Tranh thủ đẻ để nhờ ông bà trông cháu khi đang còn khỏe

Đời sốngThứ Ba, 02/01/2018 08:00:00 +07:00

Suy nghĩ này hẳn sẽ khiến nhiều người bức xúc khi nhiều cặp vợ chồng trẻ phó mặc chuyện chăm lo cháu cho ông bà.

Ông bà trông cháu là khái niệm mà nhiều người mặc định trong đầu, cho rằng đấy là công việc của ông bà, bắt buộc phải thực hiện. Thậm chí, có những ông bố, bà mẹ giận dỗi khi đẻ đứa con ra mà ông bà không đỡ đần được gì. Còn có những gia đình thì đẻ dày 3 năm 2 đứa để tranh thủ lúc ông bà còn khỏe có thể trông cháu giúp.

Hình minh họa

Quan điểm này không chỉ bây giờ mới có mà nó gần như ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, già khuyên trẻ, bác khuyên cháu và cả những bà mẹ bỉm sữa cũng "rủ nhau" đẻ để nhờ cậy ông bà. Thiết nghĩ, như vậy có phải đang bóc lột ông bà với những gánh nặng bỉm sữa cho cháu không?

Điều tất nhiên, khi có đứa cháu ông bà là những người hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bởi trải qua một đời lam lũ tất bật với cuộc sống cơm áo gạo tiền thì nay đã được nghỉ dưỡng quây quần bên con cháu. Còn gì vui hơn khi ông bà được bế bồng, chơi đùa với đứa cháu bé bỏng của mình, kể cho cháu nghe những câu chuyện về cuộc đời ông bà đã trải qua. Việc này cũng giúp tình cảm giữa ông bà và những đứa cháu được vun đắp gần gũi hơn.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, người ta hay nghĩ về quá khứ và tự hào về những việc mình đã làm được. Bởi thế, có ai đó để mà dãi bày thì còn gì bằng. Liệu ai đã hiểu được tâm lý ông bà và nghĩ cho ông bà chưa? Hay đã vội "giam lỏng" họ lại để chăm lo từ ăn uống đến giặt giũ cho đứa cháu? Chưa kể tuổi cao sức yếu, có những khi thời tiết thay đổi xương khớp lại đau nhức mà vẫn phải chạy theo đứa cháu vì sợ chúng nghịch và ngã đau.

Biết rằng, thời buổi kinh tế khó khăn không phải ai cũng có thể nghỉ việc ở nhà trông con, nhưng hoàn toàn có thể thuê giúp việc hay gửi người trông. Bố mẹ có thể vất vả để kiếm nhiều tiền hơn nhưng vừa hoàn thành được trách nhiệm phụng dưỡng ông bà tuổi già, vừa có thể cho con cái được chăm nuôi đàng hoàng.

Hình minh họa

Cạnh nhà tôi, có đôi vợ chồng đi làm ăn xa nhà, tha lôi ba đứa con và kèm theo đó là bà nội phải đi cùng để trông cháu. Năm nào Tết về, nhìn bác cũng gầy còm, khuôn mặt heo hóp với 3 đứa cháu lít nhít đi theo. Một tay bác bế đứa bé nhất 1 tuổi, một tay dắt đứa 3 tuổi và đứa lớn 7 tuổi chạy theo sau. Ai nhìn thấy cũng tưởng rằng bác thật hạnh phúc với "con đàn, cháu đống" nhưng ai biết rằng bác phải vất vả chăm nuôi chúng từ A đến Z vì bố mẹ bận đi làm.

Video: Anh sắp có luật cho các ông bố nghỉ phép ở nhà trông con 

Bởi thế, ở hoàn cảnh của gia đình ấy, bố mẹ nên gửi con đi học, sáng đi tối về và dành thời gian dạy dỗ con cái chứ không phải nhờ cậy quá mức ở bà như vậy.

Bản thân tôi cũng đang phải đối mặt với sự hạn hẹp về kinh tế khi quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con. Tuy rằng ông bà nội, ngoại còn khỏe và có thể trông cháu nhưng tôi thấy đây là nghĩa vụ của mình không nên đẩy cho ông bà. Hơn nữa, cách chăm sóc trẻ nhỏ của hai thế hệ có nhiều phần khác biệt, nhiều quan niệm hay cách làm của ông bà không còn phù hợp với thời buổi bây giờ. Thế nên, dù vất vả vợ chồng tôi vẫn cố gắng chăm chút cho con tốt nhất, lại có thể phụng dưỡng ông bà khi tuổi già.

Hình minh họa

Đừng nghĩ rằng đẻ con ra đã có ông bà chăm nuôi và càng không thể đẻ dày để tranh thủ lúc ông bà còn khỏe trông giúp. Hai suy nghĩ này không khác nào biến ông bà thành osin cho chúng ta. Chưa kể đến việc đẻ dày cũng có nhiều điều bất cập như không thể nuôi dạy chúng một cách chu đáo, sức khỏe của người mẹ yếu kém và có thể gặp nhiều tai biến khi sinh lần sau.

Suy cho cùng, đã xác định xây dựng gia đình và có khả năng làm bố mẹ thì phải có khả năng nuôi và chăm sóc con cái. Không được đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ ai đặc biệt là ông bà. Có như vậy gia đình mới yên ấm và không còn những mâu thuẫn không đáng có về việc nuôi con. 

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

DH
Bình luận
vtcnews.vn