TPP cũng có thể mãi chỉ nằm trên giấy

Kinh tếThứ Hai, 12/10/2015 07:34:00 +07:00

TPP trước nguy cơ không có hiệu lực, 12 quốc gia thành viên sẽ phải chờ đợi Quốc hội mỗi nước phê chuẩn, thông qua để TPP được ký kết chính thức và có hiệu lực.

(VTC News) - Trong khi nhiều người cho rằng việc TPP đạt được thỏa thuận mới đây là một điều thực sự đáng vui mừng thì không ít người lo ngại rằng, "cuộc chiến" hiệp định tự do thương mại lịch sử này mới chỉ bắt đầu.

Lo ngại đến từ những "ông lớn"

Cho đến nay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) đã hoàn thành xong quá trình đám phán kéo dài ròng rã trong suốt nửa thập kỷ qua, được xem như một bước đột phá vô cùng lớn để hiệp định lịch sử này tiến thêm một bước lớn tới quá trình từ trên giấy đi vào hiện thực.


Nhiều người sẽ dễ bị lầm tưởng rằng mọi vấn đề cam go nhất của TPP như các bất đồng về ô tô nhập khẩu, thị trường sữa và quyền bảo hộ độc quyền ngành dược đã được tháo gỡ hoàn toàn vào ngày 4/10 vừa qua, nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Theo tờ The Guardian, với TPP thì "cuộc chiến" của TPP mới thực sự bắt đầu, khi mà toàn bộ 12 quốc gia thành viên sẽ phải chờ đợi Quốc hội mỗi nước phê chuẩn, thông qua để TPP được ký kết chính thức và có hiệu lực.

Lý do là bởi ở các nước lớn như Mỹ, Canada, Australia và một số các nước khác đang gặp phải không ít những làn sóng phản đối dữ dội hiệp định TPP.

Đặc biệt là ở các nước sắp trải qua những cuộc bầu cử liên bang như Mỹ và Canada vào năm 2016, TPP đang phải đối mặt với nguy cơ có thể sẽ khó lòng nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội với những phe cánh đang đối đầu với người đương nhiệm trong quá trình chạy đua tranh cử.

Do đó, TPP đang bị đe dọa trước nguy cơ chỉ có thể nằm trên giấy, hoặc nếu được đưa vào hiện thực sẽ còn phải nỗ lực đấu tranh rất lớn trong một thời gian rất dài.
Việc đưa TPP ra trước Quốc hội Mỹ sẽ là "một cuộc đấu trí chính trị đầy thách thức" của ông Obama vào năm 2016 
Tại Mỹ, theo quy định của Quốc hội, TPP sẽ có khoảng 90 ngày phán xét để được quyết định có được thông qua hay không. Như vậy, ít nhất là phải 3 tháng nữa, tức tháng 1/2016 thì tổng thống Barack Obama mới có thể ký TPP, và nhiều khả năng là đến giữa năm 2016, mọi rào cản về thủ tục vào chính trị mới có thể được dỡ bỏ hoàn toàn để TPP chính thức được chấp nhận bởi Quốc hội nước này.

Tờ Financial Times cũng đã từng phân tích rằng, việc ông Obama đưa TPP ra trước Quốc hội sẽ là "một cuộc đấu trí chính trị đầy thách thức" vào năm 2016, trong bối cảnh tiếng nói "chủ nghĩa bảo hộ" của phe Cộng hòa đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn, mà trong đó dẫn đầu là ứng viên Donald Trump.

Ông trùm bất động sản này còn từng nhấn mạnh rằng: “TPP sẽ là một mũi dao chĩa vào lĩnh vực thương mại và kinh doanh của Mỹ. Đây là một hiệp định tồi tệ".

Chưa kể mới đây, bà Hillary Clinton - ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ cho ghế Tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố không ủng hộ Hiệp định TPP, dù trước đây chính bà là người từng ủng hộ nỗ lực ký kết hiệp định này của Nhà Trắng khi còn làm ngoại trưởng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của bà Hillary vào Nhà Trắng, nên không lấy làm khó hiểu khi nữ chính khách này đang quay lưng lại với những chiến lược của tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Năm nay, ông Obama đã phải dựa vào sự ủng hộ từ phe Cộng hòa để vượt qua làn sóng phản đối dữ dội từ phe Dân chủ, đồng thời dùng quyền đàm phán nhanh để đạt được một kết quả như kỳ vọng vào ngày 4/10 vừa qua.

Tuy nhiên, mọi chuyện lại không hề dễ dàng chút nào khi những làn sóng mới lại bắt đầu sinh ra từ chính phía phe Cộng hòa, khi phe này lo ngại về một số các thỏa thuận trong TPP đã đạt được trong lần đàm phán vừa rồi như loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá ra khỏi danh sách được bảo hộ đầu tư và rút ngắn thời gian bảo hộ độc quyền với dược phẩm sinh học, hay một số vấn đề nhạy cảm khác như các tiêu chuẩn về lao động ở Việt Nam.

Vì vậy mà ông Obama sẽ phải đối mặt với một thách thức rất lớn, trước những làn sóng ngược đang đẩy hiệp định TPP ra xa dần với bến bờ thực thi, cho dù đây cũng được đánh giá là hiệp định thương mại lớn nhất trong hai mươi năm qua với Mỹ.

Còn ở Canada, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đang chuẩn bị bước vào một cuộc bầu cử đầy cam go dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới đây.

Không chỉ riêng ở Mỹ, mà ở quốc gia này TPP cũng đang làm dấy lên những tranh cãi đa chiều, đồng nghĩa với việc nó có nguy cơ không được chấp nhận nếu như thủ tướng hiện nay, ông Harper không còn có thể giữ được chiếc ghế của mình sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

Ông Tom Mulcair, người đứng đầu Đảng Dân chủ Mới hiện đang là người phản ứng gay gắt với TPP và tuyên bố sẽ không chấp nhận TPP nếu như ông là người giành được chiến thắng ở cuộc bầu cử năm nay.
Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe - người đã đặt kỳ vọng không nhỏ vào hiệp định lịch sử TPP cũng đang gặp phải những khó khăn khi sự ủng hộ của người dân dành cho ông đang liên tục bị sụt giảm.

Chưa kể, để một hiệp định thương mại được thông qua thì trước hết phải được đem ra nghiên cứu, thảo luận trong các kỳ họp thông thường của Quốc hội. Tuy nhiên, kỳ họp thông thường trong năm nay của Quốc hội Nhật Bản đã kết thúc nên trong trường hợp muốn TPP được duyệt ngay trong năm nay, chỉ có thể triệu tập thành một kỳ họp đặc biệt, mà khả năng này cũng rất khó xảy ra.

Lý do là bởi hiện nay nội các Nhật Bản còn đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề "đau đầu" khác như phê chuẩn danh sách cải tổ chính quyền, cải cách tư pháp, dự toán ngân sách... cần phải được giải quyết trước cả việc có duyệt TPP hay không.

Điều này dẫn tới khả năng đến tháng 4/2016 thì TPP mới được đưa ra xem xét trước Quốc hội xứ sở mặt trời mọc này. Trong khi đến tháng 6/2016 lại diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện nên nhiều khả năng Thủ tướng Shinzo Abe cùng Đảng Tự do Dân chủ sẽ gặp phải không ít những quan điểm trái chiều đến từ các phe đối lập, mà hiện nay nổi bật là vấn đề về việc Nhật Bản buộc phải giảm thuế hàng nông sản để đổi lấy những thỏa thuận khác trong TPP.

Còn ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, việc ký kết và phê chuẩn TPP sẽ thực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, sau khi đã lấy ý kiến ở các bộ ngành có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục.


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, do tầm quan trọng của Hiệp định TPP, dự kiến Hiệp định sẽ được báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến chỉ đạo trước khi bắt đầu quá trình phê chuẩn.

Chỉ những trường hợp hiệp định hay điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có những điểm trái với luật hay quy định trong nước thì mới phải mang ra xin ý kiến tại các ủy ban có liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đàm phán, ký kết. Nếu các trình tự này được thực hiện rồi thì Chính phủ có thể ký kết hiệp định.

Sau khi ký kết, Chính phủ sẽ phải trình TPP với Chủ tịch nước về việc phê chuẩn. Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn điều ước này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Chính phủ trình; hoặc trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Về mặt hình thức, Quốc hội vẫn phải dành thời gian thảo luận tại hội trường về hiệp định và biểu quyết thông qua việc phê chuẩn hiệp định tại kỳ họp bằng một nghị quyết.


Còn theo Thứ tưởng Trần Quốc Khánh phát biểu trong cuộc họp báo của Bộ Công Thương trong ngày 9/10 vừ qua, sau khi kết thúc vòng đàm phán tại Atlanta, Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện việc rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán.

Tiếp đó sẽ phải dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10 năm nay là nhanh nhất để đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp và tất cả người dân cùng nghiên cứu.

Theo ông Khánh, sau khi TPP được Quốc hội các quốc gia thành viên thông qua thì sẽ thống nhất chung với nhau vào một thời điểm nhất định để cùng công bố, chứ không có quốc gia công bố trước, quốc gia công bố sau. Đến lúc này TPP mới chính thức được ký kết và có hiệu lực. Quá trình này có thể sẽ mất khoảng từ 18 tháng tới 2 năm.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, nếu như không có quốc hội nào thông qua thì Bộ Công Thương chưa được đưa ra đánh giá cụ thể về việc Hiệp định TPP có khả năng được thực thi hay không, dù hiện nay việc lo ngại TPP không được Quốc hội tại các nước lớn như Mỹ, Canada thông qua là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, trong trường hợp trong số 12 thành viên có quốc gia không được Quốc hội chấp thuận thì sau đó có thể sẽ tính tới phương án là tùy thuộc vào % số quốc gia thành viên đã được thông qua, tỷ lệ % GDP các nước này chiếm bao nhiêu, ... để xét tới việc có ký kết chính thức và đưa hiệp định lịch sử này vào thực thi hay không.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn