TP.HCM: “Xử lý lãnh đạo nếu phát hiện nghề nhạy cảm"

Thời sựThứ Sáu, 17/02/2012 11:30:00 +07:00

(VTC News) - “Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố nếu xảy ra tệ nạn tại các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm".

(VTC News) – “Chủ tịch UBND các quận huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố nếu xảy ra tệ nạn tại các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm. Nếu thấy cần thiết có thể thay cán bộ”.

Thay mặt Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP đã nhấn mạnh như trên tại buổi họp đánh giá kết quả đợt cao điểm kiểm tra, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa tại TP.HCM.

Theo báo cáo từ đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM, trong 3 tháng cao điểm kiểm tra, các đoàn kiểm tra liên ngành đã đã kiểm tra gần 3.100 lượt, phát hiện 1.300 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 700 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 10 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu xảy ra tại các nhà hàng ăn uống, tiệm mát xa, quán bar, tiệm hớt tóc…với các hình thức vi phạm vẫn là không nộp bảo hiểm xã hội, kinh doanh rượu ngoại không phép, vi phạm các điều kiện về kinh doanh karaoke…Cá biệt, có rất nhiều trường hợp kinh doanh biến tướng như kinh doanh nhà hàng mà không có bếp, kinh doanh ngành nghề không đúng trong giấy phép.

Các tiếp viên nhà hàng trong trang phục mát mẻ bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện vi phạm trong 1 lần kiểm tra (ảnh: N.D) 

Chia sẻ tại cuộc họp, các quận huyện là những điểm “nóng” về kinh doanh loại hình, ngành nghề nhạy cảm như quận 1, Bình Tân, Bình Thạnh đã chỉ ra các điểm khó khăn trong công tác xử lý vi phạm loại hình ngành nghề nhạy cảm.

Vấn đề chính mà lãnh đạo các quận đề cập là các quy định của pháp luật còn thiếu và yếu. Cụ thể, nếu 1 doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm, rút giấy phép hoạt động, nhưng nếu có thành lập 1 doanh nghiệp mới thì lại tiếp tục được kinh doanh trên địa chỉ cũ nếu muốn.

Quận Bình Tân cho biết, mặc dù số trường hợp vi phạm nhiều, nhưng số trường hợp bị xử lý rút giấy phép hoạt động là khá ít, vì bị vướng luật, các cơ quan chức năng không thể xử lý được.  Quận Bình Tân còn cho biết thêm, địa bàn này phải kết hợp thêm với các biện pháp khác như: vận động các chủ hộ cho thuê nhà không tiếp tục cho các đơn vị kinh doanh loại hình nghề nhạy cảm thuê nếu bị phát hiện vi phạm, thay phiên nhau tổ chức kiểm tra liên tục để nhưng nơi kinh doanh này bị mất khách…

Thay mặt Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận đã yêu cầu các Sở, ban ngành của TP cần tiếp tục kiểm tra các loại hình kinh doanh ngành nghề nhạy cảm một cách quyết liệt đến “từng ngõ hẻm”. Nơi nào kinh doanh không phép, sai phép, không đúng với giấy phép thì kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm túc, xóa bỏ các loại hình biến tướng.

Một trong những biện pháp mạnh tay mà lãnh đạo TP sẽ áp dụng trong thời gian sắp tới đó là nếu cơ sở kinh doanh nào bị phát hiện vi phạm, dư luận phản ánh thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền sở tại như Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn và Trưởng Công an ở cấp tương đương. Còn Chủ tịch UBND các quận huyện có trường hợp vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP.HCM.

Theo đề nghị của Chủ tịch UBND TP, ông Hứa Ngọc Thuận đã yêu cầu cần áp dụng các biện pháp mạnh tay, xử lý cứng rắn và kể cả thay cán bộ nếu thấy cần thiết. Đối với các vướng mắc trong các văn bản thực thi pháp luật trong lĩnh vực này, ông Thuận chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát lại, kiến nghị UBND TP.HCM chỉnh sửa. Nếu ở cấp Bộ, Chính phủ thì kiến nghị thông qua đoàn đại biểu QH, đoàn đại biểu HĐND TP.HCM.

V.D

Bình luận
vtcnews.vn