TPHCM: Vì sao chống ngập thất bại thê thảm?

Thời sựThứ Năm, 12/12/2013 07:22:00 +07:00

(VTC News) – Đó là câu hỏi của rất nhiều đại biểu HĐND TP.HCM tại buổi chất vấn lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập TP chiều 11/12.

(VTC News) – Khi nào TP.HCM sẽ hết ngập, hiệu quả các chương trình chống ngập của TP như thế nào, tại sao TP.HCM lại cứ bị ngập triền miên… là những ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND TP.

Tiếp tục buổi chất vấn lãnh đạo các Sở, Ban ngành tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP.HCM khóa VIII, chiều 11/12, các đại biểu HĐND TP đã thực hiện buổi chất vấn với Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TP Nguyễn Ngọc Công.

Tại buổi chất vấn, các đại biểu đã chỉ ra nhiều khu vực nằm trên địa bàn nội thành TP.HCM thực sự lao đao vì bị ngập nước khi có mưa và triều cường dâng cao. Đại biểu Nguyễn Thành Nhân nêu: Nhiều khu vực của quận Bình Tân như đường Kinh Dương Vương, Hồng Lạc, An Dương Vương cứ mỗi khi có mưa lớn một chút xíu là nước ngập mênh mông.

Đại biểu Nguyễn Văn Lâm đặt câu hỏi: Cử tri quận Tân Bình thắc mắc cứ mưa là đường Đồng Đen, Âu Cơ nước lại ngập gây khó khăn cho giao thông. Nguyên nhân ngập do thi công chặn dòng chảy. Vậy khi nào ở khu vực này sẽ hết ngập, cuối năm 2014 có hết được không?

Đồng quan điểm với đại biểu Lâm, các đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập TP trả lời: “Ai sẽ hỗ trợ cho người dân về mặt thiệt hại tài sản khi nước triều, nước mưa gây ngập, hư hao tài sản? Hỗ trợ thế nào? Khi nào những khu vực "nóng" ở TP.HCM về ngập nước sẽ không còn bị ngập?”

ngập nước, triều cường, mưa.
Mỗi khi triều cường dâng cao, gây ngập nhiều tuyến đường ở TP khiến giao thông đi lại khó khăn. 
Đại biểu Võ Văn Sen chất vấn: “Năm 2013, TP.HCM chỉ mới xóa 9 điểm ngập, nhưng lại phát sinh 21 điểm ngập mới. Rõ ràng, chúng ta làm công tác chống ngập không hiệu quả, thiếu bền vững. Nguyên nhân của việc này? Hiệu quả của cống kiểm soát triều khi đưa vào hoạt động như thế nào?”
 
Năm 2013, TP.HCM chỉ mới xóa 9 điểm ngập, nhưng lại phát sinh 21 điểm ngập mới. Rõ ràng, chúng ta làm công tác chống ngập không hiệu quả, thiếu bền vững. Nguyên nhân của việc này? Hiệu quả của cống kiểm soát triều khi đưa vào hoạt động như thế nào?
Đại biểu HĐND Võ Văn Sen
 

Chia sẻ với các đại biểu HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Công - Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TP cho biết: Nhiều năm nay, mức triều cường ở TP.HCM ngày càng dâng cao, năm sau luôn ở mức cao hơn năm trước. Cho tới nay, mức triều kỷ lục tại TP được ghi nhận là 1,68m vào tháng 10 và 12 năm nay.

Đỉnh triều quá cao đã tạo áp lực lớn, gây bể bờ bao, dù rằng 90% bờ bao đã được kiên cố, bê tông hóa. Ngoài ra, việc bể bờ bao còn có nguyên nhân từ phía người dân, đã đào lỗ thông ở dưới chân bờ bao để thoát nước ra ngoài như vụ bể bờ bao ở phường Hiệp Bình Chánh – quận Thủ Đức hồi đầu tháng 12.

Chính vì thế, ông Công đã đề xuất thành lập đội quản lý đê nhân dân, để kịp thời phát hiện các vị trí xung yếu, rò rỉ, có khả năng bị bể để kịp thời báo cho cơ quan chức năng tại chỗ, huy động lực lượng xử lý ngay thì sẽ hạn chế việc bị bể bờ bao rất nhiều.

Để giải quyết tình trạng ngập nước ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Ngọc Công, cần có biện pháp đồng bộ là hệ thống đê bao vững mạnh và cống ngăn triều, nhưng cũng cần lưu ý đến ảnh hưởng của yếu tố biến đổi khí hậu.

Hiện các dự án chống ngập của TP.HCM đang thi công, tới hết năm 2014 sẽ xong toàn bộ, nên sẽ giải quyết được rất nhiều điểm ngập cho khu vực TP.

Hiện TP đang xin hai cống ngăn triều lớn, với ba cống ngăn triều cho khu vực nội thành, và đầu tư thêm năm cống ngăn triều để kiểm soát triều cường gây ngập ở trung tâm, ngoại vi TP.HCM.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: “Tôi cho rằng với những cố gắng như vậy, hy vọng rằng trong vòng 5 đến 10 năm nữa, cử tri và đại biểu sẽ không còn phải nghe cơ quan chức năng nói đến chuyện ngập do mưa quá lớn, triều cường dâng cao quá giới hạn, quá dự báo, quá sức chịu đựng của các công trình chống ngập nữa.”

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị lãnh đạo TP cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh hơn nữa triển khai các công trình chống ngập. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phát huy hiệu quả việc quản lý các kênh rạch từ phía nhân dân.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn