Tranh luận ‘nóng’ sửa đổi Hiến pháp

Thời sựThứ Tư, 13/03/2013 10:57:00 +07:00

(VTC News) – Các đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận sôi nổi một số vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(VTC News) – Các đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận sôi nổi một số vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Sáng (13/3), Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.  


Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.

Sau hai tháng rưỡi triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong hai ngày làm việc (13 – 14/3), ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các ĐBQH thảo luận về một số vấn đề lớn đang gây tranh luận sau hơn hai tháng lấy ý kiến nhân dân.

Sáng nay (13/3), Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.  

Điều 4 cần thể hiện rành mạch

Có ý kiến cho rằng nên bỏ nội dung Điều 4, quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, để tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các chính đảng.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói: “Tôi phản đối những người đề nghị bỏ điều 4 đi. Không thể bỏ được, nhưng phải thể hiện như thế nào cho rõ, rành mạch hơn để nhân dân tin tưởng hơn.

Tôi cho rằng việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết và không thể thay thế. Chúng tôi đề nghị bổ sung, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Người ta vẫn băn khoăn về cơ chế giám sát Đảng như thế nào. Ai giám sát và cơ chế giám sát có được không? Nếu Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân thì phải làm rõ ai đứng ra giám sát và tổ chức giám sát như thế nào?”.

Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với quan điểm của ông Thuyền rằng không nên bỏ Điều 4 mà cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và các đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

Còn theo lập luận của ban biên tập, hầu hết các ý kiến đều đồng tình cơ bản với những nội dung chính của dự thảo. Với những góc nhìn khác (về điều 4, sở hữu tư nhân về đất đai, Tòa án Hiến pháp…), ban biên tập cho rằng cứ giữ nguyên như dự thảo là phù hợp.

Ban biên tập dự thảo cho rằng quy định như trong điều 4 là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Minh Quân) 
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân


Bên cạnh những tranh luận sôi nổi về Điều 4, các đại biểu quốc hội chuyên trách cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Dự thảo chuyển các quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân tại các chương khác về chương II, làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

 Đồng thời, sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính khả thi hơn.


Dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới đó là: Quyền sống (điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 23), quyền kết hôn và ly hôn (điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 44), quyền xác định dân tộc (điều 45), quyền được sống trong môi trường trong lành (điều 46)…

Hầu hết ý kiến đóng góp về Chương này đều đồng tình với các quy định của Dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo cần được làm rõ hơn, cũng như các trường hợp quy định về giới hạn quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, chương này nên sắp xếp lại.

“Nên nêu quyền con người trước, sau đó mới nói tới quyền và nghĩa vụ của công dân thì hợp lý hơn. Hiện giờ tôi thấy chúng ta đang sắp xếp lẫn lộn, đan xen. 15 quyền của con người phải thể hiện hết trước, sau đó mới tới 21 điều nói về quyền và nghĩa vụ của công dân”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu quốc hội chuyên trách cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề khác như vấn đề bảo vệ Tổ quốc (chương IV), về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, hkoa học, công nghệ và môi trường (Chương III), về tổ chức bộ máy Nhà nước, về Quốc hội (chương V), về Chủ tịch nước (chương VI), về Chính phủ (Chương VII), về Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (chương VIII), về chính quyền địa phương (chương IX), về Hội đồng Hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước (chương X), về Quy trình sửa đổi Hiến pháp (chương XI).

Liên quan đến chế định Chủ tịch nước, dự thảo đã sắp xếp, bổ sung để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Đa số ý kiến thảo luận vừa qua đều tán thành với những sửa đổi, bổ sung mới này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực  lượng vũ trang. Có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là Tổng bí thư. Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu thay thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ban biên tập dự thảo cho rằng quy định như trong dự thảo là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta do Đảng lãnh đạo. Nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

 

Các đại biểu quốc hội chuyên trách cũng thảo luận sôi nổi về các vấn đề khác như vấn đề bảo vệ Tổ quốc (chương IV), về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, hkoa học, công nghệ và môi trường (Chương III), về tổ chức bộ máy Nhà nước, về Quốc hội (chương V), về Chủ tịch nước (chương VI), về Chính phủ (Chương VII), về Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (chương VIII), về chính quyền địa phương (chương IX), về Hội đồng Hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước (chương X), về Quy trình sửa đổi Hiến pháp (chương XI).


 
Liên quan đến 3 thiết chế hiến định độc lập  như Hội đồng Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, ông Phan Trung Lý cho hay, hầu hết ý kiến tán thành với việc bổ sung 3 cơ quan này vào Hiến pháp.


Song, có một số ý kiến đề nghị thay đổi Hội đồng Hiến pháp bằng chế định Tòa án Hiến pháp và có quyền phán quyết đối với những hành vi vi phạm Hiến pháp.
Cũng có ý kiến khác đề nghị không cần thiết phải thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia mà nên có một tổ chức tương đương như Ban công tác đại biểu của QH để gọn nhẹ, chất lượng và tránh sự cồng kềnh trong bộ máy.

Ban biên tập cho rằng, cùng với việc tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế  bảo vệ Hiến pháp hiện hành thì việc bổ sung thiết chế Hội đồng bảo hiến là rất cần thiết.

Về đề xuất người dân phải có quyền phúc quyết hiến pháp, ông Phan Trung Lý cho rằng, quy định như hiện nay là phù hợp. Người dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thông qua QH, HĐND… Quy định như dự thảo cũng đã thể hiện được đầy đủ chủ quyền nhân dân.

Liên quan đến nội dung về đất đai, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai.

Quan điểm thống nhất của Ban Biên tập cho rằng, xuyên suốt từ Hiến pháp 1980 đến nay, đấu đai thuộc sở hữu toàn dân. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia; đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam. 

Điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi này là việc hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Điều này, ông Lý nhấn mạnh, vừa thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai.

Về cơ chế thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng nếu quy định trong Hiến pháp việc nhà nước thu hồi đất để phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội thì rất dễ dẫn đến tùy tiện, lạm quyền; mâu thuẫn với việc bảo hộ quyền tài sản của người dân về đất đai. Ông Phan Trung Lý cho rằng, đây là một ý kiến cần được tiếp thu nghiên cứu để có phương án hợp lý trình Quốc hội xem xét quyết định.

Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày (13-14/3), với mục tiêu tiếp tục đưa ra các luận cứ thảo luận về những nội dung còn đang tranh luận.



Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn