Tránh bị xử lý mạnh tay, doanh nghiệp Hà Nội tự giác nộp hơn 11 tỷ tiền nợ đọng BHXH

Kinh tếThứ Tư, 31/01/2018 16:22:00 +07:00

32 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tự giác thanh toán số tiền nợ đọng BHXH với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2018, sau khi Thanh tra TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập các đoàn thanh tra liên ngành.

Đầu năm 2018, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành quyết định thành lập 4 Đoàn thanh tra liên ngành tại 80 đơn vị trên địa bàn về vấn đề chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT; xác định rõ số tiền nợ đọng BHXH, BHYT.

Khi nhận quyết định thanh tra, có 32 đơn vị tự giác nộp số tiền là hơn 11 tỷ đồng.

Các tổ thanh tra cũng tiến hành thanh tra tại 40 doanh nghiệp và thu về được số tiền là hơn 3,7 tỷ đồng (chiếm 21,8%) trên tổng số tiền nợ của các doanh nghiệp là hơn 17 tỷ đồng.

Được biết, trong thời gian tới đoàn thanh tra liên ngày sẽ tiếp tục thanh tra tại 8 doanh nghiệp còn lại theo quyết định và tiếp tục tiến hành tại các đơn vị còn nợ đọng khác.

1

Ảnh minh họa. 

Đối với những doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ chiếm dụng vốn, không trả nợ, đoàn Thanh tra phối hợp BHXH Thành phố sẽ báo cáo UBND Thành phố và cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định.

Từ ngày 1/1/2018, mọi doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng BHXH cho người lao động bị xử lý hình sự, phạt tiền tỷ, thậm chí phạt tù tới 7 năm nếu vi phạm nghiêm trọng.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhiều khung hình phạt được quy định chi tiết, rõ ràng trong luật từ phạt tiền, xử lý hình sự và phạt tù tới 7 năm.

Theo đó, người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên, ngoài việc bị phạt hành chính sẽ còn bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật mới cũng quy định phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động; nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.

Video: Trốn đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ bị xử lý nặng

Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động…

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, lần đầu tiên người lao động được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn