Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Trầm Bê, Phạm Công Danh

Pháp luậtThứ Tư, 07/02/2018 10:28:00 +07:00

Cho rằng vụ án còn nhiều vấn đề cần phải được điều tra, làm rõ thêm nên TAND TP.HCM hoàn trả hồ sơ vụ án cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm.

Sau gần 1 tháng xét xử, sáng nay (7/2), TAND TP.HCM dự kiến tuyên bản án vụ cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng - VNCB) và các đồng phạm xảy ra tại ngân hàng VNCB.

Tuy nhiên, xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, hội đồng xử đã tuyên bố hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Trước đó, ngày 1/2, nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh mong HĐXX xem xét toàn diện lại các dòng tiền sai phạm và thu hồi tất cả các dòng tiền này.

pham-cong-danh-3_thumb-1705384

 Bị cáo Phạm Công Danh. (Ảnh: PLO)

Trong đó ông Danh nói có khoản tiền 6.000 tỷ đồng chăm sóc khách hàng, lãi ngoài chi thấp nhất 5%, có khi lên đến 15%. Ông Danh cũng mong HĐXX cho bị cáo được một lần có cơ hội được khắc phục hậu quả.

Bị cáo Danh cũng một lần nữa gửi lời xin lỗi nhân viên của mình.

Sau vài giây im lặng, bị cáo Danh nghẹn ngào nói: "Nhà chính vợ tôi đang ở cũng bị kê biên, xe ô tô cũng bán hết, không còn gì cả. Các nhân viên vì lòng tin với tôi mà bị như vậy, mong HĐXX xem xét khi lượng hình giảm nhẹ án cho họ".

Nói lời sau cùng, bị cáo Trầm Bê gửi lời cảm ơn đến HĐXX, Viện kiểm sát.

Bị cáo Bê xin xem xét để được mức án thấp hơn. Bị cáo Bê nói rằng, vì một chút sơ suất mà bị cáo gây ra hậu quả.

ongtrambe_baqf-1705386

 Bị cáo Trầm Bê tại phiên tòa. (Ảnh: VietnamNet) 

Bị cáo Bê cho rằng bản thân đóng góp cho xã hội rất nhiều. Bị cáo cũng vì sự phát triển ngân hàng chứ không hề vì vụ lợi cá nhân.

Bị cáo Trầm Bê cũng nói, nếu được tuyên mức án nhẹ, phù hợp với tội của mình thì sẽ yên tâm chấp hành không phải kháng án.

Video: Đại án Phạm Công Danh: Làm rõ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ bất thành

Trước đó, quá trình phiên tòa xét xử kéo dài từ ngày 8/1 đến ngày 2/2, Đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại tòa cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo và các tài liệu, chứng cứ khác đủ cơ sở xác định 46 bị cáo trong đại án này phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ quan điểm buộc tội này, sáng 22/1, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo phạm tội danh nêu trên, áp dụng mức án cụ thể đối với các bị cáo như sau:

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) 20 năm tù. Cộng với bản án tổng hợp 30 năm tù Danh bị tuyên trong giai đoạn 1 của vụ án. Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.

Bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank) từ 5-6 năm tù.

Phan Thành Mai, (nguyên Tổng giám đốc VNCB) từ 13-15 năm tù.

Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) từ 11-13 năm tù.

Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) từ 4-5 năm tù.

Với các bị cáo là lãnh đạo TPBank, đại diện Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank) từ 6-7 năm tù. 

Trong khi đó bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp ngân hàng TPBank) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù.

Với các bị cáo thuộc ngân hàng BIDV, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định, nay là BIDV chi nhánh Tây Đô) 3 năm tù cho hưởng án treo. 

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 1, BIDV Chi nhánh Gia Định) bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù, đề nghị cho hưởng án treo.

Các bị cáo còn lại được tuyên cải tạo không giam giữ, từ 2-3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 4-5 năm tù.

Về nghĩa vụ dân sự trong vụ án, đại diện VKS cho biết quá trình điều tra, Viện KSND tối cao đã đề nghị thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank để trả lại cho VNCB. 

Minh Khánh
Bình luận
vtcnews.vn