TQ xác nhận phát triển tên lửa "sát thủ tàu sân bay"

Thế giớiThứ Sáu, 22/07/2011 07:36:00 +07:00

(VTC News) - Lần đầu tiên, quan chức quân đội Trung Quốc xác nhận đang phát triển Đông Phong DF 21-D, tên lửa chống hạm được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay”.

(VTC News) - Theo bài “Carrier Killer’ Missile May Give China Powerful Edge” trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen, có một xác nhận rất đáng chú ý từ Tướng Trần Bính Đức, đó là việc PLA đang phát triển tên lửa tấn công tàu sân bay.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu.

Đây là lần đầu tiên, quan chức quân đội Trung Quốc xác nhận đang nghiên cứu, phát triển tên lửa Đông Phong DF 21-D, loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”. Tướng Trần Bính Đức cho biết DF 21-D đang trong quá trình thử nghiệm và sau khi phát triển thành công sẽ được sử dụng như một vũ khí phòng ngự chứ không phải là vũ khí tấn công.


Thông tin này được Tướng Trần Bính Đức đưa ra trong cuộc trao đổi riêng với ông Mullen nhân chuyến thăm vừa qua. Ngoài việc “trấn an” về tính chất phòng ngự, quan chức hàng đầu của quân đội Trung Quốc cũng nói rằng do đây là một loại vũ khí công nghệ cao nên PLA gặp nhiều khó khăn từ nguồn ngân sách, công nghệ cho đến nhân sự và vì thế không dễ phát triển DF 21-D.

Không có thông tin cụ thể về thời điểm DF 21-D được hoàn thành nhưng từ lâu, Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã dõi theo chặt chẽ động thái này với lo ngại một loại tên lửa thủ “sát thủ tàu sân bay” như vậy có thể gây phiền phức cho những tiếp cận của Mỹ với các vùng biển ở Đông Á.

Tên lửa Đông Phong DF 21-D 

DF 21-D được phát triển bởi Quân đoàn pháo binh số 2 của PLA (lực lượng tên lửa chiến lược). Là một cải tiến của tên lửa DF tầm trung, nó có thể bắn từ một bệ phóng di động, mang một đầu đạn công nghệ hiện đại, nhắm vào các mục tiêu như tàu sân bay. Bắc Kinh hiểu rõ một vũ khí như vậy sẽ có hiệu quả ngăn chặn rõ rệt, buộc Mỹ phải xem xét lại cách triển khai các tàu sân bay của mình, đặc biệt là ở Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản.

Một tùy viên quân sự châu Á nhận xét: “Việc Tướng Trần Bính Đức xác nhận loại tên lửa này là rất quan trọng… Nhiều người trong chúng tôi từng nghi ngờ đây có phải là một kế hoạch thực sự hay chỉ là kiểu bí ẩn gây lo ngại. Nhưng giờ thì nó đã được khẳng định”.

Nếu Trung Quốc phát triển thành công DF 21-D, họ sẽ có một thứ vũ khí không quốc gia nào có được. Và đây cũng sẽ là một trong những vũ khí gây nhiều tranh cãi nhất của PLA với công nghệ mà Mỹ cũng như Liên Xô trước đây từng cam kết sẽ không theo đuổi. Lo ngại về chi phí và nguy cơ tạo ra, ở cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Oasinhtơn và Mátxcơva từng nhất trí cấm phát triển loại tên lửa như vậy.

Các nhà chiến lược cho rằng nếu Trung Quốc can dự vào một cuộc xung đột và bắn một tên lửa đạn đạo như vậy để tấn công một con tàu, họ sẽ có nguy cơ gây hiểu nhầm nghiêm trọng bởi đối phương cho rằng đang bị tấn công hạt nhân và vì thế sẽ trả đũa tương ứng.
 

Theo Gary Li, nhà phân tích về PLA thuộc hãng "Exclusive Analysis" (Luân Đôn), dường như Tướng Trần Bính Đức đã quyết định tung thông tin về việc phát triển DF 21-D trong một bối cảnh đặc biệt. Ông nói: “Với việc Tướng Trần Bính Đức thể hiện những quan ngại, thất vọng về vấn đề biển Đông trong chuyến thăm của ông Mullen, ông ta đề cập đến DF 21-D như là một lời cảnh báo 'thân thiện'. Đây là xác nhận đầu tiên của giới chức Trung Quốc về vũ khí này và ý nghĩa của điều đó rất quan trọng. Song Tướng Trần Bính Đức cũng thừa nhận còn nhiều việc cần làm trước khi DF 21-D được hoàn thiện”.

Theo nhà phân tích này, một tên lửa như DF 21-D cần cả một mạng lưới cảm biến và vệ tinh hiện đại, đồng nghĩa phải mất nhiều năm nữa dự án mới thành hiện thực. Riêng hệ thống định vị vệ tinh “Bắc Đẩu” của Trung Quốc cũng cần 9 năm nữa mới hoàn tất.

Tiến sĩ Andrew Erickson, một học giả tại trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, lưu ý đến sự thận trọng của Tướng Trần Bính Đức, cho rằng điều này nhằm giảm thiểu tình trạng các quân đội nước ngoài phát triển những biện pháp “phản công” cũng như để PLA có thêm những thử nghiệm trước khi hoàn toàn tự tin vào DF 21-D. Chuyên gia này cho rằng dù đang ở giai đoạn phát triển, song DF 21-D có thể là “rắc rối” tiềm tàng cho quan hệ Trung-Mỹ. Ông nói: “Từ khía cạnh Trung Quốc, đây dường như là vũ khí phòng ngự. Nhưng từ khía cạnh Mỹ và các nước khác trong khu vực, nó lại là vũ khí đầy nguy hiểm. Ngay cả khi Trung-Mỹ đang tiến tới tìm kiếm nhiều cơ hội hơn để nâng cao hợp tác an ninh cùng có lợi trong tương lai, tình trạng này vẫn là một thách thức dai dẳng cho các quan hệ chiến lược song phương”.

Vũ Hiền (gt)
>> Xem thêm bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông

 


Bình luận
vtcnews.vn