Tranh cãi khu nghỉ dưỡng ở Hải Vân: ‘An ninh quốc phòng là trên hết’

Thời sựThứ Tư, 26/11/2014 07:45:00 +07:00

(VTC News) – Liên quan đến tranh chấp tại núi Hải Vân, ĐBQH Phạm Trường Dân cho rằng phải đặt vấn đề an ninh quốc phòng lên trên hết.

(VTC News) – Liên quan đến tranh chấp tại Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine, ĐBQH Phạm Trường Dân cho rằng kể cả nếu xét thấy hiệu quả kinh tế cao, cũng cần phải biết gạt bỏ, đặt vấn đề an ninh quốc phòng trên hết.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/11, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng  Nam) nhấn mạnh: khu vực đèo Hải Vân là vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, kể cả nếu xét thấy hiệu quả kinh tế cao, cũng cần phải biết gạt bỏ, đặt vấn đề an ninh quốc phòng trên hết.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine được cấp phépxây dựng tại khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng 
- Theo nguyên tắc khu vực đang tranh chấp không được đầu tư xây dựng nhưng Thừa Thiên - Huế lại cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài. Ông bình luận thế nào về việc này?

Khu vực đang tranh chấp mà Huế quyết định như vậy là chưa thoả đáng. Các đại biểu Quốc hội, tư lệnh quân khu 5 đã có ý kiến. Phải cần có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng, Công an.

Việc cho nước ngoài đầu tư xây dựng tôi không đồng tình, vì đó là vùng đang tranh chấp, và nó khống chế vùng vịnh Đà Nẵng, liên quan đến quốc phòng an ninh nên phải có ý kiến của 2 bộ này. Kinh tế phải đi liền với quốc phòng an ninh.

ĐBQH Phạm Trường Dân
- Khi cấp phép Huế cho rằng đó là khu vực thuộc Huế, còn Đà Nẵng nói rằng đó là khu vực tranh chấp. Theo ông việc này phải xử lý như thế nào?


Chính vì đang còn nhiều ý kiến, còn tranh chấp nên mới cần trọng tài để phân xử. Trọng tài đó là Chính phủ. Chính phủ căn cứ vào quy định trong luật về đất đai, quy định của Chính phủ, xác định đất của địa phương nào.

Khi có quyết định, vị trí liên quan đến quốc phòng an ninh phải có ý kiến của Bộ quốc phòng và công an.


- Có ý kiến đề nghị lãnh đạo Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án này, nếu rút lại thì phải bồi thường, nhưng vấn đề là ai bồi thường, và lấy tiền từ đâu để bồi thường cho nhà đầu tư?

Nếu đã cấp phép từ 2013, nay dừng lại thì về nguyên tắc phải bồi thường cho nhà đầu tư. Hiện doanh nghiệp họ đã đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng ban đầu, đường sá… Số tiền mà họ đã bỏ ra thì cần được đền bù nếu như dự án phải dừng lại, đó là đúng luật thôi.

 Tuy nhiên tôi cho rằng số tiền để đền bù trong trường hợp này không thể lấy từ ngân sách quốc gia. Tuyệt đối không thể lấy tiền ngân sách để bồi thường nếu dừng dự án.

- Nếu thu hồi dự án thì theo ông cần trách nhiệm của những người có liên quan như thế nào?

Khi thu hồi phải xử lý quy trách nhiệm, ai là người có trách nhiệm. Người làm sai phải chịu trách nhiệm, không được dùng ngân sách quốc gia để xử lý hậu quả vụ việc này.

 

Chính vì đang còn nhiều ý kiến, còn tranh chấp nên mới cần trọng tài để phân xử. Trọng tài đó là Chính phủ.
ĐBQH Phạm Trường Dân
 
- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của khu vực Cửa Khẻm - mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân mà Thừa Thiên- Huế đã cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư dự án?


Tôi là người Quảng Nam, biết khu vực đó, đó là khu vưc quan trọng, khống chế toàn bộ vùng vịnh Đà Nẵng. Trước đây, Pháp Mỹ đều đổ bộ từ đây vào Việt Nam.

Nếu cho nước ngoài đầu tư thì quản lý như thế nào? Nếu có sự cố liên quan đến quốc phòng an ninh thì xử lý ra sao? Vấn đề này cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.


Thực ra phải tầm nhìn của các nhà quân sự, công an, những người trực tiếp làm quốc phòng an ninh mới nhìn rõ vị trí của khu vực này.

- Vậy theo ông có nên cho thực hiện dự án này?

Nếu xét góc độ kinh tế mà cũng phát triển tốt, quốc phòng cũng quan trọng thì phải đặt quốc phòng lên trên.

 

Nếu xét góc độ kinh tế mà cũng phát triển tốt, quốc phòng cũng quan trọng thì phải đặt quốc phòng lên trên.
 
Nếu Bộ Quốc phòng, Bộ công an không cho xây dựng thì không được làm vì lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.


- Trước đây đã xảy ra tình trạng cho nước ngoài thuê đất rừng ở những vùng xung yếu, giờ lại tái diễn trong vụ việc này. Theo ông có phải do chúng ta chưa xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm trước nên không có sức răn đe?

Quảng Nam cũng có chuyện cho nước thuê đất rừng, đã phát hiện, báo cáo Bộ, báo cáo lên trung ương, cuối cùng phải dừng lại.

Theo tôi, việc này cần xử lý mạnh, để làm gương. Tuỳ theo tính chất vụ việc, Chính phủ, Trung ương sẽ quy trách nhiệm cụ thể đối với người có liên quan trực tiếp đến vụ việc và có hình thức xử lý thích hợp.

- Nhiều người băn khoăn chỉ một việc nhỏ là nghỉ tết bao nhiêu ngày nhưng Bộ Lao động vẫn hỏi xin ý kiến Chính phủ, trong khi Thừa Thiên - Huế cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng ở vị trí trọng yếu thì không hỏi ý kiến Thủ tướng. Ông bình luận gì về điều này?


Đây là 2 việc khác nhau nên mình không nên đánh đồng. Nghỉ bao nhiêu ngay cũng quan trọng vì liên quan đến lao động nên Bộ Lao động xin ý kiến Chính phủ là đúng.

Vấn đề Thừa Thiên – Huế liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, nếu ở vị trí quan trọng phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Công an, trên cơ sở đó mới báo cáo Chính phủ. Chính phủ thường phải nghe ý kiến bộ ngành đặc biệt là các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn