu phó trường mầm non: Kiểm tra bằng mắt thường nên khó phát hiện thịt lợn nhiễm sán

Giáo dụcThứ Hai, 18/03/2019 16:54:00 +07:00

Nhà trường vẫn thường xuyên kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến nhưng bằng mắt thường nên việc phát hiện sán hay không là khó có thể khẳng định.

Ngày 18/3, bà Nguyễn Thị Mây, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, khoảng thời gian xảy ra sự việc phụ huynh tố trường dùng thực phẩm bẩn cho học sinh ăn, thì bữa ăn hôm đó, chính cô và cùng nhiều thầy cô làm việc tại nhà trường đều ăn.

“Tôi là người trực hôm đó. Tôi không hề hay biết là thực phẩm có bẩn hay nhiễm sán. Thực tế, tôi và các thầy cô khác đều dùng chung nguyên liệu như các cháu, chỉ khác là cách chế biến riêng vì các cháu còn nhỏ, nên thịt phải ninh, xay nhỏ ra thôi. Còn đối với các thầy cô, có thể là xào hay luộc, kho tùy từng hôm”, bà Mây nói.

co giao may

Cô giáo Nguyễn Thị Mây - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. (Ảnh: Anh Thư) 

Kiểm tra bằng mắt thường khó phát hiện thịt lợn nhiễm sán?

Trả lời cho câu hỏi tại sao trường không kiểm tra thực phẩm trước khi chế biến, bà Mây cho biết, nhà trường vẫn thường xuyên kiểm tra thực phẩm, thịt trước khi chế biến nhưng bằng mắt thường, nên việc phát hiện sán hay không là khó có thể khẳng định.

Những cô giáo đang dạy tại trường cũng có con em theo học tại đây, nên không thể có chuyện biết nhưng vẫn cố tình cho thực phẩm vào.

“Chúng tôi ký hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, cam kết với phụ huynh là sử dụng thực phẩm tươi ngon, nhưng do quá trình vận chuyển bắt buộc phải trong ngăn mát để bảo quản, nên khi phụ huynh sờ vào cảm thấy lạnh thì có thể nói là đông lạnh.

Nhiều người thắc mắc xương gà không có chân vì để chế biến, chúng tôi đã lọc phần thịt gà ra xay, đảo lên cho các cháu. Còn xương nhà bếp ninh lên lấy nước nấu cháo buổi chiều", bà Mây khẳng định.

Học sinh tới lớp giảm nhiều

Theo ghi nhận của VTC News, buổi sáng nay, có khá đông phụ huynh đưa con em tới lấy máu, xét nghiệm tại trường mầm non Thanh Khương. Nhưng tới chiều chỉ còn lác đác vài cháu tới khám. Theo phản ánh một số người thì họ không tin vào kết quả xét nghiệm, một số gia đình đã đưa con lên Hà Nội tiếp tục thăm khám. 

Tại các lớp học, sĩ số học sinh thưa thớt hơn, có lớp chỉ còn 5-6 em đi học. 

Hiệu phó Nguyễn Thị Mây thừa nhận thực trạng này. Bà cho biết số lượng học sinh giảm mạnh dù nhà dù trường đã thay đơn vị cung cấp thực phẩm.

“Là người giáo viên, tôi thực sự rất buồn vì mọi chuyện đã xảy ra, nhưng tôi cũng mong phần nào người dân nên yên tâm. Tất cả đã có cơ quan chức năng giải quyết, mọi chuyện đúng sai thế nào phải đợi kết luận mới”, bà Mây nói.

Để lấy lại niềm tin trong nhân dân, nhà trường đã quyết định từ nay sẽ cho cha mẹ trực tiếp kiểm tra thực phẩm nấu ăn cho trẻ mỗi khi tới trường, từ đó họ yên tâm hơn trong công tác chăm sóc trẻ tại lớp.

nguoi dan tap trung

Rất đông người dân tập trung tại trường bức xúc đòi nhà trường giải thích rõ trách nhiệm. (Ảnh: Phạm Quý)

Phụ huynh: 'Ai là người đứng sau mọi chuyện'

Đến 16h chiều nay, dù không còn đưa trẻ đến xét nghiệm, nhưng vẫn còn rất đông phụ huynh tập trung tại cổng Trường Mầm non xã Thanh Khương, yêu cầu nhà trường và các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các bên có liên quan.

"Sau này làm gì còn ai dám đưa con cháu đến trường học nữa, điều những người dân như chúng tôi cần là câu trả lời cụ thể, giải thích tại sao và ai là người đứng sau mọi chuyện, khiến con chúng tôi phải khổ như vậy. Chúng nó là trẻ con, biết đâu là thực phẩm bẩn hay sạch đâu mà tránh”, bà Nguyễn Thị Hải nói.

Có con theo học tại trường, chứng kiến cảnh mũi tiêm lấy máu từ cánh tay của cháu, ông Việt không giữ được bình tĩnh: “Trẻ con nó có tội tình gì đâu mà đưa các cháu vào hoàn cảnh thế này. Giờ đây chúng tôi còn biết giao con cho ai,  đây còn biết giao con cho ai được nữa khi tới trường người ta toàn cho các cháu ăn toàn những thứ không đảm bảo”.

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo một số biện pháp xử lý tình trạng nhiều trẻ em bị nhiễm sán lợn tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế điều động ngay bác sỹ, lực lượng chuyên môn, thiết bị về huyện Thuận Thành-Bắc Ninh để xét nghiệm cho các em học sinh. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Ninh xác minh làm rõ nguyên nhân và sớm công khai kết quả.

Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo trên phạm vi cả nước về việc cung cấp thực phẩm, thức ăn cho các trường học đảm bảo an toàn cho học sinh.

Video: Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương: "Trò ăn gì, cô ăn nấy"

 

Phạm Quý - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn