Tràn lan nhà cao tầng không phép: Chính quyền làm ngơ?

Thời sựThứ Năm, 14/08/2014 07:54:00 +07:00

(VTC News) – Từ đầu năm tới nay, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện 642 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có công trình đã thi công được gần 20 tầng.

(VTC News) – Từ đầu năm tới nay, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện 642 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có công trình đã thi công được gần 20 tầng. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã phối hợp với UBND các cấp kiểm tra 7.653 công trình và phát hiện 1.162 trường hợp vi phạm. 
Trong đó có tới 642 trường hợp xây dựng không có giấy phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép, các vi phạm khác là 341 trường hợp. Được biết, Sở Xây dựng đã có biện pháp xử lý đối với các trường hợp này. 
Theo lý giải của Sở Xây dựng thì nguyên nhân vì hầu hết địa bàn ngoại thành chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết, UBND các huyện chưa ban hành quy định cụ thể về quản lý cấp phép xây dựng trên các địa bàn dân cư nên việc cấp phép khó khăn. Mặt khác, nhiều người dân khu vực nông thôn chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý xây dựng đô thị dẫn đến khi xây dựng vẫn theo thói quen tự phát. 
Toà nhà Sakura Tower từng xây hơn 20 tầng khi chưa có giấy phép. 
Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhất lại tập trung ở các quận nội thành. Trong đó có những toà nhà đã thi công tới tầng thứ 6, thứ 10, thậm chí là đã xây tới 17 tầng mà không có giấy phép.
Một câu hỏi được đặt ra: Trong khi hệ thống quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng được tổ chức từ cấp sở tới các quận, huyện, phường, xã... thì tại sao lại để tồn tại hàng loạt những công trình không phép như vậy? Trong quá trình người dân, chủ đầu tư xây dựng các công trình không phép này thì các cơ quan quản lý đã ở đâu?
Theo Sở Xây dựng, một trong những trường hợp vi phạm nổi cộm nhất hiện nay là công trình hỗn hợp trụ sở làm việc, văn phòng và nhà ở do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư, ở tổ 50 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Chủ đầu tư đã cho thi công công trình này cao tới 17 tầng mà không có giấy phép xây dựng.
Khi phát hiện hành vi vi phạm của chủ đầu tư, UBND phường Yên Hoà đã có quyết định đình chỉ thi công. Tuy nhiên, công trình này sau đó vẫn được thi công bình thường. 
Liên quan đến vụ việc này, Sở Xây dựng đã có báo cáo gửi UBND TP và cho rằng UBND phường Yên Hoà ban hành quyết định đình chỉ thi công nhưng không giám sát chủ đầu tư và các nhà thầu. Đồng thời cũng  không áp dụng biện pháp ngăn chặn dẫn đến công trình vẫn tiếp tục thi công.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc chủ đầu tư và các nhà thầu dự án nói trên nghiêm túc chấp hành quyết định đình chỉ thi công. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư số tiền 35 triệu đồng.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý công trình vi phạm tại số 83 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, do Công ty CPĐT và Cơ khí Hưng Sơn làm chủ đầu tư. Đây cũng là một trong những toà nhà thuộc dạng “khủng” nhưng không có giấy phép xây dựng. 
 Công trình tại số 83 Ngọc Hồi đã nằm "đắp chiếu" 3 năm nay vì không có giấy phép. (Ảnh: Báo Pháp luật)

Công trình này được khởi công từ năm 2009, tới năm 2010 thì bị cơ quan chức năng phát hiện không có giấy phép xây dựng. Đầu năm 2011, chủ đầu tư đã chấp hành quyết định đình chỉ thi công khi toà nhà xây được khoảng 10 tầng.
Từ đó đến nay, Công ty Hưng Sơn không hoàn thiện được các thủ tục pháp lý và công trình này vẫn nằm "đắp chiếu". Được biết, UBND quận Hoàng Mai cũng đã kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai phạm.
Trước đó, VTC News từng đưa tin, cuối năm 2011, toà nhà Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư đã bị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt 500 triệu đồng vì lỗi không có giấy phép xây dựng. Khi đó, công trình này đã thi công được 22 tầng. 
Khoảng 4 tháng sau đó (đầu năm 2012), Sở Xây dựng đã cấp phép cho chủ đầu tư toà nhà Sakura Tower. Theo quy định, sau 60 ngày kể từ thời điểm có quyết định xử phạt hành chính, nếu chủ đầu tư không trình được giấy phép xây dựng thì công trình sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Công trình Sakura Tower không đáp ứng được quy định này nhưng không rõ tại sao vẫn được tồn tại?
Rõ ràng, nếu không phát hiện sớm các công trình sai phép sẽ dẫn tới khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Nếu xử lý không nghiêm đối với các công trình này có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong lĩnh vực xây dựng.
Vẫn biết, việc xây dựng không phép trước hết là do sự coi thường pháp luật của các cá nhân, tổ chức đầu tư. Tuy nhiên, việc để những công trình xây dựng không phép thi công tới cả chục tầng thì không thể nói là không có lỗi ở công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn