Tranh cãi đề thi 'Ngọc Trinh, Lê Thị Huyền Anh’

Giáo dụcThứ Sáu, 11/10/2013 07:49:00 +07:00

(VTC News)- Việc đưa phát ngôn sốc của Ngọc Trinh và “Bà Tưng – Lê Thị Huyền Anh” vào đề thi học sinh giỏi Văn của TP Hải Phòng đã gây ra nhiều tranh cãi.

(VTC News)- Việc đưa phát ngôn sốc của Ngọc Trinh và “Bà Tưng" - Lê Thị Huyền Anh vào đề thi học sinh giỏi Văn của TP Hải Phòng đã gây ra nhiều tranh cãi.

Chuyên gia phản đối?

Ngay sau khi được đưa lên mạng, đề thi học sinh giỏi Văn của TP Hải Phòng với sự xuất hiện của Ngọc Trinh và “Bà Tưng” – Lê Thị Huyền Anh đã nhận được sự quan tâm lớn từ dân mạng.

Đề văn thi học sinh giỏi TP Hải Phòng gây tranh cãi
Đề văn thi học sinh giỏi TP Hải Phòng gây tranh cãi 
“Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng : "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền (theo Vietnamnet)

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
 
Sau khi đọc đề văn này, PGS.Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) đã khẳng định không tán thành câu hỏi của đề thi. Ông cũng cho rằng không phải tất cả học sinh đều biết về hai nữ nhân vật “tai tiếng” này.

Muốn làm được tốt đề thi thì học sinh phải hiểu về vấn đề và nhân vật đang được bàn tới. Sau đó, học sinh phải có lập luận rõ ràng và có quan điểm đúng đắn mới có thể làm được bài và không sa đà vào “chém gió”.

“Vậy khi đưa câu nói của Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề thi của học sinh phải chăng để khuyến khích các em đọc về những câu chuyện lá cải như thế?”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
 
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng mặc dù đề tài liên quan Ngọc Trinh và Bà Tưng thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ nhưng không phải ai cũng biết về 2 nhân vật này.

Về đề thi này, PGS Văn Như Cương cho rằng nó chưa toàn diện, chưa phổ cập. Nội dung đề thi không hướng tới tất cả đối tượng dự thi là phi giáo dục.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định rằng đề thi học sinh giỏi Văn ở Hải Phòng là một đề thi không sai nhưng không được hay.

“Đề thi không hay ở chỗ động chạm đến một vấn đề xã hội đã được đánh giá rồi. Hai nhân vật được đưa vào đề văn đã bị dư luận xã hội lên án trong thời gian vừa qua”, TS Tùng Lâm cho biết.

Vấn đề nêu ra cũng không mới. Đây là một đề thi mở nhưng lại không khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh vì dường như đối với đề này, các em học sinh dường như chỉ được chọn phương án lên án phát ngôn của “Bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh và Ngọc Trinh.

Ở đề thi này, các em không thể lên tiếng ủng hộ cho lối sống thực dụng trong phát ngôn của Lê Thị Huyền Anh và Ngọc Trinh.

Theo TS Tùng Lâm, đề thi này không mở rộng được tư duy của các em học sinh và sự tác động của đề thi đối với các em là rất ít. Vì vậy, đề thi này chưa đáp ứng được tính chất của một đề thi lựa chọn học sinh giỏi.

 

Vậy khi đưa câu nói của Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề thi học sinh phải chăng để khuyến khích các em đọc về những câu chuyện lá cải như thế?

PGS Văn Như Cương
 
Đánh giá về đề văn này, một giáo viên chuyên Văn cho biết: “Cái được của đề này là tạo tình huống có vấn đề để học sinh phản biện, từ đó đề có ý nghĩa giáo dục về lối sống, uốn nắn suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ hiện nay. Tất nhiên là chỉ của một bộ phận giới trẻ”.

Đồng tình với nhiều chuyên gia giáo dục, cô giáo này cũng cho rằng đề văn thi học sinh giỏi của Hải Phòng chưa khơi gợi được sự sáng tạo vì đa phần học sinh sẽ lựa chọn cách phản đối lối sống thực dụng của Ngọc Trinh, Bà Tưng.

Dù đề văn chưa thực sự hay nhưng vị giáo viên này cho rằng người ra đề cũng rất táo bạo khi dám đề cập đến những vấn đề xưa nay văn chương hay né tránh. Đề Văn này đối với thành phố Hải Phòng lại là rất hợp lý.

“Đề văn rất táo bạo vì dám đưa một vấn đề nhạy cảm, vấn đề mà văn chương xưa nay ít nói đến. Việc học sinh đồng tình hay không đồng tình với ý kiến  của Ngọc Trinh và Bà Tưng không quan trọng bằng việc các em phải lập luận, lý giải sao cho thuyết phục, làm sao bài viết chân thành, tránh sự giả tạo”, vị giáo viên này lập luận.

Một đề bài hay là tạo được tình huống, có hứng thú cho học sinh viết. Vấn đề nghị luận phải gần gũi với giới trẻ, được dư luận quan tâm và có tính hướng thiện, giáo dục chân thiện mỹ.

Sở GD-ĐT Hải Phòng nói gì?


Ngay sau khi đề thi được đưa lên mạng, nhiều người hoài nghi đây không thể là đề văn lựa chọn học sinh giỏi.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đã xác nhận đây là đề thi văn dành cho các học sinh trong bảng A kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được tổ chức ngày 8/10.

Ông Trường cũng cho rằng đề thi được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT là ra đề mở, bám sát thời sự, định hướng lối sống cho học sinh. Đề thi đã được ban soạn thảo đề cân nhắc trước khi sử dụng.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết hội đồng chấm thi đang chấm thi. Sau khi có kết quả, dựa trên những bài văn của các em học sinh sẽ đánh giá tác động, tính định hướng, giáo dục của đề.

Ông Trường cho rằng, trong đề thi vừa qua những phát ngôn gây sốc của Ngọc Trinh và Bà Tưng chỉ là những dữ kiện được đưa ra để chứng minh cho một lối sống thực dụng đang có thật trong giới trẻ hiện nay chứ không hề có ý cổ vũ.

Từ đó, các em học sinh có thể phân tích, lập luận về vấn đề và nêu quan điểm cá nhân. Sau đó, mỗi học sinh sẽ rút ra được bài học giá trị cho mình.

Ông Trường cũng cho rằng chưa thể kết luận được đề thi phản cảm hay sáng tạo. Việc đánh giá cần phải chờ kết quả từ bài làm của các em học sinh.

Sau khi chấm thi xong, Sở GD-ĐT Hải Phòng sẽ họp các bộ phận chuyên môn để xem xét, đánh giá vấn đề này.
Ý kiến bình luận của bạn đọc về đề thi này xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết!



Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn