TP.HCM xin gia hạn thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm

Sức khỏeThứ Sáu, 15/11/2019 17:46:00 +07:00

Sau 3 năm thực hiện, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM có tác động tích cực đến hoạt động kiểm soát ATTP nên đề xuất gia hạn thời gian thí điểm.

Ngày 14/11, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian hoạt động thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM bắt đầu từ ngày 6/12/2019 sau khi hết thời gian thí điểm 3 năm.

Theo UBND TP. HCM, trong 3 năm qua, Ban đã thống nhất đầu mối giải quyết các công việc trong lĩnh vực thực phẩm như truyền thông, cấp phép và thanh tra, thành lập các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện và chợ đầu mối để kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh; truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ quận huyện ứng phó kịp thời với các tình huống nghi ngộ độc thực phẩm.

Theo tờ trình số 4654 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm thí điểm, từ ngày 5/12/2016 đến 5/12/2019, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã giải quyết được hạn chế về cơ chế phối hợp giữa sở ngành và đầu mối chịu trách nhiệm về công tác quản lý an toàn thực phẩm.

thi diem ban quan ly ATTP

 

Trên cơ sở những hiệu quả của quá trình vận hành mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP suốt thời gian thí điểm 3 năm vừa qua, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm kể từ ngày 6/12/2019 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (hoặc duy trì mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm).   

Trước đó, ngày 1/11, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP, sau gần 3 năm thí điểm, Ban đã tăng được số lượng thực phẩm thịt, trứng, rau, củ quả… có nguồn gốc, an toàn; số vụ ngộ độc giảm rõ rệt; công tác thanh tra, xử lý sai phạm được tăng cường.

Theo bà Lan, ưu điểm từ khi Ban ra đời là thống nhất một cơ quan đầu mối tham mưu về ATTP và chịu trách nhiệm trước thành phố, nhờ đó tăng sức mạnh lực lượng thanh tra và nâng tầm lực lượng quản lý ATTP. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là thanh tra Ban ATTP chỉ là thanh tra chuyên ngành chứ không phải là thanh tra Sở, thanh tra Ban muốn đi kiểm tra, hoạt động thì Trưởng ban phải ký kế hoạch, do đó cần phải có Sở để lực lượng này mạnh hơn. Bà Lan đề xuất thay đổi Ban quản lý ATTP thành Sở ATTP, bao gồm các phòng chức năng quản lý ATTP thuộc Sở do UBND TP và Chính phủ quyết định.

Ngày 7/11, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, thành phố vừa chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu xin chủ trương thành lập Sở An toàn thực phẩm. Việc thành lập này dựa trên cơ sở thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

Sở An toàn thực phẩm sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, có chức năng tham mưu, giúp thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thành phố sẽ lập mạng lưới các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.

UBND thành phố cũng giao Sở Nội vụ tham mưu để đề xuất Thủ tướng gia hạn thời gian hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

TP.HCM dự kiến sẽ thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố được yêu cầu tập hợp những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, để kiến nghị các bộ, ngành xây dựng quy định hướng dẫn, làm cơ sở khi thực hiện tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM là chủ trương đúng đắn và phù hợp. Từ thực tiễn thí điểm của TP.HCM, ông Phong cho rằng mô hình hoạt động của ban thật sự có hiệu quả và nên được mở rộng.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn