Trầm Bê, Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa

Pháp luậtThứ Hai, 08/01/2018 09:28:00 +07:00

Ông Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng các bị cáo được dẫn giải đến toà sớm, an ninh thắt chặt, phòng xử án kín người.

Video: Hình ảnh đầu tiên trong phiên tòa xử Trầm Bê, Phạm Công Danh

Sáng 8/1, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng Sacombank) cùng 44 đồng phạm.

Phiên tòa thuộc giai đoạn 2 của vụ án. Ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho VNCB 6.127 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc tiếp tay cho ông Danh gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng.

Phiên toà do thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh án TAND TP.HCM) làm chủ toạ, dự kiến kéo dài từ 8/1-7/2.

26694266_1530824610372073_1287616546_n

Bị cáo Phạm Công Danh bình tĩnh khi được dẫn giải đến tòa.

Khoảng 6h45, Phạm Công Danh và Trầm Bê được dẫn giải đến toà. Đã từng phải hầu tòa rất nhiều lần nên bị cáo Phạm Công Danh tỏ ra khá bình tĩnh.

Từ sáng sớm, an ninh phiên tòa được thắt chặt. Các luật sư, người làm chứng, người liên quan đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân và đi qua máy kiểm tra an ninh trước khi vào khu vực xét xử.

26755036_1530833473704520_1312357086_n 5

An ninh phiên tòa được thắt chặt.

_DSC4636 8

Các bị cáo liên quan cũng được dẫn giải đến tòa.

_DSC4610 6

Khoảng 6h45, các bị cáo đã được dẫn giải đến tòa.

_DSC4625 6

 

Đúng 8h30, phiên tòa bắt đầu làm việc.

Tham dự phiên tòa có 46 bị cáo, 70 luật sư, hơn 200 người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và hàng chục phóng viên báo chí. Phòng xử chật kín chỗ ngồi, nhiều luật sư phải đứng để theo dõi phiên xét xử.

Theo quy định tại Thông tư 01/2017 của TAND Tối cao, 46 bị cáo trong đại án Phạm Công Danh không phải đứng trước vành móng ngựa, thay vào đó là đứng bục khai báo. 

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, quá trình điều hành VNCB (2013-2014) ông Danh cần tiền sử dụng nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ.

Ông chỉ đạo cấp dưới và nhân viên tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do mình thành lập, hoặc mượn pháp nhân lập hồ sơ khống, vay tổng cộng 6.126 tỷ đồng tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Để đảm bảo cho các khoản vay, ông Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này.

Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng vướng lao lý vì biết ông Danh sai phạm

Biết rõ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và đồng phạm làm trái quy định, ông Trầm Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay với điều kiện "phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi tại Sacombank".

Tháng 4/2013, ông dẫn ông Danh xuống gặp Phan Huy Khang (44 tuổi, thành viên Hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc Sacombank). Cả ba bàn bạc sẽ cho ông Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng và dùng tiền gửi của VNCB tại Sacombank để đảm bảo. Nhà chức trách cáo buộc, việc này đã gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng.

Ông Bê khai nhận, lúc đó biết ông Danh là Chủ tịch HĐQT của VNCB, không được phép vay tiền của nhà băng này nhưng có thể vay của Sacombank, nên đã đồng ý cho vay. Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty (do ông Danh thành lập thuê người đứng tên), mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng ông Bê vẫn phê duyệt "do có tài sản đảm bảo".

Tương tự, ông Danh mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và được đảm bảo bằng khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại nhà băng này.

Để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB đã được phê duyệt, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Danh lấy lý do "có 12 doanh nghiệp là khách hàng của VNCB muốn vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng", do VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên ông giới thiệu sang BIDV.

Thực chất, đây là các công ty do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại nhà băng này nên lãnh đạo BIDV duyệt cho vay.

Cơ quan điều tra xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay, chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giả tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Sai phạm này không gây thiệt hại cho nhà băng, song gián tiếp giúp ông Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.

Tại giai đoạn đầu làm rõ sai phạm ở VNCB, đầu năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm giữ nguyên mức án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Toà cũng buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng.

Tổng cộng trong hai giai đoạn điều tra, ông Danh và đồng phạm được cho là gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của VNCB. Hiện, cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn