Tranh luận gay gắt về quy định họ, tên không dài quá 25 chữ cái

Thời sựThứ Ba, 12/05/2015 02:33:00 +07:00

Quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gặp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

(VTC News) – Quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) gặp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Sáng 12/5, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Một trong số các vấn đề được tách riêng tại báo cáo để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quyền đối với họ, tên và chữ đệm.

Họ và tên
Quy định họ, tên, chữ đệm không quá 25 chữ cái trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) còn gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định cá nhân có quyền có họ, tên, chữ đệm, xác định dân tộc và xác định lại dân tộc.

Dự thảo cũng quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái. Cấm lợi dụng việc thay đổi họ, tên, chữ đệm nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.


Đại diện ban soạn thảo cho rằng việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.

Bên cạnh đó, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với "tập quán, thuần phong mỹ tục" của Việt Nam. Nhiều tên quá dài, không thuần Việt nhưng cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối.

Thứ ba, quy định trên là để đồng bộ với quy định có liên quan của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam.

Video: Lời hứa của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn trước Quốc hội

Nguồn: VTV

Về việc khống chế họ, tên và chữ đệm không quá 25 chữ cái, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng quy định này là hợp lý.

Vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ, đưa vào danh mục và giao dịch. Ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng tên được quy định đến 25 chữ cái là đảm bảo.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội lại cho rằng: “Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt”.

Trước vấn đề còn nhiều tranh luận, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái cần phải được thuyết minh rõ và thuyết phục hơn.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần “chữ đệm”. Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng “Họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng.

Một số ý kiến của thành viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn: “Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không?”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn