TP.HCM phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm virus Zika

Sức khỏeThứ Năm, 03/11/2016 11:03:00 +07:00

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến sáng nay, 3/11, trên địa bàn thành phố đã phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh, nâng tổng số người nhiễm Zika lên 20 trường hợp trên địa bàn thành phố.

Trước đó, tại cuộc họp triển khai phòng, chống dịch do virus Zika diễn ra tại UBND TP.HCM vào chiều 19/10, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, toàn địa bàn TP.HCM có 5 trường hợp nhiễm bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika tăng nhanh, ngày 31/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc khẩn cấp với Sở Y tế TP.HCM và Viện Pasteur TP.HCM. Nội dung buổi họp nhằm tìm kiếm các giải pháp, hạn chế sự lây lan của virus Zika.

Tính đến sáng 3/11, đã có thêm 3 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số ca nhiễm lên 20 trên địa bàn TP.HCM. Theo ghi nhận, 11/24 quận huyện có người nhiễm virus Zika. Bao gồm: Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Tân, quận 5, quận 10, mỗi quận 1 ca; Tân Phú, quận 2, quận 4, mỗi quận 2 ca; Bình Thạnh, quận 9, quận 12, mỗi quận 3 ca.

2a3f667c-d4b6-11e5-855c-8

Hiện tượng "Trẻ đầu nhỏ" do nhiễm virut Zika. (Ảnh internet)

Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em mắc hội chứng đầu nhỏ không chỉ chậm phát triển trí tuệ mà còn vận động khó khăn, co giật, khó ăn uống….

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây, vừa phát hiện virus Zika ngoài việc gây hại cho thai nhi, còn có khả năng khiến tinh hoàn của nam giới teo đến 90%, và gây ra tình trạng vô sinh.

Đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt).

Do TP.HCM có mật độ dân số đông và đang trong mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết (tính đến ngày 20/10, có hơn 14.600 ca sốt xuất huyết nhập viện) nên nếu vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh chưa cao sẽ dễ xảy ra dịch bệnh.

Muỗi là trung gian truyền bệnh, nên trong những tháng cuối năm nguy cơ nhiễm Zika sẽ lên đỉnh điểm nếu không kịp thời phòng chống. Những tháng cuối năm là mùa mưa, tình trạng ao tù, nước đọng, cây bụi um tùm không thể tránh khỏi, nhiệt độ ẩm mốc sẽ khiến cho muỗi sinh sôi, phát triển mạnh.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika, ban chỉ đạo phòng dịch TP.HCM cho biết, sẽ chủ động tiến hành các biện pháp xử lý dịch ngay khi có trường hợp nghi ngờ, không đợi đến khi có kết quả xét nghiệm.

Tiến hành đồng bộ các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động, vận động nhân dân tham gia với ngành y tế bằng cách: Mỗi người, mỗi nhà tự thực hiện việc diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt để tự phòng bệnh cho mình và cho cộng đồng.

img_3850-1926

Môi trường ẩm mốc là nguyên nhân khiến muỗi sinh sôi, lây truyền dịch bệnh. 

GS TS BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết tại 24 quận huyện.

Trước tình hình nhiễm virus Zika tăng nhanh trong thời gian qua, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM nhận định, bệnh do virus Zika hiện đang lưu hành và sẽ phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc mới trong thời gian tới tại TP.HCM.

Video: Phát hiện mới: Virus Zika có thể gay teo tinh hoàn ở nam giới.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn