TP.HCM tiếp tục giãn cách: 'Thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người'

Tin nhanh 24hThứ Ba, 14/09/2021 08:09:14 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, giữa các mục tiêu mở cửa nền kinh tế của TP.HCM thì mục tiêu bảo vệ sinh mạng con người vẫn là quan trọng nhất.

Tại họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 chiều 13/9 tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tới hết tháng 9.

TP.HCM tiếp tục giãn cách: 'Thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người' - 1

TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life).

Trả lời về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên. 

"Đây là sự thận trọng rất cần vào lúc này. Thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người. Quyết định này mang tính trách nhiệm của lãnh đạo thành phố", ông Lộc nói.

Theo ông, thành phố đang có nhiều mục tiêu để mở cửa, khôi phục nền kinh tế, nhưng dù mục tiêu nào đi nữa thì bảo vệ sinh mạng con người vẫn là quan trọng nhất.

"Cách đây vài tuần là mấy trăm ca tử vong, bây giờ xuống còn 200, chúng ta cứ đếm số và nghĩ như vậy là tốt. Nhưng thật ra đó là tư duy quá lạnh lùng và thiếu xúc cảm", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội nói.

Ở khía cạnh khác, ông cho rằng, sức chống chịu của người dân đang cạn kiệt. Mặc dù được chính quyền hỗ trợ rất tốt bằng các gói cứu trợ, thế nhưng với người dân hiện không còn là nhu cầu ăn uống bình thường nữa, mà là phức hợp các nhu cầu.

"Vì vậy, việc thành phố tính toán mở cửa phải cân nhắc, và mở cửa phải rất thận trọng. Chúng ta luôn trong tình thế mở được và đóng được bất cứ lúc nào. Chúng ta nên truyền thông để người dân hiểu điều đó. Mọi sự chuẩn bị này, chung quy vẫn là để phục vụ mục tiêu bảo vệ sinh mạng người dân", ông Lộc nhấn mạnh.

TP.HCM tiếp tục giãn cách: 'Thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người' - 2

BS Trương Hữu Khanh.

Nhìn nhận về việc này, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 đánh giá, hiện vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn các hoạt động vì cần thêm thời gian để tính toán, đánh giá các số liệu liên quan đến kiểm soát dịch bệnh.

Tuỳ theo đánh giá về số liệu, nếu tiêm vaccine chậm quá dẫn đến độ phủ 2 mũi còn thấp và số ca F0 nặng mới còn cao thì phải tính toán lại thời gian “mở cửa” các hoạt động. Có nghĩa là từ bây giờ cho đến 15/9, thành phố cần đánh giá lại số ca mới diễn tiến nặng hiện ra sao, số liệu tiêm vaccine cho người dân đạt độ phủ an toàn chưa. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần xem xét số liệu đối tượng nguy cơ đang thế nào, lúc đó mới biết được đã mở cửa hoàn toàn hay chỉ mở cửa một phần.

BS Khanh nhấn mạnh, “muốn có 2 tuần hay mấy tuần đi nữa” cũng cần phải xem xét số F0 ngoài cộng đồng, tiếp đến là đánh giá khả năng kiểm soát dịch bệnh tấn công vào đối tượng nguy cơ.

“Muốn biết 2 con số đó cần theo dõi số liệu về số F0 nặng mới trong 2 tuần qua giảm thế nào, bên cạnh đó phải xem xét tỷ lệ phủ vaccine cho người có nguy cơ lẫn tỷ lệ phủ vaccine trong cộng đồng. Đương nhiên, muốn mở cửa thì phải mở từng phần thôi, chẳng hạn như người nhiễm bệnh nay đã khỏi hay người tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ tham gia các hoạt động theo lộ trình ra sao”, BS Khanh nói.

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, Thành phố giãn cách đã lâu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh.

“Thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long quá nhiều, thu hoạch nhưng không bán được, trong khi ở thành phố khan hiếm mà giá lại tăng. Chính quyền nào cũng vậy, phải lựa chọn giữa sinh mạng và sinh kế. Đang dịch muốn đảm bảo sinh kế thì lơ là vấn đề sinh mạng, nhưng nếu chúng ta quá siết thì sinh kế bà con khó khăn. Nếu muốn trở lại thì mô hình sản xuất kinh doanh phải phù hợp trong mùa dịch”, ông An nói.

Tuy nhiên, ông An cho rằng, với tình trạng hiện nay, trở về cuộc sống bình thường mà không có COVID-19 là gần như không thể. Do đó, TP.HCM nên chuẩn bị phương án “sống chung với COVID-19”, nhưng không phải sống chung với đại dịch.

“Vấn đề là chúng ta phải coi COVID-19 giống như loại bệnh cúm, tất nhiên không phải cúm bình thường. Nghĩa là chuẩn bị cho giai đoạn dài hơi, trong đó thay đổi rất lớn về cả xã hội, phương thức vận hành. Ví dụ như đi xe buýt hay xem phim không ngồi ghế sát nhau nữa, mà phải có khoảng cách, hay vẫn phải đeo khẩu trang, không những 5K mà còn 5T nữa, mở cửa trở lại nhưng không phải bình thường mà là “bình thường mới” với các biện pháp phòng dịch đi kèm. Tăng cường ý thức phòng dịch của người dân rất là quan trọng, thì mới tạo cân bằng để sống chung với nó, chứ để dịch bùng lên là rất nguy hiểm”, ông An nhấn mạnh.

Thy Huệ - Khuất Nguyên - Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn