Tranh luận nảy lửa về ô kính nắp quan tài

Thời sựThứ Ba, 08/01/2013 05:20:00 +07:00

(VTC News) – Có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới quy định trên nắp quan tài không được để ô kính.

(VTC News) – Có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới quy định trên nắp quan tài không được để ô kính để xem mặt người quá cố.

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 17/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. Điều 4 của Thông tư này quy định rằng: “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Từ ngày 1/2/2013, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định theo Nghị định này sẽ bị phê bình hoặc xử phạt hành chính.

Lý giải về căn nguyên của quy định này với báo giới, Bộ Văn hóa cho rằng có 3 lý do: Thứ nhất, lắp kính trên nắp quan tài không phải là truyền thống.

Thứ hai, việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ.

Thứ ba, việc lắp kính này nếu không khéo có thể gây đổ vỡ rơi xuống mặt người đã mất.

Sau khi đọc quy định này, dư luận đã chia thành hai phe đối lập nhau và tỏ rõ vệ quan điểm của mình.

Ủng hộ

Có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới quy định trên nắp quan tài không được để ô kính để xem mặt người quá cố.  

Đại diện cho những người ủng hộ quy định mới này, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Phó trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, việc để ô kính để xem mặt người quá cố trên nắp quan tài là do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chứ tại Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê, người ta đâu có làm vậy.


“Theo quan niệm, một khi con người ta đã mất đi tức là đứt đoạn với dương trần này rồi. Nếu gia đình nhìn mặt họ khi họ đã chết có thể sẽ gợi lại cảm giác đau xót khiến người chết khó được siêu thoát.

Ở nông thôn Việt Nam theo tôi thấy, hầu như không có chuyện để ô kính trên nắp quan tài trừ những nhà giàu có học theo cách sống của đô thị. Cá nhân tôi quan niệm, không để ô kính trên nắp quan tài là phù hợp với văn hóa Việt Nam”, bà Diệp phân tích.

Những cũng lắm phản đối

Trao đổi với phóng viên VTC News, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Giảng viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để ô  kính hay không là tùy thuộc vào quyết định của từng gia đình chứ quy định thì khó làm lắm.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái 
“Tôi không đồng ý với quy định trên. Như thế là áp đặt! Chỉ nên khuyến nghị người ta không nên để thì tốt hơn thôi, còn phải để người ta tự giác chứ.


Ví dụ Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đình Nghi trước khi mất từng yêu cầu gia đình không để ô kính trên nắp quan tài vì ông ấy không muốn để người khác trông thấy mình không đẹp. Có thể thấy ông ấy có chủ ý trong việc xử lý đám ma của chính mình.

Có thể nói, để ô kính hay không phụ thuộc vào quan niệm của người ta trước khi chết hoặc của người tổ chức đưa đám. Do có những phong tục truyền thống, phong tục thời hiện tại như vậy nên việc thay đổi nó hoặc đưa ra những quyết định như trên rất là khó làm ngay. Thậm chí, sẽ còn vấp phải sự phản đối của người dân bởi người ta không chủ động được việc đấy.

Đám cưới có thể chủ động mời bao nhiêu người được, nhưng đám ma thì sao có thể biết được bao nhiêu người tới viếng?”, bà Minh Thái nói.

Cũng theo TS. Minh Thái, muốn chủ động được trong đám ma thì phải học nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn.

“Trước khi qua đời, ông đã dặn các con phải đứng ra tuyên bố là không nhận vòng hoa, tiền phúng viếng vì như thế rất tốn tiền của nghệ sĩ. Nếu nhất định phải nhận tiền thì mang toàn bộ số tiền đó cho trẻ mồ côi, làm từ thiện",

Ngoài ra, ông ấy còn dặn các con không được khóc trong đám ma vì ông ấy cảm thấy khi còn sống đã làm được hết những việc thỏa mãn trong cuộc đời rồi nên cái chết là một niềm vui với ông ấy”, bà Thái cho biết thêm.

 

Không nên sợ mất vệ sinh vì nếu có bệnh truyền nhiễm đã có bên y tế lo. Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người ta sẽ lo

PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian
 
Trước đó, trả lời báo giới, PGS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng không nên có quy định quá cụ thể như vậy.

 Việc sử dụng quan tài có kính, theo ông phụ thuộc phong tục tập quán từng nơi, từng gia đình. “Không nên sợ mất vệ sinh vì nếu có bệnh truyền nhiễm đã có bên y tế lo. Chuyện vỡ kính quan tài, tự thân nhà người sẽ lo”. 


Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thế Long - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội cho rằng, việc để ô kính trên áo quan cũng không hề ảnh hưởng gì đến thuần phong mĩ tục của dân tộc cả nên không nhất thiết phải đặt ra quy định để… cấm.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn