Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Cần xem lại nhiều vấn đề ở tòa sơ thẩm

Pháp đìnhThứ Sáu, 21/08/2020 22:03:22 +07:00
(VTC News) -

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp Cty TDS và Trường Newton, luật sư của nguyên đơn cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng.

Chiều 19/8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp trường TH - THCS Pascal giữa Công ty TDS và trường Newton (đơn vị quản lý trường TH - THCS Pascal) đã xảy ra nhiều năm.

Phiên tòa diễn ra với sự có mặt của bà Trần Kim Phương (đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS), bà Lê Thị Bích Dung (đại diện trường THCS-THPT Newton), ông Lê Văn Vàng (đại diện trường TH - THCS Pascal), ông Vũ Thế Lợi (Phó GĐ Công ty TDS), cùng với đại diện của Công ty Khai Phát và một cổ đông của Công ty TDS.

Tại phiên tòa, luật sư của nguyên đơn (Công ty TDS) cho rằng, tòa án sơ thẩm đã vi phạm Điều 200, 201 Bộ luật tố tụng dân sự về việc thụ lý đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập của bị đơn (trường Newton) và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (trường Pascal).

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Cần xem lại nhiều vấn đề ở tòa sơ thẩm - 1

Phiên tòa xét xử phúc thẩm chiều 19/8.

Bởi theo Điều 200, 201 Bộ luật tố tụng dân sự thì bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp, kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải.

Tuy nhiên, thực tế toà án cấp sơ thẩm mở cuộc họp, công khai chứng cứ vụ án nêu trên vào ngày 9/5/2019, nhưng đến ngày 9/8/2019 trường Newton mới có đơn phản tố và ngày 17/09/2029 Trường Pascal mới có đơn yêu cầu độc lập, tức là quá hạn thụ lý đơn hơn 4 tháng.

Theo một nữ luật sư của nguyên đơn, bà Lê Thị Bích Dung không được làm người đại diện cho bị đơn trong vụ án này vì bà Dung là đại diện của trường Newton tham gia tố tụng vụ án với tư cách là bị đơn, nhưng cũng đồng thời là cổ đông sở hữu 20,3% cổ phần. Đồng thời, bà Dung còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TDS (là nguyên đơn trong vụ án).

Từ đó, nữ luật sư cho rằng, một mình bà Dung mang 2 vị trí tố tụng có quyền lợi đối lập nhau trong 1 vụ án nên bà Dung thuộc trường hợp không được làm đại diện tham gia vụ án với tư cách là bị đơn theo Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự.

"Trong phiên tòa này, bà Dung không có tư cách đại diện cho trường Newton còn do giấy ủy quyền của ông Lê Thanh Sơn chỉ có thời hạn đến 20/4/2020", nữ luật sư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về yêu cầu độc lập của trường Pascal, luật sư nguyên đơn cho rằng HĐXX cần xem xét lại tư cách khởi kiện của ông Lê Văn Vàng vì theo hồ sơ, ông Lê Văn Vàng là người đại diện cho Trường Newton viết đơn khởi kiện.

"Do đó, về hình thức, toà sơ thẩm đang xác định Trường Pascal là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì trường Pascal chỉ có quyền yêu cầu độc lập chứ không phải khởi kiện vụ án", nữ luật sư nói.

Mặt khác, tại giấy uỷ quyền của Chủ tịch HĐQT trường Pascal cho ông Vàng không có nội dung uỷ quyền khởi kiện. Vì vậy, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại.

Nữ luật sư của bên nguyên đơn cũng cho rằng, tòa sơ thẩm chưa xác minh tài sản tranh chấp là toàn bộ phần đầu tư xây dựng của Trường Newton trên phần đất lô TH1 (rộng 7.200m2) để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

"Phải chú ý đến hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty TDS và Công ty Khai Phát cũng như hợp đồng huy động vốn giữa Công ty Khai Phát và Trường Newton.

Trong 2 hợp đồng này thể hiện, Công ty Khai Phát ủy quyền cho Trường Newton đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trên toàn bộ diện tích đất lô TH1, chứ không phải chỉ trên diện tích đất 3.600m2 đất mà 2 bên thoả thuận tương ứng với số cổ phần chuyển nhượng theo hợp đồng ngày 23/1/2017.

Do vậy, để xác định chính xác việc đầu tư trên diện tích đất 7.200m2 đất hay toàn bộ phần xây dựng và cơ sở vật chất trên đó sau khi được quyết toán sẽ thuộc về ai thì cần phải thẩm định chi tiết để xác định cụ thể. Tuy nhiên, toà sơ thẩm mới chỉ xem xét tại chỗ mà chưa tiến hành định giá tài sản dẫn đến việc giải quyết không thể triệt để được", nữ luật phân tích.

Đặc biệt, luật sư của nguyên đơn cho rằng, bà Trần Kim Phương là người có quyền và nghĩa vụ quan trọng (không thể thiếu) trong vụ án nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng vụ án.

Trong vụ án này, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn thực hiện hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 03/11/2016 và phụ lục hợp đồng số 01 ngày 19/1/2017.

Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện Công ty TDS yêu cầu toà án xét xử nội dung thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo văn bản thoả thuận giữa Công ty TDS và bà Lê Thị Bích Dung. Đồng thời, công ty này yêu cầu bà Dung trả hoá đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2 tỷ đồng), theo biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/5/2018.

Bị đơn sau đó cũng có đơn phản tố đề nghị huỷ phần thoả thuận trường Pascal chuyển nhượng 49% cổ phần cho bà Phương giữa Trường Newton và bà Trần Kim Phương.

Tuy nhiên, khi xét xử, toàn án sơ thẩm lại xử (công nhận hiệu lực) một hợp đồng mà cả nguyên đơn và bị đơn không ai khởi kiện. Đó là hợp đồng bà Trần Kim Phương chuyển nhượng cho Trường Newton 13,09% cổ phần của và Phương tại Công ty TDS.

"Hợp đồng này được ký kết giữa cá nhân bà Phương và Trường Newton (do bà Dung làm đại diện). Vì vậy, trong trường hợp Toà án tuyên xử hợp đồng này, thì phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cá nhân bà Phương. Bởi quyết định này trực tiếp làm mất hoặc còn 13,09% cổ phần của cá nhân bà Phương.

Vì thế, bà Phương không chỉ mang một tư cách là đại diện cho Công ty TDS mà bà mang tư cách là người sở hữu 13,09% cổ phần tại Công ty TDS", luật sư nguyên đơn trình bày.

Luậ sư của nguyên đơn cho rằng, trong đơn phản tố của trường Newton không đề nghị nội dung này, mà nội dung này chỉ xuất hiện khi toà án thụ lý đơn của trường Newton kiện về 5 nội dung khác.

Vì vậy, luật sư của nguyên đơn đề nghị HĐXX xem xét lại việc tòa sơ thẩm tuyên về việc "công nhận hiệu lực hợp đồng ngày 23/01/2017", bởi đây không phải là nội dung khởi kiện của các bên.

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Cần xem lại nhiều vấn đề ở tòa sơ thẩm - 2

Trường THCS - THPT Newton.

"Đồng thời, nếu tòa xét hợp đồng trên thì việc không đưa bà Phương vào tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện khiến bà Phương không được thực hiện các quyền lợi của người bị kiện kèm theo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bản thân.

Hiện nay, bà Phương đang mất đi 13,09% cổ phần tại Công ty TDS, chứ không phải Công ty TDS mất. Nhưng bà Phương không được thực hiện các quyền tố tụng theo quy định của BLTTDS", nữ luật sư kiến nghị HĐXX.

Sau đó, luật sư nguyên đơn cho rằng phiên tòa đang thiếu người tham gia tố tụng khác, là các thành viên HĐQT Trường Newton và luật sư tham gia trực tiếp tư vấn, soạn thảo, làm chứng việc Trường Newton và bà Trần Thị Kim Phương ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07/2018. Việc này nhằm làm rõ có hay không việc trường Newton bị bà Phương ép ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (vì bản án quyết định hợp đồng 07 vô hiệu do bị ép ký).

Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX thông báo tạm dừng phiên tòa và đến 13h30 ngày 28/8/2020, phiên phúc thẩm của vụ án sẽ tiếp tục xét xử để các bên thu thập, bổ sung thêm các tài liệu liên quan đến vụ án.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn