Trầm cảm gây mất ngủ hay mất ngủ gây trầm cảm?

Sức khỏeThứ Sáu, 08/09/2017 15:38:00 +07:00

Theo các nhà khoa học, những người không ngủ đủ giấc có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh hoang tưởng, trầm cảm, lo lắng và thường xuyên ác mộng.

Trước đây, người ta nghĩ rằng, những người có dấu hiệu của trầm cảm và các vấn đề về sức khoẻ tâm thần thường không thể ngủ vào ban đêm. Nhưng một nghiên cứu cho thấy, nó có thể do chính việc thiếu ngủ gây ra, chứ không phải là bởi những nguyên nhân khác.

Những người bị mất ngủ sau khi được áp dụng liệu pháp điều trị hành vi nhận thức để giúp họ ngủ dễ dàng hơn đã cho thấy sự lo lắng và trầm cảm giảm xuống 20%, có nhiều khả năng tin tưởng vào người khác và kết quả là hạnh phúc hơn 10%. 

Các phát hiện này đến từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford sau khi họ đã phải theo dõi gần 3.890 người bị mất ngủ.

07BB287200000514-4860076-image-a-22_1504742500031

Mất ngủ có thể gây ảnh hưởng tới tinh thần con người như trầm cảm, hoang tưởng hay thường xuyên gặp ác mộng. (Ảnh: Getty Images)

Mất giấc ngủ được cho là gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ tinh thần của con người, bởi nó từ chối việc dành thời gian để “chăm sóc” cho não bộ của con người, nơi mà những ký ức mới được ghi nhận và những ký ức cũ được ghi nhớ.

Theo nghiên cứu, cứ ba người thì lại có một người phải vật lộn để có thể chìm vào giấc ngủ, và điều này làm họ "mắc kẹt" với những suy nghĩ tiêu cực và những suy nghĩ không đáng tin tưởng lặp đi lặp lại.

Tác giả nghiên cứu, Daniel Freeman, giáo sư tâm lý học lâm sàng, Đại học Oxford và Oxford Health NHS Foundation Trust, Vương Quốc Anh cho biết: "Các vấn đề về giấc ngủ rất phổ biến ở những người có rối loạn về sức khoẻ tâm thần, nhưng vì chứng mất ngủ quá lâu đã bị tầm thường hoá như một triệu chứng, hơn là một nguyên nhân hay những khó khăn về tâm lý. Nghiên cứu này đã cho thấy chứng mất ngủ có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khoẻ tâm thần”.

"Một giấc ngủ ngon thực sự có thể tạo sự khác biệt với sức khoẻ tinh thần của con người. Ngủ ngon có thể là bước đầu tiên và tối quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề tâm lý và tình cảm”.

Họ tiến hành nghiên cứu với sinh viên đại học dưới 25 tuổi, bởi họ được cho là những người đủ lớn để xác định tác động của việc điều trị mất ngủ đối với những trải nghiệm về tâm thần. Nghiên cứu này đã chia ngẫu nhiên 3.755 người thành hai nhóm.

Nhóm được điều trị hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ được cho phép lựa chọn giữ sổ nhật ký ngủ, nghe băng thư giãn và sử dụng các phương pháp như ra rời giường sau 15 phút không thể ngủ để căng cơ và giãn cơ.

Những người này được ghi nhận rằng ​​chứng mất ngủ của họ giảm tới 50% và đồng thời ít bị ảo giác hơn, những cơn ác mộng không còn nhiều và cả cám giác lo lắng.

Các buổi trị liệu trực tuyến cũng làm cho chứng hoang tưởng được cải thiện, làm cho họ tin rằng mọi người không lảng tránh, cười, hoặc xa lánh họ.

Ảnh hưởng của việc thiếu ngủ của mỗi người là không giống nhau. Với những người có khuynh hướng tiêu cực có thể nhìn thấy càng ngày càng nhiều suy nghĩ tiêu cực, bị chúng mê hoặc do mất ngủ.

Giáo sư Freeman nói: "Ngủ ít gây ra rắc rối cho tâm trí của bạn, nó tác động cả về những gì bạn nghĩ và cả cách bạn nghĩ“.

Dần dần, suy nghĩ của bạn trở nên lệch lạc, chậm chạp và sợ hãi. Trong khi xử lý thông tin, não có xu hướng tập trung tới những suy nghĩ tiêu cực rồi lặp đi lặp lại.

Video: Cách trị chứng mất ngủ ít người biết

Về bản chất, hậu quả tâm lý của giấc ngủ bị gián đoạn là chúng ta có những suy nghĩ tiêu cực và chúng ta bị mắc kẹt, khó có thể thoát ra.

TS. Andrew Welchman, Giám đốc Khoa học thần kinh và Sức khoẻ Tâm thần tại Wellcome, nói: "Đây là một nghiên cứu quan trọng cung cấp thêm bằng chứng rằng giấc ngủ là một yếu tố quan trọng với các vấn đề về sức khoẻ tâm thần”.

Nghiên cứu này cho thấy rằng, cải thiện giấc ngủ có thể cung cấp một tương lai đầy hứa hẹn trong điều trị tâm thần sớm, đồng thời để cải thiện sức khoẻ tinh thần ở những người trẻ tuổi.

Nguyên Hoàng (Nguồn: Daily Mail)
Bình luận
vtcnews.vn