Tràn ra đường 'dâng sao giải hạn' ở chùa Phúc Khánh: 'Không thể cầu xin ai giải nghiệp cho mình'

Thời sựThứ Tư, 08/02/2017 13:47:00 +07:00

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, không thể cầu xin bất cứ ai nhằm giải nghiệp cho mình, ngoại trừ nỗ lực chuyển nghiệp của tự thân.

Cứ ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, biển người lại đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) để dự lễ cúng sao giải hạn. Những người cuồng tín ngay giữa Thủ đô sẵn sàng ngồi tràn ra đường để vái vọng vào chùa. Nhiều người đang đi trên cầu vượt cũng dừng lại rồi đứng vái gây ách tắc đường phố.

huy-4024-1486214098_660x0-2203504

 Biển người chen lấn ra đường dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá 13, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội cho biết, theo quan niệm Đạo Phật, nghiệp nhân con người gây ra như thế nào đến khi chín muồi sẽ nhận quả thế đấy. Do đó, không thể cầu xin bất cứ ai nhằm giải nghiệp cho mình, ngoại trừ nỗ lực chuyển nghiệp của tự thân.

Còn TS Nguyễn Văn Vịnh - chuyên gia phong thủy - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trả lời trên Kiến Thức cho biết: "Thực tế, việc cúng sao giải hạn vốn xuất phát từ Đạo giáo của Trung Hoa, có phần mâu thuẫn với giáo lý nhà Phật".

Tuy nhiên, nhiều Chùa chiền ở Việt Nam vẫn tổ chức cúng sao giải hạn, nhiều người vẫn đổ xô đến chùa những ngày đầu năm để giải hạn sao xấu.

Lý giải về điều này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng khẳng định rằng: Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử.

Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.

Video: Người dân chen lấn kín đường lễ dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh (Nguồn: Zing)

Người ta tin mỗi một năm, một tuổi nó ứng vào của người nam hoặc người nữ. Và người ta cũng cầu mong các vì sao là sao tốt. Cùng một tuổi, cùng một năm, đàn ông và đàn bà lại có sao chiếu mệnh khác nhau.

Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật gọi là vận hạn. Giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống.

Đạo Phật đi từ Ấn Độ và Trung Hoa sang Việt Nam vốn dĩ rất uyển chuyển, có thể kết hợp, dung hòa với các tín ngưỡng bản địa và các Tôn giáo khác, thậm chí, làm nảy sinh cả một nhánh Phật giáo của riêng người Việt (Phật giáo Hòa Hảo).

Tuy nhiên, vì tinh thần mềm dẻo, hòa bình mà Phật Giáo không từ chối những tôn giáo khác bước vào cánh cửa của mình. Hầu hết chùa chiền ở Việt Nam không dám từ chối vàng mã, lễ lạt như xôi gà thịt… của người dân mặc dù những lễ lạt không phù hợp với văn hóa đạo Phật.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: “Để người dân hiểu được việc hành lễ đúng đắn ở các chùa chiền, cần phải có sự can thiệp từ rất nhiều bậc giáo dục, từ giáo dục ở gia đình đến giáo dục ở nhà trường. Còn khi người ta đã đến Chùa thì nhà Chùa luôn luôn tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của Phật tử, không thể ép họ làm thế này, làm thế khác được”.

Phạm Trang
Bình luận
vtcnews.vn