Trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa diễn ra ác liệt thế nào?

Thế giớiThứ Năm, 27/08/2015 06:30:00 +07:00

Lợi dụng lúc Việt Nam phải đối mặt với khó khăn Trung Quốc âm mưu chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế

(VTC News) - Lợi dụng lúc Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, Trung Quốc âm mưu chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế.

Lời nói đầu:
Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên các vùng biển, hải đảo là một công việc thiêng liêng, trọng đại và phức tạp. 
Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau của quốc gia - dân tộc, cuộc đấu tranh mang những đặc điểm, sắc thái khác nhau, đòi hỏi những biện pháp và phương thức đấu tranh khác nhau.
Cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên các vùng biển, thềm lục đại và hải đảo là một cuộc đấu tranh phức tạp về nhiều mặt, đòi hỏi không chỉ các nhân tố nội lực truyền thống mà đòi hỏi người tham gia đấu tranh phải có tri thức toàn diện, có văn hóa chính trị, hiểu biết về lịch sử và ngoại giao, biết vận dụng luật pháp, lý luận, công luận trong và ngoài nước. 
Trong cuộc đấu tranh này Việt Nam phải đối diện với các bên, trong đó có cả những đối tác chiến lược của mình. Vì vậy, phương châm của Việt Nam là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông cho ra mắt cuốn sách "Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông".
Sách do Giáo sư Trần Ngọc Vương chủ biên và sự tham gia của Tiến sỹ Trần Công Trục, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng.
VTC News giới thiệu một số phần trong cuốn sách:
Trung Quốc từng bước chú ý đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua những sự việc tiêu biểu nào?

- Trung Quốc nhen nhóm âm mưu chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1909, mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm.

Tuy nhiên hành động của phía Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của chính quyền Pháp - đại diện cho nhà nước Việt Nam về đối ngoại, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa, nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa, nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974 
Đến năm 1946, lợi dụng việc giải pháp quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến 2 và Việt Nam vừa giành được độc lập, đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép và yêu sách "chủ quyền" đối với nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve và trong khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chưa kịp tiếp quản một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo An Vĩnh, phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 như thế nào?

- Vào đầu năm 1974 chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối. Trước đó, do bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris (27/01/1973), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Theo đó, Hạm đội 7 của Mỹ rút khỏi Biển Đông. Lợi dụng cơ hội đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng thủy, lục, không quân tiến hành đánh chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa do Hải quân Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ.

Video: 21 năm hải chiến Hoàng Sa
Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến vào ngày 11/01/1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vương Văn Bắc lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc. 
Từ thời điểm này liên tục có những diễn biến căng thẳng cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao đến khi cuộc nổ súng bắt đầu.

Ngày 15/01/1974, Hải quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Hữu Nhật.

10h, tàu của Việt Nam Cộng hòa – HQ16 đi tuần tiễu phát hiện trên đảo Hữu Nhật cắm cờ Trung Quốc và gần đó là một tàu đánh cá Trung Quốc màu xanh xám, mang tên Nam Ngư, số 402, có đại bác 25 ly. 
Tàu HQ16 đã dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời đảo nhưng tàu này không trả lời. Chiều cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời khỏi đảo.

Ngày 16/01/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Sáng sớm ngày 16/01, HQ16 đi tuần và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao gắn cờ Trung Quốc cùng một chiến hạm Trung Quốc di chuyển quanh đảo.

HQ16 yêu cầu tàu này rút lui nhưng không có tín hiệu trả lời. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có hai tàu nhỏ của Trung Quốc ở gần bờ.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trưa 16/01, HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Quang Ảnh để thám sát, phát hiện có mộ và bia đã đề chữ Hán. 
Lúc 15h35, HQ16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Hữu Nhật có hai tàu đánh cá Trung Quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số 402 và 407.

Ngày 17/01, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình.

Trên thực địa, lúc 11h, HQ16 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Quang Ảnh. Nhóm này có nhiệm vụ phá hủy các tấm bia mộ và tổ chức phòng thủ trên đảo.

15h cùng ngày, HQ16 đến đảo Hữu Nhật, án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên phía Tây đảo Hữu Nhật trong khi hai tàu Trung Quốc 402 và 407 đang ở phía Nam đảo Hữu Nhật.

18h, HQ4 phát hiện hai tàu Trung Quốc Kronshadt 271 và 274 từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Hữu Nhật. HQ4 đã dùng quang hiệu yêu cầu các tàu này rời đi, tàu Trung Quốc đã dùng quang hiệu trả lời rằng các đảo này thuộc chủ quyền của họ và yêu cầu chiến hạm Việt Nam Cộng hòa rút lui.

Tiếp đó, các tàu này chạy quanh HQ4 và di chuyển chặn đầu chiến hạm, bất chấp quy tắc hàng hải quốc tế.

Ngày 18/01, một trong bốn tàu Trung Quốc rời đảo Quang Hòa tiến về HQ4 lúc 4h30. Nhưng sau khi HQ4 tiến sát tàu địch thì tàu này rút lui về phía đảo Quang Hòa. 
8h45, HQ16 phát hiện thêm một tàu Trung Quốc di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng. Trên đảo đã thấy cờ Trung Quốc.

Video: Hành động phi pháp của Trung Quốc ở Hoàng Sa
10h30, HQ4 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Hữu Nhật và rút tất cả 27 biệt hải trở về chiến hạm. Tàu Trung Quốc mang số hiệu 407 tiến về HQ16.

15h cùng ngày, Đại tá Hà Văn Ngạc và HQ5 đến Hoàng Sa. Hải đoàn gồm HQ4, HQ5, HQ16 tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ toán hải kích lên đảo. 
Hai tàu Trung Quốc 271 và 274 tiến tới chặn đường. Hai bên liên lạc quang hiệu, xác nhận Hoàng Sa là lãnh hải của mình và yêu cầu phía bên kia phải rời ngay lập tức.

Với hành động cố tình chặn đường có thể gây đụng tàu, Hải đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa, tiếp tục theo dõi chiến hạm Trung Quốc.

19h15, HQ5 phát hiện thêm hai tàu chiến Trung Quốc loại T43 cải biến mang số 389 và 396.
23h, Đại tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình.

Vị Chỉ huy trưởng chia Hải đoàn ra làm hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 do trung ta Vũ Hữu San, chỉ huy với nhiệm vụ có mặt tại phía Nam và Tây Nam đảo Quang Hòa để đổ bộ hai toán hải kích và biệt hải.

Phân đoàn hai gồm HQ10 và HQ16 do trung tá Lê Văn Thự chỉ huy với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Lưỡi Liềm để yểm trợ cho việc đổ quân.

Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiến hạm sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt hai chiến hạm chủ lực của địch (271 và 274), còn quân Trung Quốc sẽ là mục tiêu tấn công cuối cùng.
Mô hình xây dựng đảo Hoàng Sa trong tương lai (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay)
Mô hình xây dựng đảo Hoàng Sa trong tương lai (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay) 
Ngày 19/01/1974 là ngày diễn ra trận chiến giằng co ác liệt nhất.

7h sáng, HQ5 đổ bộ 22 hải kích lên bờ Tây Nam và HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên bờ Nam để tái chiếm đảo Quang Hòa nhưng thất bại trước hảo lực quá mạnh của Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, tàu Trung Quốc 402 và 407 tăng cường khoảng 2 đại đội lên bờ đông bắc đảo Quang Hòa.

8h50 và 10h, Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho đại tá Hà Văn Ngạc tấn công tối đa vào các đảo. Nếu địch bắn phá, dùng mọi khả năng để chống trả. Nhận thấy chỉ thị này sẽ bất lợi cho hải đoàn vì chiến hạm địch có toàn lực trong lúc hải đoàn Việt Nam đang bị phân tán nên đại tá Hà Văn Ngạc đề nghị Tư lệnh vùng 1 Duyên hải cho triệt hạ tàu địch trước. Tư lệnh đồng ý.

10h, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc ra lệnh rút hải kích và biệt hải. Các phân đoàn chuẩn bị tấn công tại các vị trí ấn định. Phân một gồm HQ4 và HQ5 đối đầu với hai hộ tống hạm 271 và 274 tại phía Tây Nam đảo Quang Hòa. Phân đoàn hai gồm HQ16 và HQ10 đối đầu với hại hộ tống hạm T43 là 389 và 396 tại phía Tây Bắc đảo Quang Hòa.

Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16 và HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa. Đúng 10h25, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa. 
HQ16 và HQ10 đứng yên, mọi ổ súng lớn, nhỏ từ mũi tàu ra sau lái đều nhắm bắn vào tàu Trung Quốc. Hải pháo giữa chiến hạm hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.

10h35, HQ10 báo cáo Đài chỉ huy trúng đạn, Hạm trưởng bị trọng thương, hầm máy bị cháy và ngập nước. Hạm trưởng HQ16 ra lệnh cho Hạm phó HQ10 là Đại úy Nguyễn Thành Trí lên thay quyền chỉ huy. HQ10 vẫn tấn công ào ạt vào chiếc 396 của Trung Quốc đang tiến gần.

Video: Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam
10h45, chiếc 389 bị trúng đạn bốc khói mù mịt.

10h55, chiếc 396 bị bắn không điều khiển được, đụng vào HQ10 rồi lại bật ra xa, bị trúng thêm đạn bốc cháy xoay vài lần rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng. HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, bị trúng đạn và không thể điều khiển được.

Trong khi đó, HQ16 bị trúng đạn lạc của HQ5, hầm máy bên phải ngập nước, vài phút sau, tàu bị nghiêng. Phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy không thể tiếp tục tham chiến, HQ16 rời khỏi lòng chảo, chạy về hướng Đà Nẵng.

11h10, HQ10 bị bỏ lại. Hạm trưởng và một số nhân viên tử thương. Hạm phó râ lệnh đào thoát.
Cuộc tấn công của Phân đoàn 1 gồm HQ5, HQ4 diễn ra phía Tây Nam đảo Quang Hòa. 10h25, hải pháo 76,2 ly của HQ4 ở sân mũi gặp sự cố ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của đại tá Hà Văn Ngạc. Tuy vậy, HQ4 vẫn tận dụng hỏa lực còn lại, tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên.

10h40, khẩu 76,2 ly của HQ4 ở sân lái bị hỏng bộ phận tấn công tự động nên phải điều chỉnh bằng tay, bắn từng phát một nặng nề và chậm chạp. Đại tá Ngạc đã ra lệnh cho rút lui khỏi vòng chiến để sửa chữa và chỉ thị HQ5 yểm trợ cho HQ4 rút ra xa. HQ4 tuy bị trúng nhiều đạn nhưng máy móc chính và hệ thống truyền tin vẫn điều khiển tốt.
Tàu HQ16 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa
Tàu HQ16 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa 
10h55, chiếc 274 bị trúng đạn, bốc cháy và dạt vào bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa. Đa số súng trên HQ5 bị trở ngại, trừ khẩu pháo 40 ly bên trái, máy siêu tần không còn liên lạc được, máy truyền tin trên đài chỉ huy cũng bị trúng đạn bể nát, Đại tá Ngạc phải vào Trung tâm chiến báo dùng máy VRC46 để chỉ huy.

11h, chiếc 271 được chiếc 389 tiếp trợ, hợp lực quay lại tấn công HQ5. HQ5 bị trúng nhiều đạn nhưng phản công dữ dội khiến tàu địch thiệt hại nặng phải chùn lại.

Nhận được tin báo tăng viện của địch sắp đến, với tình trạng HQ10 không thể sử dụng, HQ16 nước vào hầm máy, tàu bị nghiêng, HQ4 và HQ5 trúng nhiều đạn chỉ còn hỏa lực rất hạn chế, Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm ra lệnh cho HQ5 rút lui về hướng Đông Nam.

Hai tàu địch cũng bị hư hỏng nặng nên rút về hướng Đông Bắc Hoàng Sa. HQ5 cùng HQ4 rút về hướng Đông Nam tiến về Đà Nẵng.

11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Quang Ảnh, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Hữu Nhật, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ.

Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc.

Kết thúc trận hải chiến, phía Việt Nam Cộng hòa có 19 nhân viên tử trận, mất tích 55 quân nhân của HQ10, bị thương 35 quân nhân, 44 người bị bắt trên đảo Hoàng Sa và Hữu Nhật.

Với trận chiến này, toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngay sau khi chiếm đóng, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đó, xóa các di tích lịch sử của người Việt để áp đặt “chủ quyền” của họ trên quần đảo này.

Trong bối cảnh chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang gần bị thất bại hoàn toàn, Trung Quốc đã lợi dụng hoàn cảnh đó để dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế có thể khẳng định:

Một là, hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xam phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của cac quốc gia khác.

Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên Hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.

Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hóa trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, trong đó quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, (hay coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam.

Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử sụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Hành động xâm lược nói trên càng thể hiện rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông.

VTC News
Bình luận
vtcnews.vn